Vì đâu kinh tế Việt Nam khựng lại đột ngột khi đang trên đà tăng trưởng?

29/03/2016 12:18 PM | Kinh tế vĩ mô

Trước sự tăng trưởng vượt kỳ vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2015 với con số Lộc – Lộc – Phát, Chính phủ đã đặt ra một mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2016 rất lạc quan cho Việt Nam lên đến 6,7%. Nhưng mức tăng GDP Quý 1 hiện chỉ ở mức 5,46% và đang có dấu hiệu chững lại.

Cuối năm 2015, cả nước được dịp hân hoan khi tốc độ tăng GDP nhảy vọt lên 7,01% trong quý IV, kéo theo tăng trưởng GDP cả năm lên 6,68% - con số mà mọi người vẫn gọi vui là Lộc – Lộc – Phát. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.

Thế mà, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sang Quý 1 năm nay, tăng trưởng GDP bắt đầu có dấu hiệu chững lại.

Cụ thể theo báo cáo của Tổng cục thống kê, GDP quý I/2016 đạt 5,46%, nền kinh tế có dấu hiệu chững lại. Như vậy, tăng trưởng GDP quý I năm nay giảm đến 11% so với cùng kỳ quý I năm ngoái (6,12%) và giảm 22,2% so với quý IV/2015 liền trước đó (7,01%).

“Kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế chung của Quý 1 và cả năm 2016”, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giãi bày.

Theo các số liệu thống kê, tăng trưởng tất cả các ngành mũi nhọn đều đang có dấu hiệu tụt dốc.


Đồ họa: An Huy.

Đồ họa: An Huy.

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản nhiều năm nay đã là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Trong cơ cấu GDP hiện tại, tỷ trọng nông nghiệp cũng đóng góp tới 17%. Nhưng Quý 1 năm 2016, lần đầu tiên khu vực này tăng trưởng âm: -2,69%.

- Yếu tố thứ 2 cũng đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế thông qua thu ngân sách là dầu thô, cũng đang gặp khó, kéo theo ngành khai khoáng tăng trưởng âm. (Xem bài viết: Đề xuất "múc” thêm 2 triệu tấn dầu để cứu tăng trưởng: Năm ngoái múc rồi, năm nay múc tiếp?).

- Yếu tố thứ 3 – ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tăng trưởng thấp hơn, nguyên nhân chính là do tăng trưởng giảm từ các ngành dệt may, da giày, sản xuất ô tô… Đây chủ yếu là các ngành gia công, vốn phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng và nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Lý giải về nguyên nhân khiến GDP giảm, đại diện Tổng cục thống kê cho hay: Giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và sạt lở trên diện rộng, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ngành nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2016.

Trong đó, ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn nhất.

Ngoài ra, các ngành khác còn phụ thuộc vào chính sách phát triển của Nhà nước, trong đó lớn nhất là chính sách thuế. Với một số ngành sản xuất như ô tô, các nhà sản xuất đang chờ đợi các hiệp định ký kết như TPP hoặc các hiệp định thương mại tự do khác trong thời gian tới.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM