Vì sao Việt Nam sắp bị Lào và Campuchia vượt mặt? Phải chăng là do 1 chữ LƯỜI
Luôn sợ bị Lào và Campuchia vượt mặt nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao lại thế? Hãy khoan bàn về góc độ vĩ mô, hãy cùng nhìn lại từ con người Việt Nam, phải chăng chúng ta đang mắc một căn bệnh nan y không thể chữa nổi: LƯỜI!
Năng suất lao động của người Việt Nam thua Lào, gạo Việt sắp nhường ngôi cho gạo Campuchia, dệt may Việt nhìn dệt may Campuchia lấy hết đơn hàng… Những tựa báo khiến cho người đọc cảm thấy Việt Nam đang ở tình thế sắp bị Lào và Campuchia vượt mặt đến nơi rồi.
Đã có hàng trăm, nghìn bài báo, hàng chục cuộc hội thảo bàn luận về vấn đề này, giới kinh tế tìm ra cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao mà đất nước chúng ta lại rơi vào tình trạng như vậy không?
Người Việt Nam mắc bệnh lười vận động nhất thế giới
Theo một nghiên cứu khoa học được đăng tải trên Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh Quốc) vào năm 2014, có khoảng 1/3 số người trưởng thành trên khắp thế giới mắc “bệnh” lười vận động. Trong đó, Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất với chỉ khoảng 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.
Đáng buồn là trong 15,3% đó lại đa phần là những người già và trung niên. Thực tế, khi đi trên đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều hình ảnh người dân tập thể dục ở công viên, nơi công cộng nhưng chủ yếu vẫn là người già. Mặc dù, thời buổi công nghệ hiện đại, giới trẻ có thể tìm đến phòng tập GYM, aerobic, bể bơi... để vận động cơ thể nhưng vẫn còn quá ít.
Trong khi đó, ở hệ thống giáo dục, môn Giáo dục thể chất của học sinh chỉ được xem là môn phụ, một tuần 1-2 tiết, mỗi tiết kéo dài 45 phút. Thậm chí, nhiều học sinh còn mặc định giờ học Thể dục là để giải lao, thư giãn sau khi học các môn căng thẳng kiến thức như Toán, Lý, Hoá…
Câu cửa miệng chúng ta hay nói với nhau “có sức khoẻ là có tất cả”, nhưng nếu chúng ta không chăm chỉ vận động, tập thể dục thì đào đâu ra sức khỏe? Mà những người có sức khỏe yếu đương nhiên sức chịu đựng cũng yếu nên sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy của cái sự lười rèn luyện thân thể, lười học, lười lao động, lười suy nghĩ…
Sinh viên thì lười... học
Còn nhớ, cách đây khoảng 2 năm, ca sĩ Kyo York, từng học ở Đại học Marymount Manhattan, tốt nghiệp và làm việc tại Công ty Apple tại thành phố New York, Mỹ, khi đến Việt Nam công tác đã không ngần ngại làm hẳn một clip so sánh sinh viên Việt Nam với sinh viên Mỹ.
Kyo York nói sinh viên Mỹ mạnh dạn chia sẻ kiến thức, chịu khó cọ xát thực tế để làm quen với nghề nghiệp, hoàn thành mục tiêu bằng tất cả khả năng của mình còn sinh viên Việt thì ngược lại. “Việt Nam đang tồn tại một bộ phận các bạn sinh viên khá là lười biếng, thụ động và rất thiếu sáng tạo”.
Clip của Kyo tạo ra những ý kiến trái ngược nhau. Một số bạn trẻ cảm thấy khá bất bình, số khác lại đồng ý với Kyo và cho rằng đây là ý kiến thẳng thắn. Dù đổ lỗi cho hệ thống giáo dục hay cả Chính phủ đi nữa thì cũng không thể phủ nhận là sinh viên ở Việt Nam đa phần lười thật.
Thực tế một bộ phận sinh viên học chỉ để đối phó, không nỗ lực, tập trung. Khi đến giảng đường, thầy thì say sưa giảng bài còn sinh viên thì mặc kệ, không quan tâm vì bận lướt Facebook, ăn quà vặt, chém gió, ngủ gật… Hình ảnh này ở trường đại học nào ở Việt Nam chẳng có, thiếu gì.
Trước mỗi kỳ thi, thầy giáo nào cũng dặn đọc kỹ giáo trình bài giảng. Tuy nhiên sinh viên thì vẫn cứ ngoan cố, coi chuyện học lại, thi lại là điều bình thường, thậm chí “Sinh viên mà, ai chẳng thi lại”. Muốn kiếm một sinh viên tự giác bỏ ra khoảng 2-3 giờ đồng hồ để tự học ở nhà bây giờ chả khác gì việc “đãi cát tìm vàng”.
Sinh viên ngủ gật trong giờ học: Ảnh Sóng trẻ tv
Lười học, lười vận động làm cho sinh viên dần trở nên chây ì, dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, sự phát triển của xã hội, của thế giới lại không ngừng vận động, thậm chí là với tốc độ chóng mặt. Nếu sinh viên Việt Nam cứ mãi chậm chạp, cứ mãi thụ động, cứ mãi đứng yên một chỗ thì sẽ bị thụt lùi, bị bỏ lại sau lưng, mãi mãi không theo kịp sự phát triển của thế giới.
Vì vậy, căn bệnh lười đang trở thành một vật cản, làm cho chúng ta thụt hậu, thua trong cuộc chạy đua của tri thức, nhất là khi lớp trẻ là thế hệ tương lai, quyết định vận mệnh, sự phát triển của đất nước.
Sách là kho tàng trí thức của nhân loại. Nhưng người Việt không cần!
Theo số liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT, ở Việt Nam, trung bình 1 người dân đọc chỉ 4 cuốn/ năm; trong đó, 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn là sách khác.
So với các nước phát triển như Pháp, Nhật Bản, Israel - lượng sách người dân Việt Nam đọc chỉ bằng 1/5. Hiện nay các nước phát triển như Pháp, Nhật Bản, Israel trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách /năm. Các nước trong khu vực như Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/ năm, Malaysia là 10 cuốn/ năm…
Trong khi đó, giới trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam thì thích đọc truyện ngôn tình "3 xu", truyện kiếm hiệp, truyện tranh nhiều hơn là những cuốn sách mang lại giá trị kiến thức cao.
Lười làm!
Dư luận hẳn còn nhớ, ông Ito Junichi, một CEO người Nhật, mới đây viết trên Facebook: Lần đầu ông đến Việt Nam hơn 20 năm trước, ông thấy người Việt Nam cần cù, chăm chỉ như người Nhật. Nhưng 20 năm sau, người Việt đã lười đi.
“Một điều có thể thấy là người Việt coi thường những người lao động chân tay. Nhiều người trẻ thích làm trong các văn phòng tiện nghi, có điều hòa… Ở Nhật, sinh viên ĐH nổi tiếng nhất là ĐH Tokyo nhưng đến nhà máy thực tập phải dọn dẹp, làm vệ sinh, họ phải học lao động tay chân. Họ phải học mọi thứ trước khi học làm sếp…”.
Xin nhắc tiếp lời ông Junichi: “Nhiều người Việt trẻ tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ nhưng họ chưa làm việc thật bao giờ. Họ chỉ học trên giấy tờ, đọc sách, báo nhưng chẳng hiểu thực tế gì cả. Họ chỉ thích làm việc bàn giấy, họ nặng lý thuyết mà thiếu thực tế. Thiết nghĩ Việt Nam nên tạo điều kiện cho những người giỏi kỹ năng thay vì chỉ tạo điều kiện cho những người chỉ biết làm bài kiểm tra!”.
Đọc lời nhận xét thẳng thắn của ông CEO người Nhật này chợt nhớ tới lời của một vị lãnh đạo Bộ GD&ĐT khi trả lời tình trạng đào tạo “thừa thầy thiếu thợ”. Vị này nói không phải là thừa thầy mà chỉ thừa những “thầy năng lực kém” thôi, vì nhiều người tuy tốt nghiệp ĐH nhưng thiếu năng lực, ít công ty nào chịu nhận, nếu bí quá nhận vào thì họ buộc phải đào tạo lại từ đầu rất tốn kém.
Chưa kể, còn một bộ phận người Việt đi làm nhưng sáng sáng ngồi đầy ở các quán cà phê, trà đá vỉa hè để "chém gió". Hoặc như, ở công sở, khi sếp đi vắng thì nhân viên tranh thủ chơi game, xem phim Hàn Quốc, chát chít...
Ảnh minh họa
Tất nhiên không đánh đồng tất cả người lao động Việt Nam đều "xấu xí" nhưng còn rất nhiều thanh niên tư duy theo kiểu: Ai hơi đâu “tự kỷ” ngồi một chỗ để làm việc, để nghiên cứu, tìm hiểu cập nhật kiến thức. Có mà “hâm” mới như thế!
Thêm nữa, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được phục hoạt. Mà cứ đến mùa lễ hội thì người Việt Nam kiểu gì chẳng xin nghỉ việc, chen chân nhau "trẩy hội" như một chuyện thường ngày ở huyện.
Uống bia rượu thì nhất nhì Đông Nam Á
Lười là, lười đọc sách, lười học, lười tập thể dục... nhưng lại uống rượu bia nhất nhì Đông Nam Á. Cái này thì rõ ràng rồi.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính chung 5 tháng đầu năm 2016, lượng tiêu thụ bia sản xuất trong nước của thị trường Việt Nam vào khoảng 1,3 tỷ lít, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung bình mỗi năm, người Việt tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia, tương đương với khoảng hơn 3 tỷ đô la Mỹ. Với "thành tích đáng nể" này, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, và thứ 50 thế giới.
Từ người già đến người trẻ, thanh niên đến trung niên, ai chẳng nhiều lần cứ tan tầm là ra quán nhậu nhẹt. Điều này thấy rõ nhất ở Sài Gòn và Hà Nội, người lớn, nhất là đám mày râu ngồi la liệt, kín đặc tới tận đêm hôm khuya khoắt mới về, phó mặc mọi việc ở nhà cho vợ con.
Trong khi tốc độ tiêu thụ bia tăng phi mã thì năng suất lao động của người Việt Nam lại đang đội sổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù chưa có kết quả nghiên cứu chính thức nào về mối liên quan giữa uống bia và năng suất làm việc nhưng rõ ràng, không ít những trận nhậu ban ngày kéo dài hàng tiếng đồng hồ khiến nhiều người say, "gục" tại trận. Đương nhiên, cơn say này làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc và giảm năng suất lao động.
Đó là còn chưa kể phải mất một khoản tiền rất lớn khác chi cho thức ăn, dịch vụ, giải quyết hậu quả sau say như tai nạn giao thông, đánh nhau...
Chính cái sự lười cả về mặt thể chất (lao động, vận động) và tinh thần (tư duy, tính toán, suy xét) kết hợp vói một số tồn tại khác như sự phân hóa giàu nghèo hay tình trạng thất nghiệp tăng đã và đang khiến cho xã hội quan ngại về tương lai của đất nước.
Vẫn biết nguyên nhân khiến chúng ta đang dần bị Campuchia và Lào đuổi kịp, rồi vượt mặt phải được xét trên góc độ toàn diện, từ chính sách kinh tế vĩ mô, hoạch định tầm nhìn, tài chính... nhưng có lẽ một phần cũng là do xã hội của chúng ta có quá nhiều người lười.
PGS Văn Như Cương từng nhận xét rằng: “Hiện nay cả xã hội ta là xã hội lười biếng”. Mà con người lại chính là trung tâm và quyết định sự phát triển của kinh tế - xã hội của một quốc gia, trong đó những người trẻ với sự năng động và sáng tạo sẽ là yếu tố then chốt.
Chính sự lười biếng của người Việt hiện nay đã khiến cho kinh tế - xã hội Việt Nam chậm phát triển. Vì vậy, hãy để tương lai của quốc gia bắt đầu từ mỗi con người. Chúng ta cần phải làm gì để thay đổi một cách toàn diện chứ không phải chỉ chữa “triệu chứng”.
Theo các chỉ số thống kê xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, Việt Nam và các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với nguy cơ bị Lào và Campuchia vượt qua về cả năng lực cạnh tranh, khả năng vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, và trình độ sản xuất.
Cụ thể, Việt Nam đang là quốc gia có chi phí thời gian chờ và nộp thuế cao nhất trong khu vực. Báo cáo của World Bank cho thấy, trong nhiều năm liền số giờ trung bình cho một doanh nghiệp nộp hồ sơ thuế và đóng được thuế là 872 giờ, gấp hơn 10 lần so với Singapore, gấp 2,5 lần so với Lào và hơn 5 lần so với Campuchia.
Xét về mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp, hiện trình độ sản xuất của Việt Nam được WEF xếp sau cả Lào và Campuchia, chỉ cao hơn Myanmar.
Báo cáo cho thấy, doanh nghiệp ở Lào có năng lực đổi mới và sáng tạo; độ chuyên sâu cao hơn doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, trình độ marketing của các doanh nghiệp ở Lào và Campuchia được WEF đánh giá cao hơn cả Việt Nam.
Điểm quan trọng trong năng lực cạnh tranh doanh nghiệp là đào tạo nhân viên và thu hút nhân tài, hiện Việt Nam vẫn bị xếp sau cả Lào và Campuchia.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.