Nhận định 'Người Việt ngủ trưa là vì lười nhác?': 'Tôi thấy bị tổn thương'
Nhận định người Việt ngủ trưa là vì lười nhác là rất phiến diện và làm nhiều người Việt, người lao động Việt tổn thương sâu sắc. Người ta ngủ trưa vì nhiều lí do chứ không đơn thuần là do lười nhác.
Nghiên cứu sinh Tạ Văn Vĩnh thuộc Học viện hành chính quốc gia đã trao đổi một số luận điểm như sau:
Thứ nhất, bạn căn cứ vào đâu để cho rằng người Việt ngủ trưa là vì lười nhác, tôi nghĩ rằng nhận định này của bạn rất phiến diện và làm nhiều người Việt, người lao động Việt tổn thương sâu sắc. Người ta ngủ trưa vì nhiều lí do chứ không đơn thuần là do lười nhác.
Giả sử họ có cả một buổi sáng làm việc vất vả, mệt mỏi, căng thẳng thì cớ sao họ không được phép thưởng cho mình một giấc ngủ trưa dù chỉ là ít phút. Luận điểm này của bạn không những làm tổn thương nhiều người Việt mà còn thiếu tinh thần nhân văn.
Thứ hai, không cho người lao động ngủ trưa là vi Hiến. Tôi được biết khoản 1, điều 14, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã ghi nhận ở nước ta các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Khoản 2, điều 35 cũng ghi nhận người làm công ăn lương được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng chế độ nghỉ ngơi.
Khoản 1, điều 108, mục 2, chương VII Bộ luật Lao động Việt Nam cũng qui định người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo qui định tại điều 104 Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút tính vào thời gian làm việc.
Như vậy, luận điểm của bạn không phù hợp với qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Cần nói thêm rằng ở Việt Nam có lẽ bạn đã từng nghe câu “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Bạn cũng là một công dân Việt Nam, tôi nghĩ rằng bạn không nên tát nước theo mưa và bình luận cảm tính.
Thứ ba, bạn lấy dẫn chứng một số quốc gia họ ít ngủ trưa, một số cá nhân thành đạt họ ít ngủ trưa và họ thành công hơn, thành đạt hơn, giàu có hơn. Tôi xin hỏi bạn rằng, bạn thống kê được bao nhiêu cá nhân và quốc gia? Thống kê của bạn có dựa trên cơ sở khoa học không hay chỉ dựa vào cảm tính?
Tôi cho rằng các quốc gia, cá nhân như bạn nêu trong bài có được sự thành công, thịnh vượng là vì nhiều lí do khác nữa chứ không phải chỉ vì họ không ngủ trưa. Nếu theo ý kiến của bạn thì để thành công có một phương pháp khá đơn giản chỉ là không ngủ trưa. Liệu cái giá của thành công có rẻ và dễ dàng như vậy không?
Thứ tư, không phải cái gì của Tây cũng tốt. Gần đây trên các phương tiện thông tin, trên các trang báo có hiện tượng rất nhiều bài viết, phát biểu ngợi ca những cái hay của Tây. Nhưng xin nói thêm rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Nếu không đứng cùng một mặt phẳng, chung một xuất phát điểm thì làm sao so sánh được. Tôi giả dụ rằng để so sánh ai cao, ai thấp thì hai người đó phải đứng cùng nhau trên một mặt phẳng bằng nhau chứ không phải một người đứng trên ghế, một người dưới đất rồi phán rằng người đứng trên ghế cao hơn.
Tôi thừa nhận rằng phương Tây có nhiều giá trị văn minh, họ tiên tiến và có trình độ phát triển cao hơn nhưng không nên vì thế mà cho rằng mọi quan điểm, cách làm của họ đều được mang ra làm tiêu chuẩn cho xứ ta. Và như thế, là một người Việt tôi thấy tổn thương vô cùng.
Khép lại bài viết này, tôi muốn chia sẻ với các độc giả rằng quan điểm của mỗi người là khác nhau, ngay trên ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn.
Nhưng mọi quan điểm phải phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước, của doanh nghiệp hay nói cách khác là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh giống như ông cha ta đã từng nói “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh” và rằng mọi sự thay đổi đều phải đồng bộ chứ “không phải cứ không ngủ trưa đã là tiến bộ, đã là văn minh”.
>> Doanh nghiệp IT Việt đầu tiên cấm nhân viên ngủ trưa tại văn phòng
Theo NCS. Tạ Văn Vĩnh (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia)