Vì sao căn hộ Tp.HCM có giá cao nhưng vẫn bán tốt?
Theo nhận định của Colliers International Việt Nam nhận định, nhóm khách hàng đủ năng lực tài chính sở hữu căn hộ trung và cao cấp ngày càng được “trẻ hóa”. Tuy nhiên do phong cách sống năng động, cá tính nên nhóm khách hàng này cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn về mặt thẩm mĩ, thậm chí mong muốn các căn hộ được thiết kế “mở”, cho phép họ tùy ý điều chỉnh nhiều hơn.
Báo cáo của đơn vị này chỉ ra, phân khúc căn hộ trung và cao cấp tiếp tục "chiếm sóng" khi hơn 3.600 căn hộ chào bán mới tại Tp.HCM trong quý 4/2020 chủ yếu đến từ 2 loại hình này.
Đáng nói, dù giá cao nhưng căn hộ Tp.HCM vẫn bán tốt. Colliers International Việt Nam chỉ ra, năm 2020 kết thúc với hơn 25.000 căn hộ mới được tung ra thị trường. Tỷ lệ hấp thụ đạt hơn 22.000 căn, chiếm 88% nguồn cung mới. Đáng chú ý, giá bán căn hộ quận 2 tăng hơn 7%/năm đối với phân khúc cao cấp trong 5 năm qua.
Trong quý 4/2020, số lượng căn hộ chào bán mới tại Tp.HCM là hơn 3.600 căn, giảm 26% so với cùng kỳ quý trước. Lượng mở bán mới chủ yếu đến từ phân khúc trung cấp và cao cấp. Trong khi đó, phân khúc bình dân vẫn thiếu cung dù nhu cầu của phân khúc này cao. Đà bán tiếp tục khả quan với hơn 88% số căn mở bán mới được hấp thụ.
Sau khi các vấn đề pháp lý cho nhiều dự án được giải quyết, giá bán đã tăng lên, trong đó các dự án tại Quận 2 và Quận 9 ghi nhận mức tăng giá cao nhất từ 4 - 7%. Do nhu cầu cao trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, các chủ đầu tư sẽ vẫn tự tin với giá bán của mình.
Ảnh: Hạ Vy
Cơ sở hạ tầng phát triển, như cầu Thủ Thiêm số 2 đang đi vào giai đoạn hoàn thiện đã góp phần làm tăng giá bán căn hộ cao cấp và trung cấp. Phân khúc cao cấp được kỳ vọng sẽ chào đón một số dự án tại khu Đông như Masterise, trong khi khu Nam dự kiến sẽ chào đón các dự án từ Phú Long và Keppel Land. Bên cạnh đó, các tỉnh lân cận Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư cá nhân với các dự án của nhiều chủ đầu tư như Phát Đạt, An Gia hay Novaland.
Nguyên nhân được đơn vị nghiên cứu này đưa ra, do cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ hơn ở các khu vực phụ cận của nhiều thành phố, vậy nên một bằng giá mới đã được xác lập. Không khó để quan sát thấy rằng, xét riêng về giá, căn hộ bình dân trở thành căn hộ trung cấp, trong khi căn hộ trung cấp trở thành căn hộ cao cấp.
Một cuộc khảo sát được một đơn vị tư vấn tiến hành cuối năm ngoái cho thấy 64% người tham gia phỏng vấn cho biết sẽ chọn căn hộ chung cư thay vì chọn nhà trong ngõ nhỏ. Không thể phủ nhận những lợi thế của loại hình căn hộ chung cư, nhất là về dịch vụ khép kín, vị trí thuận tiện cho công việc, học hành của con cái và giá thành vẫn ít nhiều rẻ hơn so với nhà trệt.
Một số chuyên gia nhận định rằng, đà tăng của giá nhà chung cư trong năm 2021 sẽ tiếp tục và mức giá chung cư tại Tp.HCM năm 2021 dự kiến tăng khoảng 9%. Với việc thành phố Thủ Đức chính thức hoạt động, ý kiến của nhiều phía ghi nhận trong 5 - 10 năm tới, đây sẽ là tâm điểm của thị trường. Dự báo đến năm 2025, nguồn cung lũy kế của khu vực này có thể đạt 198.000 căn, gấp 3,6 lần so với năm 2005.
Giá chào bá căn hộ tại Tp.HCM. Nguồn: Colliers International
Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, giá nhà ở tới cuối năm 2020 không những không giảm mà còn tiếp tục tăng, mức 0,74% ở phân khúc chung cư cao cấp. Với đà này, khi bước sang năm 2021, thị trường sẽ có đợt tăng giá mới.
Colliers International tại Việt Nam nhận định rằng, nhóm khách hàng đủ năng lực tài chính sở hữu căn hộ trung và cao cấp ngày càng được "trẻ hóa". Tuy nhiên do phong cách sống năng động, cá tính nên nhóm khách hàng này cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn về mặt thẩm mĩ, thậm chí mong muốn các căn hộ được thiết kế "mở", cho phép họ tùy ý điều chỉnh nhiều hơn. Do đặc trưng công việc thường gắn liền với nhịp sống đô thị nên họ cũng là nhóm khách hàng có sự quan tâm lớn nhất đối với phân khúc căn hộ chung cư.
Mặc dù vậy, do quỹ đất ở các đô thị lớn đang ngày càng khan hiếm và giá cả tăng cao, xu hướng dịch chuyển ra vùng ven với hy vọng tìm kiếm được căn hộ phù hợp về tài chính vẫn sẽ tiếp tục.