Dù chê 'khôn như em quê tôi đầy', cứng rắn khi offer nhưng Shark Dũng vẫn đầu tư 300.000 USD cho startup của hai cựu nhân viên đời đầu Tiki
viec.co là nền tảng kết nối lao động tự do và doanh nghiệp. Startup này đến Shark tank kêu gọi 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi và mức ưu đãi giá (discount) 10% cho 1 triệu USD ở vòng kế tiếp.
Hai cựu nhân viên đời đầu của Tiki gọi vốn khởi nghiệp
Đến với Thương vụ bạc tỷ tập 15, mùa 3, hai nhà đồng sáng lập startup viec.co cho biết họ mong muốn xây dựng nền tảng kết nối lao động khi trên thực tế tại Việt Nam hiện có 20 triệu người lao động phổ thông tự do, ở Đông Nam Á là 100 triệu người. Mục tiêu của startup này là kết nối người lao động tự do làm công việc đơn giản đến với doanh nghiệp.
Phan Xuân Cảnh, nhà đồng sáng lập kiêm CEO và đồng sáng lập kiêm CTO Nguyễn Xuân Tùng từng có 5 năm cùng làm việc tại Tiki. Tùng cho biết chỉ có công nghệ mới giải quyết được 3 vấn đề: Nhanh, Chất lượng và Quy mô lớn. Nghỉ Tiki từ 2017, Cảnh nhận được học bổng học thạc sỹ vận hành tại MIT của Mỹ. Ý tưởng này đến với anh từ năm 2015 khi anh từng nói chuyện với những người bạn làm trong ngành giao vận như Giao hàng nhanh, Grab hay Tiki đặt vấn đề về thiếu hụt lao động.
"Bọn em tập trung hoàn toàn vào khách hàng doanh nghiệp. Cuộc chơi C2C rất khốc liệt có thể một ngày Grab hay Go-jek sẽ nhảy vào cuộc chơi", Cảnh chia sẻ thêm hướng đi của startup này.
Tùng chia sẻ thêm ứng dụng này chính thức khai thác từ đầu năm 2014 và đến thời điểm ghi hình đã có 14.000 người đăng ký đi làm. Ngoài ra doanh thu của viec.co tăng 50% hàng tháng. Cảnh cho biết thêm tháng gần nhất tạo ra 1,5 tỷ đồng thu nhập cho các cộng tác viên thu và đơn vị này thu 20% phí từ phía doanh nghiệp sử dụng lao động. viec.co hiện đã hoàn tất vòng hạt giống với tổng giá trị 300.000 USD.
Startup này đến Shark tank để kêu gọi 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi và mức ưu đãi giá (discount) 10% cho 1 triệu USD ở vòng kế tiếp. Hai nhà đồng sáng lập này hiện đã bỏ vào khoảng 3,5 tỷ đồng và có 10 khách hàng ngành kho bãi, thương mại điện tử, bán lẻ và logistic.
Khi được hỏi về số tiền đầu tư vòng hạt giống, Cảnh cho biết hiện đã nhận thoả thuận ở mức độ cam kết cao tuy nhiên chưa ký thoả thuận term sheet. Với khoản 300.000 USD trái phiếu chuyển đổi gọi vốn tại Shark Tank Cảnh cho biết sẽ chuyển đổi sau 9 tháng.
Trả lời câu hỏi về quản lý lao động của Shark Liên, Tùng cho biết người lao động sẽ sử dụng app tại nơi làm việc và chấm công trên ứng dụng. Nhờ công nghệ app sẽ ghi nhận lại đúng thời điểm và vị trí người này xuất hiện.
Với bảo hiểm cho người lao động, Tùng cho biết hiện đang thương lượng với một số khách hàng để tích hợp cả phần bảo hiểm. Với những nhóm làm thời gian tương đối dài viec.co thì sẽ mua luôn cho họ đồng thời cũng có trợ giá mua bảo hiểm cho một số nhóm khác.
"Tai nạn lao động chết người thì ai chịu trách nhiệm, nhất là những công việc khuân vác? Khám sức khoẻ cho người lao động ra sao?", Shark Việt đặt câu hỏi.
"May mắn là hiện chúng em chưa có vấn đề gì. Thực tế nhóm lao động mà bọn em phục vụ chủ yếu là bán thời gian, làm thêm hay các em đang đi học có bảo hiểm của trường làm thêm. Những người tranh thủ làm thêm bên cạnh công việc chính", Cảnh cho biết.
Shark Việt cho rằng khi làm tuyển dụng lao động với doanh nghiệp sẽ rất khác và được các cơ quản quản lý từ thanh tra lao động, thuế, bảo hiểm xã hội để ý chặt chẽ. Chính vì vậy nên phần lớn người kinh doanh thích làm hộ cá thể hơn là hộ doanh nghiệp.
Shark Hưng gợi ý lời giải cho viec.co bằng cách loại trừ trách nhiệm ra khỏi người lao động. Thứ nhất đây là lao động thời vụ. Thứ 2 startup không phải là công ty thuê mướn lao động trực tiếp chỉ là nền tảng kết nối, người nào sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về điều đấy.
"Ai cũng thích đi lao động để kiếm tiền thời gian rỗi mà kể cả sinh viên. Người ta không có sức khoẻ, mình không kiểm định được xong lỡ xảy ra vấn đề gì ai là người chịu trách nhiệm? Đỏ không nói làm gì nhưng 'đen' thì sẽ có chuyện đấy", Shark Việt tiếp tục cảnh báo.
Tùng lại bày tỏ quan điểm ngược lại: "Bọn em tạo ra thứ ít rủi ro hơn. Những lao động tự do ngoài thị trường chịu đầy đủ những rủi ro đấy. Bọn em thứ ít rủi ro và bước đầu là xác thực chứng minh nhân dân để xác minh họ là ai, dần dần bọn em sẽ bổ sung những thủ tục cần thiết để đảm bảo rằng mình có những người tin cậy. Thứ 2 là 14.000 người đăng ký họ sẽ trở thành những người được xác thực hồ sơ, họ đi làm, tích luỹ, được đánh giá kinh nghiệm thực tế các doanh nghiệp. Hệ thống tự có cơ chế để cảnh báo cho doanh nghiệp những điều đó".
Khi được shark Hưng đặt câu hỏi về vấn đề thanh toán tiền lương, Cảnh cho biết việc này sẽ thực hiện sau khi người lao động hoàn thành công việc. Hiện đơn vị này nhắm tới các doanh nghiệp lớn, có uy tín. Ở quy mô lớn hơn, viec.co sẽ áp dụng hình thức tương tự thấu chi, đến giới hạn nhất định sẽ không cung cấp nguồn lao động.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các doanh nghiệp lớn không trực tiếp tuyển người mà cần sử dụng nền tang viec.co. Cảnh cho biết mình từng đứng ở vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp. Việc phải tìm vài trăm người chỉ trong vài ngày hay vài tuần, các khâu từ đăng tin tuyển dụng, sàng lọc, gọi điện, ký hợp đồng cho đến nộp thuế với từng người đều vô cùng phức tạp. Và những công ty logistic bên cạnh đội ngũ nhân sự toàn thời gian, họ luôn cần lượng lớn lao động mang tính thời vụ biến động.
"Em cạnh tranh như thế nào? Hiện có rất nhiều đơn vị tuyển dụng rồi, họ nhày vào làm app sẽ tiêu diệt bạn?", Shark Bình đặt câu hỏi.
"Câu hỏi của anh giống kiểu các hãng taxi xây dựng ứng dụng thì Grab có chết không? Câu trả lời là không chết. Thực ra chuyện của app là tăng trưởng cực nhanh và trở thành market leader và hút phần còn lại về. Bọn em may mắn được chơi trong game như thế, 3 lần hay 5 lần một năm", Cảnh phản biện lại. Chia sẻ thêm về số liệu doanh thu, Cảnh cho biết kế hoạch năm 2019 đặt 1 triệu USD, vào khoảng 23 tỷ đồng.
Bốn cá mập tranh nhau đầu tư
Mặc dù rất thích mô hình kinh doanh về khía cạnh nhân văn khi tạo ra nhiều việc làm nhưng điều khiến Shark Liên băn khoăn là vấn đề về quản lý về con người. "Thứ 2 là cách gọi vốn, tôi năm nay 60 tuổi và chưa cho ai vay tiền. Theo cách các bạn đang gọi vốn thì tôi không đầu tư, có Shark nào đầu tư được tôi sẽ theo cùng", Shark Liên chốt deal đầu tiên.
