Việc các cháu bé Tịnh thất Bồng Lai 'có mẹ trên giấy tờ': Có dấu hiệu vi phạm quyền trẻ em

16/11/2021 14:15 PM | Xã hội

"Việc các cháu có cha, mẹ mà vẫn khẳng định là trẻ mồ côi là đang vi phạm quyền trẻ em", bà Trần Thị Ngọc Nữ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết.

Dấu hiệu vi phạm quyền trẻ em

Vừa qua, chính quyền xã Hoà Khánh Tây (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ) đã xác nhận, 3 cháu bé tại Tịnh thất Bồng Lai (có tên mới là Thiền am bên bờ vũ trụ ) "có mẹ" trên giấy tờ là những phụ nữ đang sống tại cơ sở này. Trong phóng sự "Sự thật về Tịnh thất Bồng Lai được phơi bày" của Đài truyền hình Long An, ông Hồ Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Hoà Khánh Tây cho biết, địa phương đã làm giấy khai sinh cho 3 em nhỏ ở Tịnh thất bồng Lai.

Theo đó, bé Lê Thanh Mẫu Nghi, Lê Thanh Pháp Vương có mẹ là Lê Thanh kỳ Duyên. Lê Thanh Minh Triết có mẹ là Lê Thanh Huyền Trang. "Các em đều có mẹ mà không có cha. Còn lại một số em đăng ký khai sinh ở địa phương khác", ông Hồ Trường Ca xác nhận.

Như vậy, các "chú tiểu" đã từng xuất hiện trong chương trình Thách thức Danh hài đều được xác định không phải trẻ mồ côi.

Trao đổi với PV, ông Hoàn Nguyên, đại diện Tịnh thất Bồng Lai cho rằng, việc các "cô" làm "mẹ" của các bé là đúng. "Tuy nhiên, họ chỉ làm mẹ của các bé trên mặt giấy tờ mà thôi. Bất kì đứa nhỏ nào cũng cần làm giấy tờ cho nó đi học, rồi nó cũng cần phải làm căn cước công dân sau này nữa. Vì vậy, việc có "mẹ" đứng tên trên giấy khai sanh là hoàn toàn bình thường", ông Hoàn Nguyên nói.

Cũng theo ông Nguyên, các cháu bé tại cơ sở này đang được nuôi dạy rất tốt. Các bé được học tiếng Anh, có giờ thiền riêng, giờ học kĩ năng riêng và còn được phát triển "tài năng văn nghệ".

Trong khi đó, theo Tuổi trẻ online, đoàn kiểm tra của địa phương xác định, tại Tịnh thất Bồng Lai có 7 trẻ em sinh từ khoảng năm 2014 đến năm 2017 đều đang sinh sống với 3 người mẹ ruột; Ngoài ra, còn có 1 bé đã được bà Cao Thị Cúc hoàn tất các thủ tục pháp lý nhận con nuôi và 1 bé vừa được cậu ruột đến đón về sống tại Huế.

Về vấn đề này, PV đã liên hệ với bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

Theo bà Nữ, những sự việc liên quan đến các cháu bé tại Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu vi phạm quyền trẻ em.

Cần làm rõ ai là cha, mẹ thật sự của các bé

Việc các bé có cha, mẹ nhưng lại được nhóm người Tịnh thất Bồng Lai công bố là "trẻ mồ côi" đã vi phạm quyền trẻ em thế nào, thưa bà?

Trẻ mồ côi được hiểu là người mà không có cha mẹ bởi vì cha mẹ họ đã chết, đã mất tích hoặc đã bỏ rơi họ vĩnh viễn.

Thế nhưng các cháu có cha, có mẹ đầy đủ, xác định được rõ ràng mà nói cháu là trẻ mồ côi là đã vi phạm quyền trẻ em. Cụ thể là vi phạm quyền trẻ em có quyền được xác định cha, mẹ theo quy định của pháp luật, theo quy định tại Điều 13 Luật Trẻ em năm 2016.

Dưới góc độ pháp luật, các bé đang bị xâm phạm quyền trẻ em nào? Và làm sao để có thể bảo vệ quyền trẻ em của các em đang được cho là "chú tiểu mồ côi" tại Tịnh thất Bồng Lai?

Dưới góc độ luật pháp, nếu xác định được rõ ràng cha, mẹ các bé nhưng lại cố tình che giấu thân phận các bé, nói các bé là "trẻ mồ côi" thì đã xâm phạm đến ít nhất 04 quyền của trẻ em.

Thứ nhất, đó là xâm phạm đến quyền được khai sinh và có quốc tịch. Trẻ em có quyền được xác định cha, mẹ theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 13 Luật Trẻ em.

Thứ hai, xâm phạm đến quyền giữ gìn, phát huy bản sắc. Trẻ em có quyền được thừa nhận các quan hệ gia đình theo quy định tại Điều 18 Luật Trẻ em.

 Việc các cháu bé Tịnh thất Bồng Lai có mẹ trên giấy tờ: Có dấu hiệu vi phạm quyền trẻ em - Ảnh 1.

Các bé ở Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: Pháp luật&Bạn đọc

Thứ ba, xâm phạm đến quyền được sống chung với cha, mẹ. Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục quy định tại Điều 22 Luật Trẻ em.

Thứ tư, xâm phạm đến quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ. Trẻ em có quyền được quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ quy định tại Điều 23 Luật Trẻ em.

Bên cạnh đó, tại Khoản 12 Điều 6 Luật Trẻ em cũng quy định hành vi bị nghiêm cấm là lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi. Do đó, nếu người nào có hành vi nói các cháu bé là "chú tiểu mồ côi" để lợi dụng xin tiền tài trợ, ủng hộ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân khác là vi phạm pháp luật.

Để bảo vệ quyền trẻ em, chính quyền địa phương cần phải xác minh, làm rõ ai là cha, mẹ thật sự của các bé, để các bé được hưởng đầy đủ các quyền của mình đã được Luật Trẻ em quy định.

Theo bà, việc các em lớn lên dưới danh nghĩa "trẻ mồ côi" thì vấn đề giấy tờ pháp lý sau này có bị ảnh hưởng không?

Các bé có đầy đủ quyền nhân thân, quyền có họ, tên. Theo Khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự thì họ của các bé được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thoả thuận của cha mẹ. Các bé có cha, nhưng lại che giấu thân phận người cha của các bé. Chỉ xác định các cô là "mẹ" các bé thì dẫn đến trong giấy khai sinh chỉ có tên mẹ, không có tên cha.

Việc này gây thiệt thòi cho các bé là không được mang họ của cha, hoặc là sau này có thể phát sinh vấn đề pháp lý là phải làm thủ tục khai nhận cha cho con. Để xác định chính xác người cha cho các bé, có thể liên quan đến quyền hưởng thừa kế, quyền nhân thân về cha đẻ, mẹ đẻ của các bé sau này.

Xin cảm ơn bà về phần chia sẻ này!

Về cơ sở "Tịnh thất Bồng Lai", vừa qua, trong cuộc họp báo thường kỳ quý IV năm 2021 về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Trọng – Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ đã thông tin, Tịnh thất Bồng Lai không phải là tự viện hợp pháp và không do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đây không phải là tu sĩ Phật giáo và có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để kêu gọi lòng tốt của tín đồ Phật giáo. Đồng thời, ông Trọng cũng khẳng định, Tịnh thất Bồng Lai là vụ việc có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi .

Lan Chi

Cùng chuyên mục
XEM