Thực hư ngân sách khổng lồ của IS
Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ tạp chí Mỹ Newsweek, một đại diện cấp cao của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) là Abu Saad al Ansari tuyên bố ngân sách năm 2015 của IS là 2 tỷ USD và có thể còn tăng thêm.
Cũng theo lời Al Ansari, phần lớn ngân sách đó sẽ được chi vào việc trả lương cho các chiến binh, mua vũ khí và trợ cấp cho những người nghèo, người già và người đau ốm tại Syria và Iraq, những nơi đang hứng chịu những đợt không kích dữ dội của Liên minh quốc tế chống IS. Phần còn lại của ngân sách sẽ được dùng để tài trợ các chương trình quân sự và các khóa huấn luyện cũng như để mua sắm các thiết bị kỹ thuật.
Al Ansari còn cho biết, tại miền bắc Iraq đã thành lập Ngân hàng Hồi giáo chịu trách nhiệm quản lý các khoản tiền nói trên và thực hiện việc bảo đảm tài chính cho các chiến dịch quy mô lớn.
Theo nhận định của các nhà phân tích, những tiết lộ của Al Ansari hiển nhiên là nhằm mục đích củng cố niềm tin vào sức mạnh của IS, nhằm thuyết phục các tín đồ Hồi giáo và hàng triệu người dân các khu vực hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của IS tin rằng họ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ về tài chính của IS.
Những nguồn cung cấp tài chính
Tuy nhiên, Al Ansari và các thủ lĩnh khác của IS đều giữ im lặng hoàn toàn về những nguồn cung cấp tài chính cho IS. Ai cũng biết IS không có những khoản tiền chính thức đưa vào ngân sách và cũng không có hệ thống thuế. Điều này chẳng có gì khó hiểu bởi vì trong Nhà nước Hồi giáo chỉ có các tổ chức và cơ cấu tôn giáo. Hơn thế nữa, đạo Hồi không có mức độ tập trung cao như các tôn giáo khác, không ít trào lưu Hồi giáo hợp nhất lại chỉ nhờ nỗ lực của một thủ lĩnh nào đó.
Vậy ngân sách của IS lấy từ những nguồn thu nào?
Theo ý kiến các nhà phân tích, ngân sách 2 tỷ USD của IS được lấy từ tiền bán dầu mỏ, từ các khoản quyên góp của các cá nhân thuộc các nước vùng vịnh Persic, từ việc cướp bóc các vùng lãnh thổ của Syria và Iraq và từ các vụ đe dọa và bắt cóc tống tiền. Nhưng nếu cướp bóc và đe dọa tống tiền là những việc dễ dàng xác định và lý giải thì nguồn thu từ dầu mỏ và từ các khoản quyên góp lại khó lý giải hơn nhiều.
Đúng là IS đã chiếm được những khu vực có nhiều mỏ dầu. Nhưng có bán được dầu hay không lại là chuyện khác. IS chỉ có thể bán dầu mỏ cho các công ty và những cơ sở trung gian để những công ty và cơ sở này vận chuyển và chế biến cho các nước phương Tây. Kiểu buôn lậu như vậy chỉ có thể thực hiện thông qua các kênh hiện có. Nhưng cho tới nay, vẫn không ai phát hiện được đó là những kênh nào.
Các khoản quyên góp của các cá nhân thuộc các nước vùng Vịnh Persic cũng vậy. Theo ước tính, những khoản quyên góp tư nhân đó không phải ít mà có thể lên tới gần một tỷ USD. Vậy ai đã bí mật quyên góp cho IS những khoản tiền lớn như vậy? Phải chăng là một số thành viên nào đó trong Hoàng gia các vương quốc dầu mỏ trong khu vực?
Những mối lo ngại của thế giới
Hầu hết các nhà phân tích đều thừa nhận những số liệu tài chính do IS đưa ra không xa với sự thật và do đó làm nổi lên một loạt vấn đề đáng lo ngại.
Thứ nhất, nếu những số liệu đó là đúng thì một tổ chức khủng bố bí mật như IS công bố nhằm mục đích gì? Để thu hút nguồn tài trợ mới hay để bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực tài chính quốc tế?
Thứ hai, nếu những số liệu đó là đúng thì điều này có nghĩa là các nước vùng Vịnh Persic chưa nỗ lực đấu tranh chống IS. Điều này còn có nghĩa là việc buôn lậu dầu mỏ của IS có những kẻ đồng mưu trên phạm vi quốc tế, hơn nữa, đó phải là những kẻ đồng mưu tầm cỡ. Nói cách khác, rất có thể tại phương Tây có những cấu trúc ngân hàng không chê những đồng tiền “bẩn thỉu”. Bởi lẽ, các thủ lĩnh IS không thể giấu tiền trong những đụn cát ở sa mạc Syria.
Thứ ba, nếu những số liệu đó là đúng, điều này có nghĩa là IS quả thật có sức mạnh và có những nguồn cung cấp tài chính thường xuyên, một điều mà ngay cả tổ chức khủng bố Al Qaeda cũng không có được.
Nói tóm lại, nếu những số liệu đó là đúng, thế giới có hàng loạt lý do để lo ngại.
>> Khủng bố IS phát hành đồng tiền riêng