Từ nhân viên giao hàng thành tỷ phú giàu thứ 5 Trung Quốc, bí quyết của người đàn ông này là gì?

24/07/2017 19:14 PM | Kinh doanh

Wang Wei, Chủ tịch SF Holding, hãng chuyển phát nhanh được mệnh danh là FedEx của Trung Quốc. Theo ước tính của Forbes, tài sản của Wang hiện xấp xỉ 20 tỷ USD, tỷ phú thứ 5 tại Trung Quốc và đứng vị trí 60 trên thế giới.

Gần như mọi người dân Trung Quốc đều đã từng gửi hoặc nhận một bưu kiện SF Express trong vòng 10 năm qua. Đội ngũ nhân viên giao hàng 120.000 người của Wang Wei tỏa khắp mọi thành phố và thị trấn Trung Quốc, chuyển phát bất kể thứ gì, từ những bản hợp đồng kinh doanh hàng trăm ngàn NDT cho đến một túi chân gà.

Câu chuyện làm giàu huyền thoại của Wang bắt đầu từ 24 năm trước.

Có bố là một phiên dịch viên tiếng Nga cho lực lượng Không quân Trung Quốc và mẹ là giảng viên Đại học, Wang sinh ra tại Thượng Hải nhưng chuyển đến sống tại Hồng Kông cùng gia đình năm 7 tuổi. Dù vậy, sau khi tốt nghiệp, Wang quyết định trở về Trung Quốc để khởi nghiệp trong một thành phố nhỏ ở Quảng Đông bằng nghề kinh doanh vải.

Tuy nhiên, khi ấy Wang gặp khó khăn trong việc gửi mẫu vải từ Quảng Đông sang Hồng Kông cho khách hàng xem thử. 20 năm trước, cách duy nhất để người Trung Quốc gửi thư và bưu phẩm là đến các bưu cục của bưu điện nhà nước, vừa chậm lại vừa đắt.

Giao hàng trong ngày là khái niệm chưa từng được nghe nói đến, kể cả với những doanh nhân hàng đầu. Ngay lập tức nhìn ra cơ hội từ thị trường này, Wang, ở tuổi 22, đã vay 13.000 NDT từ bố để thành lập một công ty chuyển phát tại thành phố Shunde, Quảng Đông. Với tổng cộng 6 nhân viên, SF Express đã giúp các nhà máy ở Quảng Đông gửi sản phẩm sang Hồng Kông, khi ấy vẫn còn thuộc Anh.

Là một người kín đáo, Wang hiếm khi trả lời phỏng vấn. Trong một cuộc trò chuyện với Quảng Châu Nhật báo năm 2011, Wang đã lý giải động cơ thành lập SF Business. "Nhiều người Hồng Kông có nhà máy ở Quảng Đông tại thời điểm đó, và họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ giao hàng. Vì thế, tôi tự hỏi: "Vì sao mình không tự thành lập một công ty chuyển phát?”

Những ngày đầu tiên, Wang phải tự mình giao hàng cùng một vài đồng nghiệp để bù đắp cho ngân sách tuyển dụng nhân viên eo hẹp. Cả công ty chỉ có đúng một chiếc xe bán tải nhỏ.

"Chúng tôi đeo ba lô và xách va li di chuyển như con thoi giữa Hồng Kông và Quảng Đông hằng ngày”, ông nhớ lại.

Chỉ có một vấn đề: Trung Quốc chỉ chính thức cấp phép cho các công ty chuyển phát tư nhân hoạt động từ năm 2009. Duy nhất công ty bưu chính của Chính phủ được phép chuyển hàng, giao nhận bưu phẩm. Cũng tức là suốt 16 năm trước đó, những công ty như SF toàn hoạt động "chui” . Wang gọi đó là thị trường "chuyển phát đen”.

"Khi SF Express bắt đầu đi giao hàng những năm đầu 90, chúng tôi rất sợ bị nhân viên bưu điện bắt quả tang đang giao hàng chui. Vì thế, các gói hàng đều phải ngụy trang, việc giao nhận cũng diễn ra lén lút”, Wang kể lại.

Để hạn chế chạm mặt với lực lượng kiểm tra, công ty của Wang chọn giải pháp giao hàng men theo khu vực giáp ranh Trung Quốc - Hồng Kông trong suốt 16 năm ròng rã, cho đến khi chính phủ nới lỏng quy định.

Thiên thời, địa lợi

Dù hoạt động chui, nhưng bằng dịch vụ rẻ và đúng giờ, SF Express nhanh chóng mở rộng.

Năm 1997, 4 năm sau khi SF Express ra đời, hãng này đã giành được vị thế thống trị trên thị trường chuyển phát giữa Quảng Đông với Hồng Kông. Đây cũng năm mà Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc. Sau thời điểm này, giao thương giữa đại lục với Hồng Kông tăng vọt, nhờ đó mà công việc kinh doanh của Wang cũng tăng thẳng đứng.

Cùng lúc đó, Wang mở chi nhánh nhượng quyền trên khắp Trung Quốc.

Năm 2003, Wang quyết định tăng tốc thời gian giao hàng của SF bằng cách thuê trọn các máy bay trở hàng, một việc chưa từng có tiền lệ đối với các công ty chuyển phát tư nhân tại Trung Quốc.

Nhờ cơn sốt thương mại điện tử nở rộ tại nước này năm 2005, SF Express được hưởng lợi lớn từ thị trường mua sắm trực tuyến khổng lồ, khi hàng tỷ món hàng cần được giao nhận mỗi ngày. Năm 2009, máy bay chở hàng thuê trọn gói đã không còn đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của Wang nữa. Ông quyết định thành lập hãng máy bay riêng mang tên SF Airlines để chuyên chở hàng hóa.

Tính đến thời điểm hiện tại, đội bay 38 chiếc Boeing của Wang vận chuyển khoảng 1.400 tấn hàng hằng ngày, bao gồm 5 chiếc B767, 16 chiếc B757 và 17 chiếc B737. Lý giải con đường trở nên giàu có của mình, vị tỷ phú khiêm tốn này nói rằng chỉ có một cách duy nhất để gây dựng thành công, đó là "dám nghĩ dám làm, sáng tạo và biết chịu trách nhiệm”.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM