Giáo sư người Nhật: “Đàn ông Việt Nam khá lười”
Theo ý kiến của nhiều người Nhật, sự thông minh đó giúp họ nắm vững lý thuyết và đưa vào ứng dụng các ý tưởng khá nhanh.
Khi được đề nghị nhận xét về người Việt Nam, một số người Nhật cho rằng người Việt Nam rất thông minh chăm chỉ trong công việc nhưng khả năng tổ chức và gắn bó với công việc không cao.
Kết quả các cuộc khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew Research tại Mỹ năm 2014 cho thấy có đến 77% người Việt Nam thích Nhật trong khi chỉ có 16% người Việt Nam thích Trung Quốc. Nhiều người Việt Nam không khỏi tự hỏi vậy người Nhật nghĩ gì về người Việt Nam.
Giáo sư Sugitomo Reiji, đại học Hiroshima, Nhật bản đã có một số chia sẻ về cách nhìn của người Nhật với người Việt Nam. Ông cho biết ông và những đội ngũ làm nghiên cứu cùng mình đã tiếp xúc với khá nhiều nhà quản lý tại các công ty Việt Nam và đặc biệt nhận thấy người Việt Nam làm việc chăm chỉ.
Ngoài ra người Việt Nam cũng rất thông minh, theo ý kiến của nhiều người Nhật, sự thông minh đó giúp họ nắm vững lý thuyết và đưa vào ứng dụng các ý tưởng khá nhanh.
Ông cho biết các nhà quản lý Nhật tại Việt Nam và quản lý tại Nhật cũng cho rằng người Việt Nam đặc biệt khéo léo với thao tác của đôi bàn tay, từ việc đơn giản như dùng đũa người Việt cũng khéo hơn người Nhật. Trong các công việc gia công cần sự tinh hoa tỉ mỉ, người Việt Nam làm rất tốt.
Tuy nhiên bên cạnh những điểm mạnh trên, ông Sugitomo Reiji cũng chỉ ra một số điểm yếu của người Việt Nam, mà theo ông là cần phải sớm cải thiện.
Trong công việc, khả năng làm việc nhóm của người Việt Nam còn kém. Người Việt Nam chỉ làm tốt công việc khi họ làm độc lập còn khi vào nhóm, khả năng phối hợp với người cùng nhóm chưa được tốt và dễ có xung đột với thành viên còn lại trong nhóm.
Khả năng lập kế hoạch riêng và tuân thủ kế hoạch của người Việt Nam trong công việc chưa được tốt. Nhiều khi đã nhận việc và đồng ý ký kết thỏa thuận nhưng sau đó làm được nửa chừng hoặc gần hết dự án thì lại bỏ ngang khiến đối tác Nhật rất khó ứng phó.
Người Việt Nam cũng chưa có khả năng tổ chức công việc tốt, có nghĩa là người Việt Nam có thể đảm nhiệm tốt vai trò của một nhân viên nhưng sẽ rất khó để kiếm trong những nhân viên đó một người có thể làm quản lý bởi khả năng bao quát và tổ chức công việc cho toàn đội không tốt.
Và một đặc điểm của người Việt Nam mà người Nhật không thích, đó là hay nhảy việc. Các doanh nghiệp Nhật thường đánh giá rất cao sự trung thành của nhân viên với công ty/tổ chức đó.
Tuy nhiên người Việt Nam thường ít chịu đi cùng với công ty trong một thời gian dài mà hay có tính thích chuyển đổi công việc ngay khi họ tìm thấy cơ hội tốt hơn. Theo nhiều giám đốc người Nhật, nếu làm việc trong công ty Nhật và muốn gặt hái được thành quả, người lao động phải biết kiên nhẫn bởi các công ty Nhật đánh giá cao thâm niên, kinh nghiệm và sự gắn bó của nhân viên với công ty.
Trong cuộc sống riêng tư, những nhà nghiên cứu tại đại học Hiroshima cũng đã đến Việt Nam nhiều lần và nhận thấy đàn ông Việt Nam tụ tập chè chén nhiều quá trong khi phụ nữ làm việc quá chăm chỉ và tất nhiên chăm hơn rất nhiều nếu so với đàn ông.
“Chúng tôi đã từng theo dõi cuộc sống của một số gia đình từ sáng đến tối khuya. Phụ nữ thức dậy từ sáng rất sớm, nấu ăn cho chồng con rồi tất tả đưa con đi học. Tối về lại đến lượt phụ nữ dọn dẹp cửa nhà và chăm sóc con cái trong khi đàn ông Việt Nam nhậu đầy phố đến khuya”, giáo sư Sugitomo Reiji nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng đàn ông Việt Nam cần phải học cách chia sẻ việc nhà với phụ nữ nhiều hơn để bớt gánh nặng cho phụ nữ. Theo quan sát của ông và những nhà nghiên cứu cùng cộng tác với ông, phần lớn các công việc trong gia đình Việt Nam đang dồn chủ yếu lên đôi vai người phụ nữ trong khi phụ nữ vẫn phải đảm bảo các nghĩa vụ tài chính đối với gia đình, và điều này, theo ông, rất không tốt đối với việc nuôi dậy con cái và sự bền vững của gia đình.
Những nhận xét trong bài viết chỉ mang tính chủ quan của giáo sư Sugitomo Reiji chứ không mang tính đại diện và không phải quan điểm của tòa soạn.