Doanh nghiệp Trung Quốc khốn đốn vì biến động tỷ giá

18/03/2016 08:53 AM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc gần đây đã có những tuyên bố thẳng thắn hiếm gặp...

Biến động tỷ giá đồng Nhân dân tệ đang trở thành một vấn đề đau đầu đối với các công ty Trung Quốc - đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ cú phá giá đồng tiền này vào năm ngoái.

Theo hãng tin Bloomberg, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc như Midea và TCL gần đây đã có những tuyên bố thẳng thắn hiếm gặp, bày tỏ sự lo ngại về chính sách tỷ giá của nước này.

Hai công ty này nói mức độ biến động lớn của tỷ giá đã khiến họ gặp khó khăn trong việc quản lý chi phí bởi khách hàng chỉ chọn đơn đặt hàng ngắn hạn. Một công ty khác phàn nàn đồng Nhân dân tệ đã tăng giá quá nhiều trong vòng mấy năm trở lại đây.

“Khách hàng nước ngoài đang tính đến nguy cơ thiệt hại vì biến động tỷ giá và đưa ra những đơn đặt hàng ngắn hạn, với khối lượng nhỏ hơn. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của chúng tôi”, ông Yuan Liqun, Phó chủ tịch Midea, công ty sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất Trung Quốc về thị phần, phát biểu.

“Mức độ biến động tỷ giá từ năm ngoái là khá lớn. Các công ty có thể chấp nhận một đồng Nhân dân tệ với tỷ giá do thị trường quyết định, dao động trong một khoảng hợp lý”, ông Yuan nói.

Tháng 2 vừa qua, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Số đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài đối với các nhà máy ở Trung Quốc giảm tháng thứ 17 liên tiếp. Trong khi đó, mức độ biến động tỷ giá đồng nội tệ của nước này giữ ở gần mức cao nhất sau cú sốc phá giá đồng tiền vào tháng 8 năm ngoái.

Tất cả những điều này cho thấy thách thức mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phải đối mặt khi cân bằng giữa một bên là sự cần thiết phải giảm giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, một bên là tránh sự tháo chạy của các dòng vốn nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.

Sau cú phá giá đồng tiền bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) váo tháng 8 năm ngoái, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá trong tháng 9 và tháng 10, rồi lại giảm giá trong 3 tháng tiếp đó, trước khi tăng giá trở lại trong tháng 2 vừa qua.

Từ đầu tháng 3 tới nay, đồng Nhân dân tệ tăng giá 0,5%, lên mức 6,5239 Nhân dân tệ đổi 1 USD khi đóng cửa tại thị trường Thượng Hải ngày 16/3. Tuy nhiên, kể từ khi phá giá vào tháng 8/2015, đồng Nhân dân tệ hiện đã giảm giá 4,8%.

Biến động khó lường này đã góp phần khiến khoảng 1.000 tỷ USD tiền vốn chảy khỏi Trung Quốc trong năm 2015.

Theo đánh giá của ngân hàng Royal Bank of Canada, đồng Nhân dân tệ hiện đang được định giá cao hơn giá trị thực. Bởi vậy, đồng tiền này sẽ đối mặt với áp lực bán ra mới một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có động thái tăng lãi suất tiếp theo.

Một cuộc khảo sát mới đây do Bloomberg thực hiện dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá 4,1% trong thời gian từ nay đến cuối năm. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây, đồng Nhân dân tệ giảm giá so với USD trong năm 2015, với mức giảm mạnh nhất trong 21 năm. Nhưng trên thực tế, trong năm ngoái, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá năm thứ 6 liên tiếp so với đồng tiền các đối tác thương mại chính của Trung Quốc.

Theo công ty Fuyao Glass Industry Group chuyên sản xuất cửa sổ kính ôtô cho các hãng như BMW và Volkswagen, đồng Nhân dân tệ còn nhiều dư địa để giảm giá.

“Đồng Nhân dân tệ đang mạnh, bởi vậy các công ty Trung Quốc không thể tiến ra thị trường nước ngoài. Hầu hết các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang thua lỗ. Trung Quốc nên để đồng Nhân dân tệ xuống giá. Nếu đồng tiền không giảm giá, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và các công ty tập trung vào xuất khẩu sẽ gặp khó”, ông Cho Tak Wong, Chủ tịch Fuyao, phát biểu.

Ảnh hưởng của biến động tỷ giá Nhân dân tệ đã vượt ra khỏi khu vực xuất khẩu của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp thuộc mọi ngành, mọi lĩnh vực của nước này đang vội vã thanh toán các khoản vay bằng USD trước khi việc trả nợ trở nên tốn kém hơn.

Từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã trả 1,73 tỷ USD tiền nợ nước ngoài trước khi đáo hạn, so với mức chỉ 26 triệu USD cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu của Bloomberg. Hãng hàng không China Eastern Airlines hôm 4/1 tuyên bố đã trả 1 tỷ USD nợ bằng đồng USD để giảm bớt những rủi ro mà biến động tỷ giá có thể mang lại.

TCL cho biết đã thanh toán tất cả các khoản nợ ngắn hạn bằng đồng USD sau vụ phá giá đồng Nhân dân tệ vào tháng 8 năm ngoái. Midea cho hay đã giảm nợ ngoại tệ trong hai năm qua.

Ông Li Dongsheng, Chủ tịch kiêm CEO của TCL nói rằng khách hàng thường đặt hàng ngắn hạn vì lo đồng Nhân dân tệ sẽ giảm giá.

“Điều này gây áp lực đối với hoạt động quản lý chi phí và kế hoạch hóa chuỗi cung cấp của chúng tôi. Tôi hy vọng tỷ giá Nhân dân tệ có thể sớm ổn định”, ông Li nói. “Có thể Nhân dân tệ sẽ không mất giá nhiều trong năm nay, nhưng nhiều khả năng đồng tiền này sẽ biến động trong ngắn hạn và mất giá trong dài hạn”.

Theo An HUy

Cùng chuyên mục
XEM