Văn hóa công sở Nhật Bản đối đầu lệnh giãn cách vì dịch Covid-19

14/05/2020 15:09 PM | Xã hội

Giáo sư kinh tế Hisakazu Kato của trường đại học Meiji-Tokyo cho biết người Nhật có thói quen làm việc nhóm và ra quyết định chung. Hầu như các lao động không đủ tự tin để ra các quyết định quan trọng một mình ở nhà mà ưa thích cùng bàn luận để đi đến quyết định cuối cùng.

Vào năm 57 sau công nguyên, vua Hán Quang Vũ Đế của nhà Đông Hán-Trung Quốc được cống nạp 1 con dấu bằng vàng từ nước Wa (Nhật Bản ngày nay). Tại nhiều nơi trên thế giới, những con dấu như vậy có lẽ chỉ được dùng trong một số trường hợp trang trọng nhưng tại Nhật Bản, chúng lại trở thành một nét văn hóa độc đáo.

Từ những con dấu xa xưa cho đến những con dấu khắc gỗ ngày nay, hay còn gọi là Hanko, đã hình thành nền một văn hóa đóng dấu tại Nhật Bản trong hầu như bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên, nó lại trở thành thách thức với người dân quốc đảo này khi dịch Covid-19 bùng phát.

Vốn là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và có nền công nghệ cực kỳ phát triển nhưng Nhật Bản lại duy trì nhiều nét văn hóa "lỗi thời". Tính đến khi dịch Covid-19 lây lan tại đây, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp Nhật Bản là sử dụng các hợp đồng điện tử và chỉ có 30% công ty là đủ cơ sở hạ tầng để các nhân viên có thể làm việc từ xa.

Văn hóa công sở Nhật Bản đối đầu lệnh giãn cách vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thậm chí, việc gửi fax vẫn vô cùng phổ biến tại Nhật dù smartphone và công nghệ truyền tải dữ liệu đã cực kỳ phát triển. Một nghiên cứu của chính phủ năm 2019 cho thấy hầu như mọi doanh nghiệp Nhật cùng 1/3 số hộ gia đình vẫn đang sử dụng máy fax, một công nghệ từ thập niên 1980.

Giáo sư Ivan Tselichtchev của trường đại học Niigata cho biết dù có công nghệ phát triển nhưng nhiều người già, những thành phần lao động chủ chốt tại các doanh nghiệp, lại từ chối sử dụng chúng. Họ đã quen với cách làm việc cũ và không muốn thay đổi.

Tình hình tồi tệ đến mức chính quyền Tokyo phải ban hành quy định các bác sĩ phải gửi số liệu bằng thư điện tử thay vì máy fax hay các công cụ dễ lây truyền khác kể từ ngày 10/5/2020. Động thái này được đưa ra sau khi nhiều bác sĩ viết số liệu bằng tay rồi đưa cho nhiều người để fax đến cho các cơ quan chức nắng, qua đó dễ làm lây lan mầm bệnh.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã phải yêu cầu các quan chức ngừng sử dụng con dấu, một văn hóa lâu đời tại đây. Thủ tướng Abe nhấn mạnh việc sử dụng con dấu đi ngược lại chính sách giãn cách chống dịch Covid-19 và kêu gọi mọi người hạn chế đến văn phòng trong đợt cách ly vừa qua.

Tuy nhiên, việc giãn cách khi quay trở lại làm việc lại đang trở thành khó khăn với văn hóa cũng như thói quen lâu dài của dân công sở Nhật Bản.

Văn hóa tập thể

Văn hóa giao tiếp trực tiếp dường như đã trở thành một phần không thể thiếu tại Nhật. Việc trao đổi với khách hàng qua video trực tuyến hay họp hành online dường như hơi mất lịch sự tại Nhật và thế là gặp mặt trực tiếp trở thành quy định gần như bất thành văn. Những quyết định kinh doanh chiến lược tại các công ty Nhật được đưa ra bởi những phòng họp đầy người trong khi việc có mặt tại công ty hầu như là bắt buộc trong mọi ngành nghề.

