Vì sao không xem xét trách nhiệm hình sự cựu tổng giám đốc HOSE?

27/02/2024 08:58 AM | Xã hội

Quá trình điều tra vụ án ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo, Cơ quan điều tra phát hiện một số lãnh đạo, nhân viên HOSE có dấu hiệu phạm tội, điển hình như ông Trần Văn Dũng, cựu Tổng giám đốc HOSE. Tuy nhiên qua áp dụng một số quy định của pháp luật, CQĐT không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nhóm cán bộ nêu trên mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính.

Vai trò “tích cực” của cựu Tổng giám đốc FLC đang bỏ trốn

Trong kết luận điều tra bổ sung vụ ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) “Thao túng thị trường chứng khoán” và “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an đã làm rõ hành vi của 51 bị can.

Vì sao không xem xét trách nhiệm hình sự cựu tổng giám đốc HOSE? - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Dũng

Vì sao không xem xét trách nhiệm hình sự cựu tổng giám đốc HOSE? - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Quyết

Ngoài nhóm đã bị đề nghị truy tố, C01 cho hay, ông Doãn Văn Phương (SN 1977, Tổng giám đốc của Tập đoàn FLC) đã xuất cảnh trốn đi nước ngoài từ tháng 3/2022.

Theo cơ quan điều tra, trong vụ án, Doãn Văn Phương còn giữ vai trò kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros giai đoạn từ 2012 - 2016, sau đó là Thành viên HĐQT từ tháng 11/2016 - 6/2019.

Với vai trò Chủ tịch HĐQT Faros, từ ngày 28/5/2015 - 9/11/2016, Phương đã chỉ đạo các Thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc và nhân viên thuộc Faros ban hành các nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ; lập hồ sơ góp vốn khống;...lập hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký và đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu tương đương 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ của Faros.

Việc làm này của Phương nhằm để Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án, bị can Doãn Văn Phương được hưởng lợi 500.000 cổ phiếu Faros với giá trị phát hành là 5 tỷ đồng. Ngày 29/8/2016, bị can đăng ký lưu ký tại tài khoản chứng khoán mang tên cá nhân mình. Trong hai năm 2017 - 2018, bị can được trả cổ tức thêm 160.000 cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu Phương sở hữu lên 660.000 cổ phiếu.

Trung tuần tháng 5/2020, Phương sử dụng tài khoản chứng khoán bán toàn bộ 660.000 cổ phiếu này, thu được hơn 2,3 tỷ đồng.

“Doãn Văn Phương đã cùng Trịnh Văn Quyết và đồng phạm nâng khống giá trị vốn góp tại Công ty CP Xây dựng Faros, đăng ký niêm yết và bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ”, cơ quan điều tra kết luận và cho rằng, vi phạm của bị can Phương đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với vai trò tổ chức thực hiện, giúp sức tích cực cho Trịnh Văn Quyết.

Đến nay, dù đã xác minh nhiều nơi nhưng không tìm được Doãn Văn Phương. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tách tài liệu liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bị can để xử lý sau.

Kiến nghị xử lý nhóm cán bộ chứng khoán

Theo kết luận của C01, trong 51 bị can bị đề nghị truy tố có 7 người là cán bộ chứng khoán, trong đó có ông Lê Hải Trà (cựu Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc HOSE ).

Cơ quan điều tra cho rằng để xảy ra sai phạm của Trịnh Văn Quyết, các ông/bà: Vũ Bằng (nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước); Lê Thị Thu Hằng (Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty đại chúng) và Nguyễn Thị Thúy (chuyên viên Vụ Giám sát Công ty Đại chúng) đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tham mưu cho bị can Lê Công Điền (Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng) khi nghiên cứu, thẩm định hồ sơ, chấp thuận công ty đại chúng đối với Công ty CP Xây dựng Faros.

Tuy nhiên, do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm của nhóm người trên.

Tại sàn chứng khoán HOSE , kết quả điều tra bổ sung vụ án xác định, ông Đoàn Vĩnh Nam (chuyên viên Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết, Thư ký Hội đồng niêm yết) có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Riêng ông Trần Văn Dũng (Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HOSE); bà Nguyễn Thị Minh Hằng (Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, Thành viên Hội đồng niêm yết); bà Đỗ Thị Phương Lan (Giám đốc Phòng pháp chế, thành viên Hội đồng niêm yết); bà Hồ Ngọc Đoan Trang (Giám đốc Phòng Nghiên cứu phát triển); Ngô Viết Hoàng Giao (Ủy viên HĐQT, kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính và Phòng Giám sát thị trường chứng khoán); Nguyễn Thị Việt Hà (Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc) bị cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại cơ quan điều tra, ông Trần Văn Dũng (Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HOSE) khai do tin tưởng vào chuyên môn cấp dưới, ý kiến đồng ý chấp thuận của các thành viên trong Hội đồng niêm yết, thực hiện theo Nghị quyết của HĐQT để ký ban hành quyết định niêm yết cho Công ty CP Xây dựng Faros khi không đủ điều kiện niêm yết.

Cụ thể, ông Dũng là người ký quyết định số 348/QĐ-SGDHCM ngày 24/8/2016, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty CP Xây dựng Faros.

Một số cán bộ khác cũng thừa nhận nội dung diễn biến, chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho Faros do tin tưởng Ban Tổng giám đốc đề xuất…

Căn cứ khoản 3 Điều 5, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, C01 không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nhóm lãnh đạo HOSE mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính.

Kết luận điều tra bổ sung cũng thể hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết có đơn của 685 nhà đầu tư tố cáo hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” của ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, đồng thời đề nghị bồi thường thiệt hại đối với 6 mã chứng khoán nhóm FLC. Về số đơn thư này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phân loại giải quyết theo quy định.

Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM