Vì sao làm đến chức giám đốc vẫn cần học thêm kỹ năng của sales?

21/09/2016 09:45 AM | Kinh doanh

Thực chất mọi kỹ thuật bán hàng, dù người ta có nói gì cũng đều dẫn tới chuyện phải thuyết phục người khác theo ý của mình. Nó là kỹ năng cơ bản trong giao tiếp mà mọi ông chủ cần phải được biết.

Trong các tập đoàn lớn có gốc gác từ sales, tức là từ kinh doanh xây nên thì họ hay có cách phát triển từ dưới lên – "promote from within", tức là giúp một người từ vị trí thấp nhất đi theo các quy chuẩn lên dần các vị trí cao hơn.

Trong đời mình, tôi từng thấy có người từ vị trí chở hàng đi dần lên các vị trí cao hơn và tới lúc tôi vào công ty, chỉ trong 4 năm anh ấy đã lên tới vị trí Giám đốc bán hàng. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của các công ty có hệ thống chuẩn chỉnh và lượng hóa chi tiết tới từng bước.

Còn ở các doanh nghiệp SME, chúng ta thấy mô hình chung là chủ doanh nghiệp chọn một việc gì đó để làm, rồi do nhiều lý do mà họ thành công. Có thể họ có tiền, mua được xe, được nhà, nhưng về tổng thể tới lúc nào đó họ sẽ tự thấy mình đã tới hạn không phát triển thêm được nữa. Lúc này, họ cần phải đi học và mệt nhất là phải học lại từ đầu. Kiến thức đầu tiên tôi khuyên họ là học từ bán hàng cơ bản.

Vì thực chất mọi kỹ thuật bán hàng, dù người ta có nói gì cũng đều dẫn tới chuyện phải thuyết phục người khác theo ý của mình. Nó là kỹ năng cơ bản trong giao tiếp mà mọi ông chủ cần phải được biết và luyện hàng ngày. Luyện kỹ năng này, các vị giám đốc sẽ thấy:

1. Mình luôn đặt câu hỏi phải làm gì để khách hàng, đối tác, nhân viên, quản lý của mình theo ý của mình.

Tức là luôn không cho phép mình hài lòng với việc những người xung quanh mình đã ổn rồi và mình có quyền buông không phải chăm họ nữa.

Ngược lại, phải thường xuyên nghĩ xem họ đã hài lòng với tình hình hiện tại chưa, muốn làm họ hài lòng hơn nữa thì phải làm gì. Một giám đốc nghĩ được như vậy đã là quá ổn, vì khi nghĩ như thế ông ta sẽ luôn làm người quanh mình thích thú khi làm việc, cống hiến hết sức mình.

2. Mình luôn đặt mình vào vị trí của người khác, để xem họ thích hay không thích cái gì mà chỉnh theo.

Cứ mải nghĩ mãi về người khác nghĩ gì, tức là cái tôi cá nhân đã bị bớt đi phần nào, cảm nhận khách quan tăng lên. Tới mức nào đó chúng ta sẽ ra quyết định dựa trên vị trí của người khác. Như thế từ suy nghĩ ra tới kế hoạch kinh doanh hoàn toàn không bị cản trở bởi cái tôi cá nhân. Hiệu suất hiển nhiên gia tăng.

3. Mình được làm mới mỗi ngày.

Nghe đơn giản nhưng để lên vị trí chủ của một doanh nghiệp thì các doanh nhân đã phải tiêu dùng một khoảng lớn thời gian tuổi trẻ của mình để lấy kinh nghiệm. Tới lúc họ thành đạt, tuy tích lũy được khá nhiều kiến thức, họ lại gặp phải trở ngại là tuổi tác không cho phép họ suy nghĩ theo cách mới nhiều nữa.

Trong khi đó, luyện tập kỹ năng bán hàng qua giao tiếp với những người xung quanh không cho phép họ đứng yên tại chỗ, mà liên tục tiếp nhận quan điểm khác biệt của người xung quanh và tự học thêm nhiều điều.

4. Mình không thấy mình áp chế người khác.

Khi đã có chức vụ và quyền nhất định thì dễ nhất là dùng cái quyền của chính mình và vì thế chết tắc trong bộ định kiến do mình đưa ra. Còn khi đặt mình ở vị trí ngang với người khác là sales đi bán hàng thì buộc phải linh hoạt để làm hài lòng người khác mà không phải ở thế áp chế. Như thế sự linh hoạt được duy trì dù rằng tuổi đời chúng ta có già đi.

Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Cùng chuyên mục
XEM