Mệt mỏi cả ngày tại văn phòng cho dù có hiệu quả hay không, nhân viên Nhật Bản về đêm lại phải đi tiệc tùng cùng sếp cho đến say mèm.

Văn hóa công sở Nhật Bản đối đầu lệnh giãn cách vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Số liệu năm 2016 của chính phủ cho thấy khoảng 1/5 số lao động nước này đối mặt rủi ro làm việc đến chết vì quá tải công việc, hay còn gọi là Karoshi. Tại Nhật, trách nhiệm công việc luôn được đặt lên hàng đầu và không có lý do nào biện minh được cho việc không hoàn thành nhiệm vụ. Hệ quả là những khái niệm làm việc tự do hay giãn cách mùa dịch Covid-19 trở nên xa lạ trong văn hóa lao động Nhật Bản.

Bên cạnh đó, số liệu chính thức năm 2019 của chính phủ cho thấy khoảng 80% công ty Nhật không đủ điều kiện để nhân viên có thể làm việc tự do hoặc tại nhà. Nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng cũng như trình độ công nghệ của người lao động. Việc gắn bó quá lâu với thói quen làm việc truyền thống khiến văn hóa lao động tại nhiều công ty trở nên lỗi thời và không bắt kịp được xu thế toàn cầu.

Hiện rất nhiều nhân viên Nhật không có laptop để làm việc tại nhà, hoặc công ty chẳng đầu tư gì cho công nghệ để có thể làm việc từ xa.

Thậm chí, rất nhiều lao động trí thức có tuổi tại các doanh nghiệp Nhật từ chối sử dụng những công nghệ mới bởi họ cho rằng kiều làm cũ vẫn ổn. Khoảng ¼ dân số Nhật hiện đã trên 65 tuổi và rất nhiều trong số đó còn tại vị, đương nhiên trình độ công nghệ của những lao động già này chắc chắn kém hơn lớp trẻ.

Năm 2018, Cục trưởng cục an toàn thông tin Nhật Bản, nay đã 68 tuổi, thừa nhận rằng ông chưa bao giờ sử dụng laptop trong cuộc đời mình.

"Kể cả khi những thiết bị hiện đại cho làm việc từ xa có được lắp đặt thì nhiều nhân viên cao tuổi cũng chẳng đủ trình độ để sử dụng. Chúng ta đang có một sự chia rẽ rõ ràng về ứng dụng công nghệ tại Nhật", Giáo sư kinh tế Hisakazu Kato của trường đại học Meiji-Tokyo đánh giá.

Bên cạnh đó, Giáo sư Kato cũng cho biết người Nhật có thói quen làm việc nhóm và ra quyết định chung. Hầu như các lao động không đủ tự tin để ra các quyết định quan trọng một mình ở nhà mà ưa thích cùng bàn luận để đi đến quyết định cuối cùng.

Văn hóa công sở Nhật Bản đối đầu lệnh giãn cách vì dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Ngoài ra, việc cơ cấu kinh tế chủ yếu về mảng dịch vụ cũng khiến việc giãn cách trở nên khó khăn. Hơn 70% lao động Nhật Bản hiện nay làm trong ngành dịch vụ và việc giãn cách hay làm việc từ xa là một khó khăn không nhỏ. Những dịch vụ như massage, tổ chức đám cưới hay du lịch tại Nhật rất khó để có thể làm việc từ xa hoặc giãn cách xã hội trong mùa dịch Covid-19.

Thêm vào đó, việc Nhật Bản có quá ít người chết và nhiễm so với những nước khác đang tạo nên cảm giác an toàn giả tạo. Với dân số 127 triệu người, Nhật Bản mới có hơn 2.300 ca nhiễm bệnh bao gồm 57 trường hợp tử vong, trong đó 472 người đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên nước này mới chỉ xét nghiệm 34.508 trường hợp, kém quá xa so với con số 431.700 xét nghiệm tại Hàn Quốc, nước có dân số 51 triệu người.

"Chính phủ nên cứng rắn hơn với người dân. Họ đang đặt niềm tin quá nhiều vào ý thức cộng đồng", Giáo sư Kato thừa nhận.

AB

Cùng chuyên mục
XEM