Việc Có lên ngôi vô địch Startup Việt 2019 nhờ "nhỏ - nhẹ - đơn giản"

04/12/2019 08:54 AM | Kinh doanh

Trong Top 5 của Startup Việt 2019, mô hình kinh doanh của Việc Có trông đơn giản và phát triển chậm nhất, nhưng chẳng ngờ chính những thứ tưởng là nhược điểm đó lại trở thành ưu điểm giúp họ lên ngôi quán quân Startup Việt 2019.

Ngày hôm qua, Việc Có – startup chưa đầy 1 năm tuổi đã bất ngờ vượt qua 4 tay đua sừng sỏ khác là Liberzy, Tez, SphacyTripHunter để lên ngôi vô địch Startup Việt 2019.

Đây là kết quả không chỉ bất ngờ với những người tham dự buổi thi chung kết ngày 2/12, mà ngay cả với chính 2 nhà sáng lập Việc Có là Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng.

Bởi, trừ Liberzy là tương đối mới như họ, còn cả Tez, Sphacy và TripHunter đều đã phát triển được một thời gian khá dài, mô hình kinh doanh phức tạp, có lượng người dùng lớn và mang về nhiều doanh thu hơn. Trong khi, Việc Có từng chia sẻ với chúng tôi rằng, do chiến lược kinh doanh đề cao chất lượng người dùng của mình, Việc Có rất cẩn trọng trong việc thẩm định khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân, nên khách hàng của họ vẫn chưa nhiều, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp.

TripHunter là công cụ xây dựng lịch trình du lịch phát triển trên nền tảng ứng dụng và web. Công cụ này sẽ tạo lịch trình tự động, giúp người dùng có thể tự điều chỉnh kế hoạch dựa trên lịch trình đã tạo. Ứng dụng còn giúp người dùng so sánh giá giữa các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent - OTA). Người dùng có thể đặt và quản lý tất cả dịch vụ như mua vé máy bay, đặt khách sạn, vé tham quan... trên cùng một ứng dụng.

TripHunter thành lập từ 2017, mỗi booking trên TripHunter trị giá 150 USD, doanh thu họ thu về ở mỗi booking khoảng 12 USD, 8% hoa hồng trên mỗi booking từ nhà cung cấp. Năm 2022, dự kiến doanh thu khoảng 3 triệu USD. Hiện startup này có 110.000 truy cập/tháng, 2 triệu dữ liệu địa điểm trên thế giới. Đặc biệt nữa, TripHunter vừa vô địch Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Startup Hunt 2019.

Tương tự TripHunter, Sphacy cũng được đánh giá rất cao ở cuộc thi này. Hoạt động tương tự như nền tảng gọi xe Grab hay các ứng dụng đặt đồ ăn, Sphacy phát triển ứng dụng đặt hàng dược phẩm. Đây là ứng dụng cho phép người dùng mua thuốc mọi lúc, mọi nơi qua đặt hàng - giao hàng bằng cách sử dụng ứng dụng di động.

Hiện tại cách sử dụng dược phẩm của mọi người đang tồn tại nhiều vấn đề như không rõ nguồn gốc thuốc, sử dụng không đúng liều lượng, mức kháng kháng sinh cao... Để giải quyết những bài toán trên, Sphacy mang đến giải pháp đặt mua thuốc kết nối trực tiếp giữa các đơn vị cung cấp dược phẩm kể cả bán buôn và bán lẻ đến với người dùng. Cùng với đó là giải pháp kiểm soát chất lượng dược phẩm. Ngoài ra, họ còn cung cấp phần mềm quản lý cho các nhà thuốc.

Hiện mạng lưới của họ có 1.500 nhà thuốc bán lẻ, 300 công ty phân phối dược, 120 nhà thuốc bệnh viện, 50 công ty sản xuất dược… Doanh thu mảng dược phẩm năm 2018 là 7 tỷ đồng, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2019; doanh thu mảng phần mềm cũng đạt khoảng 1,8 tỷ vào năm 2019. Sphacy cũng thành lập từ năm 2017.

Việc Có lên ngôi vô địch Startup Việt 2019 nhờ nhỏ - nhẹ - đơn giản - Ảnh 1.

Top 5 Startup Việt 2019

Có một điều hết sức thú vị là, Liberzy cũng từng tham gia Shark Tank và được Shark Dũng, Shark Bình và Shark Liên đề nghị đầu tư, nhưng cuối cùng họ chọn Shark Dũng giống như Việc Có.

Tuy nhiên, chắc chắn Việc Có giành giải nhất không phải do may mắn hoặc do 2 nhà sáng lập của họ từng là nhân sự chủ chốt của Tiki – nhà tài trợ của Startup Việt 2019. Vì theo tiết lộ từ Ban tổ chức, để bảo đảm sự công bằng cho tất cả, ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki và cũng là thành viên Ban giám khảo đã tình nguyện không chấm điểm ngay từ đầu cho Việc Có.

"Cảnh và Tùng đều từng làm việc cho Tiki và có đóng góp tốt. Do đó tôi từ chối cho điểm và nhường phần đánh giá cho 4 giám khảo còn lại. Các bạn thắng hay bại đều là do chính các bạn", ông Sơn nói.

Việc Có thắng giải là tổng hòa từ nhiều yếu tố: đầu tiên là Phan Xuân Cảnh – co-founder của startup này đã có màn thuyết trình và phản biện tốt trong trận chung kết; thứ hai là nhờ sự thật thà, cẩn trọng, tập trung của Ban lãnh đạo của startup này.

Khi Ban giám khảo nói về xây dựng nền tảng hay hệ sinh thái trong khởi nghiệp, Phan Xuân Cảnh đã tâm sự rằng: Việc Có cũng từng ôm đồm tham lam tiến hành cùng lúc nhiều thứ, nhưng cuối cùng họ nhận ra tốt nhất vẫn là đi từng bước và tiến hành từ từ. Trước mắt họ cứ làm tốt công việc kết nối giữa doanh nghiệp và lao động phổ thông qua app Viec.Co, còn xây dựng hay tích hợp hệ sinh thái gì đó là chuyện của tương lai.

"Viec.co đang kinh doanh trong một ngách nhỏ, không quan trọng như ngành thương mại điện tử (TMĐT), nhưng nếu họ chiếm được lượng khách hàng với số đông cực kỳ lớn, rồi có tư duy platform, sau này biết đâu sẽ trở thành đối thủ của Google. Viec.co đã nói nhiều về công việc, giờ giấc, kỷ luật của người lao động và khách hàng của họ, nếu hiểu người ta rồi, cơ hội là không giới hạn. Bây giờ, các startup nên đầu tư vào những chỗ nào ít cạnh tranh nhất, bắt đầu bằng nhỏ, nhẹ, đơn giản như thế.

Nếu bây giờ, có bạn trẻ nào tới nói với tôi rằng bạn ấy sẽ kinh doanh TMĐT, tôi sẽ nói rằng: hãy quên đi. Nhảy vào mảng TMĐT ở thời điểm này đã muộn, nếu 15 năm trước bạn nói thế, tôi sẽ ủng hộ ngay. Bây giờ đã quá muộn, Tiki đang đốt tiền vô tội vạ", ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT và cũng là thành viên Ban giám khảo đã đánh giá như thế về Việc Có.

Mới ra mắt trong năm nay, nhưng những thành tựu mà Việc Có cùng bộ đôi founder Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng đạt được rất đáng khích lệ; nhưng với startup, thì ‘đường dài mới biết ngựa hay’.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM