Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân của Việt Nam còn thấp

26/06/2019 20:00 PM | Xã hội

Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân của Việt Nam còn thấp so với khu vực ASEAN, đặc biệt là so với Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 khai mạc sáng nay (26/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức cần tiếp tục giải quyết.

"Năng suất, chất lượng hiệu quả còn thấp dẫn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam còn thấp. Trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế", Phó Thủ tướng nêu cụ thể.

Bên cạnh đó, quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng khó khăn, chi phí vốn, logistic còn cao.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra dữ liệu và so sánh: "Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp, của Việt Nam chỉ khoảng 140 người có 1 doanh nghiệp, trong khi đó, tỷ lệ này ở ASEAN là 80-100 người có 1 doanh nghiệp; còn các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu là 10 -12 người có 1 doanh nghiệp".

Trong bối cảnh đó, việc phát triển nhanh, bền vững là chủ trương nhất quán của nền kinh tế Việt Nam. Mục tiêu phát triển nhanh, để tránh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đang phát triển trong khu vực; đồng thời phát triển bền vững là điều kiện đủ.

Theo Phó Thủ tướng, phát triển bền vững trước hết phải giải quyết tốt giữa tăng trưởng phát triển giữa phát triển kinh tế với xã hội, thực hiện mục tiêu vì con người. Cùng với đó, phải đảm bảo nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo nền kinh tế vĩ mô đặc biệt là các chính sách tiền tệ.

Phát triển bền vững công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghệ cao tại các thành phố lớn. Đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp. Trước hết là giữ vững môi trường vĩ mô ổn định cũng như tập trung tái cấu trúc lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

"Tập trung tái cơ cấu lại đầu tư và đầu tư công, các doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các ngân hàng tập trung vào ngân hàng thương mại", Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm nâng cao năng lực, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Về môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện thể chế minh bạch, cạnh tranh, thông thoáng để huy động các nguồn lực cả trong nước và ngoài nước. Tập trung vào việc cải cách các thủ tục hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất.

"Tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ, không sử dụng các công cụ hành chính để can thiệp", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt là tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, song phương và đa phương.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, doanh nghiệp là chủ thể, là lực lượng chính để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Theo Hạ An

Cùng chuyên mục
XEM