"Thực sự bọn em muốn tạo ra được điều gì đó có ý nghĩa, giúp cho nhiều người. Như trường hợp Tết năm 2018 bọn em có một nhóm cộng tác viên là sinh viên mai về quê nhưng hôm nay vẫn đăng ký đi làm để kiếm 300.000 đồng. Bọn em muốn nhân những câu chuyện như vậy cho nhiều người nữa", Tùng chia sẻ thêm.
Đồng cảm với mong ước của đội ngũ sáng lập, rất thích dự án nhưng shark Bình cho rằng deal đưa ra chưa hấp dẫn. Chủ tịch NextTech đưa ra đề nghị 300.000 USD trái phiếu chuyển đổi, mức 50% discount cho vòng sau với lý do vì chưa biết bao giờ xảy ra. Theo Shark Bình hiện số tiền các nhà sáng lập rót vào mới chỉ 3,5 tỷ đồng và ông chỉ quan tâm đến "tiền tươi thay vì tiền bỏ tủ lạnh". Shark Bình cho rằng kể cả ký term sheet nhưng tiền chưa vào tài khoản thì cũng không có ý nghĩa gì.
Tiếp theo, Shark Dũng đưa ra đề nghị mức discount 20% và mức trần giá trị gọi vốn cho vòng sau (CAP) là 2,5 triệu USD. Ngoài ra ông còn đưa ra điều kiện ít nhất trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày phát sóng phải tìm được nhà đầu tư bỏ vào 700.000 USD để đủ mức 1 triệu USD. Nếu không tìm được nhà đầu tư này thì startup phải trả lại tiền. Hoặc đến khi tìm nhà đầu tư trên thì Shark sẽ bỏ 300.000 USD vào.
Shark Hưng đưa ra đề nghị nhanh gọn hơn gồm 2 phương án: Một là mức discount 30% và lãi suất 15%. Hoặc phương án 2 là 20% discount và lãi suất 20%. Shark Hưng yêu cầu chỉ cần tìm được nhà đầu tư cùng 300.000 USD, tỷ lệ 50-50.
Shark Bình sau khi thấy 2 shark đưa ra đề nghị hấp dẫn nên hạ mức discount xuống 35% và lãi suất 6%. Shark Dũng nhấn mạnh với startup đề nghị của mình không có lãi suất.
Người chốt deal đầu tiên là Shark Việt. Vị "cá mập" này không đầu tư do lo ngại những rủi ro liên quan đến an toàn lao động và bảo hiểm cho người lao động.
Cảnh đề nghị lại với shark Dũng nâng mức CAP lên 4 triệu USD. Theo nhà sáng lập này, thời điểm gọi vốn chưa phải là cao điểm sử dụng lao động. Anh cho biết Alibaba thời điểm cao nhất gấp 17 lần, thương mại điện tử Việt Nam gấp 10 lần. 9 tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm nhất, tháng cao nhất ước tính doanh thu 250.000 USD nhân với 12 sẽ được khoảng 3,5 triệu USD.
"Nhân theo run rate em lấy tháng cao nhất nhân với 12. Khôn thế nói như Shark Hưng quê tôi đầy. Lý do anh đầu tư cho em vì em là một trong những nhân viên đời đầu của Tiki. Cái thứ 2 là thị trường có nhiều vấn đề cần giải quyết. Startup phải đi giải quyết vấn đề đấy. Tôi vẫn giữ nguyên CAP 2,5 triệu USD", Shark Dũng rắn tay phản biện lại.
Đột nhiên shark Liên vi phạm luật chơi khi đưa ra đề nghị có thể thoả mãn các điều kiện deal của viec.co. Startup này từ chối đề nghị của Shark Bình do sẽ làm giảm giá trị của nhà đầu tư ban đầu.
"Đề nghị của tôi không có CAP do có interest còn shark Dũng không có interest. Điều khoản của tôi an toàn hơn. Trong trường hợp các bạn về thoả thuận với nhà đầu tư nào đó đang đàm phán không thành công thì không bị giới hạn với CAP. Nếu tôi thắng vẫn mời Shark Liên tham gia cùng", Shark Hưng chèo kéo startup.
Đáp lại Shark Dũng cho biết mình cũng sẽ mời Shark Liên cùng tham gia. Vốn làm trong ngành công nghệ, Cảnh cho biết mình đặt tên miền .co vì muốn đi ra nước ngoài. Đồng thời anh cho biết mong muốn bắt tay với Shark Dũng vì shark có kinh nghiệm dẫn dắt startup công nghệ.
Cuối cùng viec.co bắt tay cùng Shark Dũng và Shark Liên.