Văn phòng công ty Trung Quốc ‘check in’ bằng nụ cười, chỉ người tươi cười mới được vào làm việc

21/06/2021 13:44 PM | Kinh doanh

Lý do mà họ đưa ra là "mang lại sự vui vẻ hơn cho môi trường làm việc thời hậu đại dịch".

Năm ngoái, Canon đã gây ra nhiều tranh cãi khi đưa ra một quy định khá khó hiểu: Lắp đặt camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng nhận diện nụ cười tại văn phòng của công ty con Canon Information Technology tại Trung Quốc.

Hệ thống này chỉ cho phép nhân viên vào phòng làm việc hoặc phòng họp khi họ tươi cười trước camera. Lý do mà họ đưa ra là "mang lại sự vui vẻ hơn cho môi trường làm việc thời hậu đại dịch".

Văn phòng công ty Trung Quốc ‘check in’ bằng nụ cười, chỉ người tươi cười mới được vào làm việc - Ảnh 1.

Trên thực tế, Canon Information Technology đã áp dụng công nghệ trên từ năm ngoái như một phần của bộ công cụ quản lý nơi làm việc. Tuy nhiên, đến khi Financial Times nhắc đến camera nhận diện nụ cười của họ trong một báo cáo mới đây về cách các công ty Trung Quốc quản lý và giám sát nhân viên ở mức độ đáng lo ngại, hệ thống của Canon lại gây tranh cãi trở lại.

Với sự trợ giúp của thuật toán và trí tuệ nhân tạo, nhiều công ty công nghệ ở đất nước tỷ dân đã theo dõi nhất cử nhất động của nhân viên, từ việc họ làm gì trên máy tính, nghỉ trưa, đi vệ sinh bao lâu và có ra ngoài làm việc riêng trong giờ làm việc hay không.

Ở Trung Quốc, việc giám sát nhân viên đang bị thúc đẩy bởi sự cạnh tranh khốc liệt, khi các gã khổng lồ công nghệ đối đầu nhau trong nhiều lĩnh vực hơn, từ thương mại điện tử, video ngắn đến tài chính trực tuyến và hơn thế nữa. Điều đó đòi hỏi nhân viên phải làm thêm giờ và chịu áp lực rất lớn, theo Nikkei Asia.

Tuy nhiên, theo Nikkei, sự chỉ trích gay gắt của nhân viên và cộng đồng mạng Trung Quốc có vẻ như không ảnh hưởng nhiều đến các công ty.

Văn phòng công ty Trung Quốc ‘check in’ bằng nụ cười, chỉ người tươi cười mới được vào làm việc - Ảnh 2.

Trong khi đó, luật của Mỹ nghiêm cấm người sử dụng lao động can thiệp vào lời nói hay trao đổi trên mạng của nhân viên. Còn Liên minh châu Âu (EU), các công ty cần hỏi ý kiến và nhận được sự đồng ý của nhân viên thì mới được thu thập thông tin cá nhân của họ.

Một giảng viên Kinh tế Kỹ thuật số của trường King’s College London nói với Financial Times: "Các thuật toán và trí tuệ nhân tạo không được dùng để hỗ trợ mà để quản lý người lao động trong ngành công nghệ ở Trung Quốc. Công nghệ đang khiến người làm việc với máy móc phải tăng tốc độ và năng suất thay vì ngược lại".

Tại Mỹ, Amazon có lẽ là ví dụ điển hình cho việc giám sát nhân viên quá mức. Công ty vốn nổi tiếng với việc vắt kiệt sức lao động của nhân viên kho hàng và tài xế giao hàng.

Một cựu phó chủ tịch của Amazon nói với New York Times rằng Amazon đã đưa ra nhiều chính sách nhằm ngăn chặn sự lười biếng tại nơi làm việc của người lao động.

David Niekerk, người thiết kế hệ thống quản lý tại kho hàng của công ty, cho biết vì tin rằng mọi người vốn dĩ lười biếng nên CEO Jeff Bezos đã tạo nên những chính sách đó. Theo ông, mong muốn làm việc hiệu quả của nhân viên sẽ giảm dần theo thời gian.

Theo Niekerk, một số cách gây tranh cãi nhất của Amazon là sa thải nhân viên trong ngày mà họ có năng suất làm việc thấp hoặc bắt họ làm việc gần như không có thời gian nghỉ để tăng năng suất.

Với việc nhiều người làm việc tại nhà hơn vì đại dịch, nhiều công ty đang triển khai các tính năng giám sát được tích hợp sẵn do lo ngại mất quyền kiểm soát đối với nhân viên.

Nguồn: Fox

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM