Vì sao Trung Quốc ồ ạt thâu tóm các công ty nông nghiệp khắp thế giới?

28/07/2017 09:11 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo hãng tin CNN, Trung Quốc hiện đang tăng cường thâu tóm các công ty nông nghiệp trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng của đất nước.

Gần đây, tập đoàn quốc doanh ChemChina đã hoàn tất thương vụ mua lại hãng thuốc trừ sâu và hạt giống Syngenta của Mỹ với giá 44 tỷ USD. Đây là thương vụ lớn nhất của Trung Quốc trong mảng nông nghiệp.

Không dừng lại ở đó, hãng Dow Chemical cho biết một công ty nông nghiệp quốc doanh Trung Quốc mới đề nghị mức giá 1,1 tỷ USD cho mảng nghiên cứu giống ngô Brazil của doanh nghiệp này.

Số liệu của Dealogic cho thấy trong 10 năm qua, Trung Quốc đã chi tới 91 tỷ USD để thâu tóm gần 300 doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến mảng nông nghiệp, hóa chất và cây giống.

Vậy tại sao Trung Quốc lại thèm khát những hãng nông nghiệp như vậy?

Theo các chuyên gia, việc mua ồ ạt những công ty nông nghiệp nằm trong kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Mức sống tăng cao kèm nhu cầu với Protein buộc chính quyền Bắc kinh phải chú ý hơn đến nguồn cung thịt cũng như nhiều nông sản khác.

Dẫu vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường, lao động nông nghiệp giảm đã khiến sản lượng nông sản của nước này bị đe dọa nghiêm trọng. Thêm vào đó, lối canh tác manh mún và ít áp dụng công nghệ khiến năng suất tại Trung Quốc không cao.

Với động thái mua lại Syngenta, chính quyền Bắc Kinh cho thấy rõ họ muốn học hỏi thêm công nghệ nhằm phát triển kỹ thuật canh tác trong nước.

Mặc dù an ninh lương thực là vấn đề trọng yếu với nhiều quốc gia nhưng Trung Quốc lại đặc biệt chú trọng đến vấn đề này khi họ đã từng trải qua vài nạn đói vào cuối thập niên 1950 khiến hàng chục triệu người tử vong do đói ăn.

Bên cạnh đó, việc mua ồ ạt các công ty nông nghiệp vẫn khiến nhiều chuyên gia nghi vấn về khả năng đáp ứng an ninh lương thực khi các công ty đặt lợi ích của cổ đông lên trên quốc gia. Vào năm 2013, hãng Shuanghui Internatioanl của Trung Quốc mua lại công ty thịt lợn Smithfield Foods nhưng sản lượng thịt lợn của Smithfield không hề tăng cũng như không bị nhập khẩu quá đà sang Trung Quốc.

Tất nhiên, việc Trung Quốc mua ngày càng nhiều các hãng nông nghiệp sẽ thu hút thêm sự chú ý của các quốc gia. Mặc dù nhiều nước như Ả Rập Xê Út hay Nhật Bản cũng mua các hãng nông nghiệp trên thế giới nhưng họ không có những động thái ồ ạt với mức tiền lớn như Trung Quốc. Trong trường hợp mất mùa lớn, nhiều chính trị gia lo ngại các công ty bị thu mua bởi Trung Quốc sẽ không tôn trọng hợp đồng thương mại để mang lương thực về quốc gia Châu Á nay.

AB

Cùng chuyên mục
XEM