Tịnh thất Bồng Lai khẳng định các "sư cô" chỉ làm mẹ trên giấy tờ, luật sư nói gì?

12/11/2021 15:55 PM | Xã hội

Theo ông Hoàn Nguyên - Đại diện của Tịnh thất Bồng Lai, các "sư cô" tại đây hoàn toàn không có mối quan hệ huyết thống với ai cả.

"Sư cô" đứng tên làm mẹ để các cháu đi học sau này

Liên quan đến sự việc nhiều trẻ em tại Tịnh thất Bồng Lai (đã đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ) không phải là trẻ mồ côi, PV đã liên hệ với ông Hoàn Nguyên, đại diện cơ sở này để tìm hiểu.

Theo đó, ông Hoàn Nguyên khẳng định: "Tôi xin trả lời hộ các "sư cô" rằng các cô làm "mẹ" của các bé là đúng. Tuy nhiên, họ chỉ làm mẹ của các bé trên mặt giấy tờ mà thôi. Bất kì đứa nhỏ nào cũng cần làm giấy tờ cho nó đi học, rồi nó cũng cần phải làm căn cước công dân sau này nữa. Vì vậy, việc có "mẹ" đứng tên trên giấy khai sanh là hoàn toàn bình thường".

Bên cạnh đó, ông Nguyên cũng cho biết những "chú tiểu" này được cơ sở của ông Lê Tùng Vân nhận nuôi từ các cặp vợ chồng đông con, không còn khả năng nuôi dưỡng trẻ, một số khác là "kết quả" của những mối tình lầm lỡ.

Theo ông Nguyên, nếu "bỏ chuyện giấy tờ qua một bên", các "sư cô" tại Tịnh thất Bồng Lai hoàn toàn không có mối quan hệ huyết thống với ai cả.

 Tịnh thất Bồng Lai khẳng định các sư cô chỉ làm mẹ trên giấy tờ, luật sư nói gì? - Ảnh 1.

Các "chú tiểu" từng tham gia Thách thức danh hài

Ngày 11/11, PV đã liên hệ với Luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO) để tìm hiểu về vấn đề này.

- Thủ tục nhận nuôi trẻ mồ côi được pháp luật quy định như thế nào, thưa ông?

Luật sư Trần Minh Hải: Trẻ mồ côi hoặc trẻ em bị bỏ rơi khi mà ai đó muốn nhận làm con nuôi thì thủ tục thực hiện theo Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

Theo đó, người nhận nuôi là công dân Việt Nam nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.

UBND cấp xã sẽ kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của người giám hộ, hoặc chính trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên. Sau đó, UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch.

Kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Việc đứng tên "là mẹ" trên giấy khai sinh có nhất thiết phải là mẹ ruột không? Hay nói cách khác, các cháu là "con đẻ" hay "con nuôi" có được ghi rõ trên giấy khai sinh không?

Luật sư Trần Minh Hải: Theo quy định pháp luật và mẫu Giấy khai sinh hiện hành, thì trên Giấy khai sinh của trẻ, phần thông tin của cha mẹ sẽ không ghi rõ là cha, mẹ đẻ hay cha, mẹ nuôi, cũng như không ghi rõ là con đẻ hay con nuôi.

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh sẽ quản lý nội bộ và ghi rõ “cha, mẹ nuôi” tại mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh nếu cha, mẹ của trẻ là cha nuôi, mẹ nuôi.

Quy định về thủ tục để đi học

- Trao đổi với PV, ông Hoàn Nguyên cho biết các "sư cô" tại Tịnh thất Bồng Lai phải đứng tên "làm mẹ" trên giấy tờ để các "chú tiểu" có thể đi học. Đối với trẻ mồ côi, giấy tờ thủ tục cho các cháu đi học như thế nào?

Luật sư Trần Minh Hải: Trẻ mồ côi dưới 18 tuổi chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nên theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015, các giao dịch, hoạt động nói chung, nhập học nói riêng của trẻ sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện hoặc phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Theo Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với con chưa thành niên thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật. Đối với người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ, thì người giám hộ sẽ là người đại diện theo pháp luật.

Người giám hộ đương nhiên trong trường hợp này được xác định theo thứ tự quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

 Tịnh thất Bồng Lai khẳng định các sư cô chỉ làm mẹ trên giấy tờ, luật sư nói gì? - Ảnh 2.

Ông Lê Tùng Vân cùng các "đồ đệ" của mình

"1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ."

Trường hợp người chưa thành niên không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.

Nếu không xác định được người đại diện theo pháp luật trong các trường hợp nêu trên, thì người đại diện theo pháp luật của cá nhân là người do Tòa án chỉ định.

Xuất phát từ quy định nêu trên, nên thông thường ngoài các giấy tờ đăng ký nhập học, các trường sẽ yêu cầu cung cấp các tài liệu giấy tờ chứng minh thông tin về nhân thân của trẻ như Giấy khai sinh, giấy tờ chứng minh tư cách của người đại diện theo pháp luật.

Xin cảm ơn ông Hải về những chia sẻ này!

Về cơ sở "Tịnh Thất Bồng Lai", vừa qua, trong cuộc họp báo thường kỳ quý IV năm 2021 về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Trọng – Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ đã thông tin, Tịnh thất Bồng Lai không phải là tự viện hợp pháp và không do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đây không phải là tu sĩ Phật giáo và có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để kêu gọi lòng tốt của tín đồ Phật giáo. Đồng thời, ông Trọng cũng khẳng định, Tịnh thất Bồng Lai là vụ việc có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.

Lan Chi

Cùng chuyên mục
XEM