Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sang Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia,... nhưng đa phần thất bại?
"Đi ra nước ngoài là để ở đó lâu dài, thậm chí vĩnh viễn y như một công ty bản xứ, rồi khứ hồi lợi nhuận chứ không phải để đánh "du kích" một hai lần, có thế thì việc quốc tế hóa mới mang lại ý nghĩa thật sự".
* Nội dung bài viết trích từ cuốn sách "Một đời quản trị" của Giáo sư Phan Văn Trường.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì việc quốc tế hóa hẳn là một hướng đi quan trọng trong chiến lược phát triển. Nhân viên được đi ra nước ngoài làm việc sẽ nắm vững ngoại ngữ hơn, hấp thụ được nhiều văn hóa khác nhau và nhất là được trông thấy những cách xử lý dự án khác, học những kỹ thuật xây cất hoặc sản xuất mới, đối đầu với những lý luận và cách tổ chức khác với những thói quen trong nước. Đi ra nước ngoài cũng cho phép doanh nghiệp thu thập được nhiều thành tích đáng kể mới.
Tuy nhiên theo giáo sư Phan Văn Trường không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng tài chính là nhân sự để đi vào con đường quốc tế hóa.
"Bạn đọc chớ nên đánh giá thấp khoản này. Ở nước ngoài, khách hàng bản xứ còn tìm hiểu công ty của chúng ta chán chê trước khi họ tin tưởng vào khả năng thật của chúng ta. Ở đây phải tính cả khả năng kỹ thuật, tài chính, nhân sự và sự hiểu biết luật pháp nước sở tại", ông viết trong cuốn sách Một đời quản trị.
Do đó, trước khi ký được hợp đồng đầu tiên, doanh nghiệp đi ra quốc tế cũng đã có nhiều phí tổn để chuẩn bị cho việc quốc tế hóa, trong đó có việc tìm hiểu thị trường thương mại và pháp lý một cách tường tận, và việc thiết lập một căn cứ xa nhà rất cần thiết để hỗ trợ cho cuộc hành quân tiếp theo.
Thế rồi doanh nghiệp cũng phải chiêu mộ một nguồn nhân sự tại chỗ sẵn sàng cộng tác và gia nhập công ty mẹ. Giáo sự Trường nhấn mạnh thêm: "Phản ứng của người nước ngoài khi mình vào thị trường của họ luôn luôn là điều khó đoán trước, nhưng nhìn chung thường ít thuận lợi".
Đó là chưa nói tới việc phải chuẩn bị nhân sự của chính công ty mẹ. Không những phải học ngoại ngữ, họ còn phải hiểu luật lệ hiện hành ở nước sở tại, cách giao tiếp, cách tổ chức cuộc sống tại một nơi không quen thuộc.
Sau cùng, gia đình của nhân sự trong doanh nghiệp phải sẵn sàng chấp nhận cuộc sống ở nước ngoài một thời gian dài. Chẳng phải nói, đây là một sự hy sinh lớn mà các doanh nghiệp Việt không thể đền bù đích đáng vì chi phí cao của nó. Bà nội trợ Việt sẽ đi chợ như thế nào ở một nước Phi châu? Những đứa con sẽ đi học ở các trường nào ở một nước như Thái Lan, Lào hay Myanmar? Không ai giúp được thực sự trong những tình huống này, đó là chưa kể đến những vấn đề và các tiện nghi tối thiểu khác.
"Tôi thú thật mình chưa bao giờ được chứng kiến nhiều công ty thành công khi quốc tế hóa. Điều đó không có nghĩa là chẳng công ty nào thành công. Nhưng giá phải trả sẽ rất đắt, đầu tư cao, nhân sự gặp khó khăn, và sau này, ngay lãnh đạo công ty mẹ cũng khó lòng lấy quyết định thường nhật khi không ở ngay trong "đại bản doanh". Và ít khi tôi thấy công ty nào quốc tế hóa xong mà đem về những mức lợi nhuận cao hơn vốn được xuất ra lúc ban đầu, điều đó có nghĩa kết cục cơ bản là lỗ. Đó là chưa kể trường hợp tỷ giá hối đoái không thuận chiều khi đem ngoại tệ về nước", Giáo sư Trường thẳng thắn nhận xét.
Ngoài ra ông cho rằng việc chọn lựa quốc gia nào để quốc tế hóa cũng không dễ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi sang Campuchia hoặc Lào để thử lửa, ngay Thái Lan hoặc Mã Lai cũng đã được xem như một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro rồi. Thực ra, chiến lược đúng đắn không nhất thiết phải chọn "đi gần" mà nên chọn theo tiêu chuẩn khách quan:
- Trước hết, một quốc gia lành mạnh về mặt kinh doanh, có sẵn một bộ luật thông thoáng và công bằng cho các công ty nước ngoài. Nếu là một nước có truyền thống pháp quyền thì tốt hơn.
- Thứ hai, chọn một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và bền.
- Thứ ba, chọn một nền tài chính lành mạnh, cho phép các công ty Việt Nam có thể chuyển tiền lợi nhuận về nước không khó khăn. Nếu ở nước sở tại có sẵn sự hiện diện của ngân hàng Việt | Nam lại càng tốt.
- Thứ tư, chọn một quốc gia có truyền thống trang nhã với người nước ngoài, không gây ra cho họ và gia đình của họ những vấn đề an ninh hay sức khỏe.
- Thứ năm, chọn một xã hội không quá tham nhũng, không gây quá nhiều khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như cho nhân sự được gửi đi.
- Thứ sáu sẽ là những vấn đề tuy được xem như thứ yếu nhưng thực ra rất quan trọng: ngôn ngữ, ẩm thực, phong tục, đạo giáo...
Việt Nam chưa có một nền xuất khẩu truyền thống vững vàng và phổ biến. Theo vị giáo sư, Việt Nam chưa có nhiều "công dân toàn cầu" trong khối nhân sự của các doanh nghiệp, chưa có một hệ thống tổ chức quy củ để đón tiếp nhân viên người Việt ở các nước để giúp họ vào việc nhanh chóng. Vì những lý do này, một chính sách quốc tế hóa sẽ khó thành công.
Ông đưa ra lời khuyên: "Tôi không nghĩ Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có khả năng quốc tế hóa thực sự, vì rủi ro và chi phí cao hơn là làm việc tại nước nhà rất nhiều. Và tôi chỉ khuyên doanh nghiệp nào muốn quốc tế hóa hãy tự đặt câu hỏi: "Doanh nghiệp của mình có thực sự muốn hoạt động về lâu dài tại nước người hay không?", vì nói cho cùng, chính sách xuất khẩu một vài dự án hay một ít sản phẩm không đủ để gọi là một chiến lược dài hạn.
Đi ra nước ngoài là để ở đó lâu dài, thậm chí vĩnh viễn y như một công ty bản xứ, rồi khứ hồi lợi nhuận chứ không phải để đánh "du kích" một hai lần, có thế thì việc quốc tế hóa mới mang lại ý nghĩa thật sự".