AI làm âm nhạc: Đến lượt các nhạc sĩ phải "ra đường" vì người mới cũng có thể viết 1.200 bài hát mỗi tháng nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo
Liệu các nhạc sĩ, ca sĩ có sắp thất nghiệp vì AI?
Với những người quan tâm đến công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) thì cái tên Suno Inc có lẽ không thể bỏ qua. Đây là một trong những startup AI tập trung xây dựng công cụ tự động hóa quá trình sáng tác nhạc.
Bất kỳ người mới nào chỉ cần gõ yêu cầu ngắn và Suno sẽ tạo ra thứ âm nhạc mang âm hưởng con người trong vài giây khiến nhiều người nghe phải sốc. Công cụ này có thể tạo bất cứ thể loại âm nhạc nào từ Electro pop mộng mơ về một cuộc chia tay cho đến một giai điệu Acounstic quảng cáo cho các sản phẩm sữa lên men.
Thậm chí trên nền tảng nhạc Spotify hiện đã có nhiều album được sáng tác bằng công cụ AI do Suno phát triển.
Giờ đây sau những nội dung văn bản, hình ảnh và video thì âm nhạc đang trở thành ranh giới tiếp theo bị AI vượt qua. Môn nghệ thuật này từng là lãnh địa của sự sáng tạo trong giới nghệ sĩ thì giờ đây với AI Suno, sinh kế của các nhạc sĩ này bắt đầu bị đe dọa.
Tình hình nghiêm trọng đến mức hàng trăm nhạc sĩ như Billie Eilish, Miranda Lambert và Aerosmith đã ký một bức thư gửi đến Liên minh quyền lợi nghệ sĩ (ARA) nhằm kêu gọi các doanh nghiệp và người dùng ngừng sử dụng AI để vi phạm bản quyền và hạ thấp giá trị các nghệ sĩ.
Hãng Universal Music thì đã thỏa thuận với Tiktok để bảo vệ âm nhạc của mình khỏi AI. Trước đó hãng này đã rút các sản phẩm âm nhạc của mình khỏi Tiktok do lo ngại bị lợi dụng bởi các bản ghi âm do AI tạo ra.
Năm 2023, Universal đã từng đau đầu vì hàng loạt ca khúc lan truyền dùng AI để sao chép các phong cách những nghệ sĩ dưới quyền của họ như Drake hay Weeknd.
Bài hát "She Speaks of Waning Gold" do AI sáng tạo
1.200 bài/tháng
Trên thực tế, những tập đoàn phát triển AI hàng đầu như OpenAI của Microsoft hay DeepMind của Alphabet (Google) đã phát triển được các tính năng tạo nhạc tự động nhưng chưa dám đưa ra thị trường với quy mô lớn vì lo ngại vấn đề bản quyền và phản ứng từ giới nghệ sĩ.
Tháng 11/2023, Google DeepMind đã tiết lộ ứng dụng có tên Lyria có thể sáng tác âm nhạc tự động. Tuy nhiên hãng chưa phát hành ứng dụng vì còn đang phải thương thảo vấn đề bản quyền trong giới nghệ sĩ.
Hiện cuộc cách mạng âm nhạc AI đang được dẫn dắt bởi các startup nhỏ hơn như Suno.
Bài hát "Wow..... I Didn't Know That [Full Track], Americana, Country" do AI sáng tạo
Tương tự, một hãng khởi nghiệp khác là Udio do những cựu kỹ sư từ Google DeepMind thành lập đã giới thiệu một phần mềm có thể sáng tác âm nhạc trong khoảng 30 giây.
Sau khi gọi vốn thành công 10 triệu USD, Udio đã tung ra chương trình khuyến mãi giúp người dùng có thể tạo 1.200 bài hát miễn phí mỗi tháng để thử nghiệm.
Với Suno, người dùng có thể tạo tối đa 10 bài hát kéo dài 2 phút/bài mỗi ngày hoặc trả tiền hàng tháng để có nhiều tính năng hơn.
Nhà đồng sáng lập Andrew Sanchez của Udio cho biết đã có hơn 600.000 người dùng thử ứng dụng này và tạo ra bình quân 10 bài hát mỗi giây. Nhờ đó công ty đã nâng cấp tính năng để kéo dài thời lượng bài hát lên 15 phút.
Trong khi đó người đồng sáng lập Keenan Freyberg của Suno thì cho biết người dùng ban đầu hay sáng tác bài hát cho bạn bè, gia đình, người thân và tiếp tục khám phá các tính năng của AI này. Một số giáo viên dùng Suno để sáng tác bài hát hỗ trợ lớp học trong khi hãng phần mềm Palantir Technologies đã dùng AI này để tạo ra giai điệu cho chương trình đào tạo phần mềm của họ.
Rất rõ ràng, sự bùng nổ của AI trong chatbot với ChatGPT, rồi hình ảnh và video sau đó bắt đầu lan sang ngành âm nhạc.
Bài hát "Rise with You" do AI sáng tạo
Kiện tụng
Tương tự như những mảng nội dung số khác, việc AI lấn sân sang ngành âm nhạc đang khiến nhiều nghệ sĩ, công ty giải trí và luật sư bản quyền quan tâm.
Trước đó những hãng như Midjourney, OpenAI và Stability AI đã xây dựng mô hình bằng các bộ dữ liệu hình ảnh từ Internet với lập luận rằng hành vi này được bảo vệ theo học thuyết sử dụng hợp pháp của luật bản quyền Mỹ, nhưng chúng vẫn gây nên sự phẫn nộ và kiện tụng trong ngành.
Bởi vậy việc AI sáng tác âm nhạc được dự báo là sẽ còn gây tranh cãi nhiều hơn nữa khi thị trường âm nhạc đạt doanh 28,6 tỷ USD năm 2023 và là miếng bánh béo bở mà nhiều tập đoàn không chấp nhận để mất.
Chuyên gia bản quyền kỹ thuật số Pamela Samuelson và là giáo sư luật tại Đại học California nhận định tòa án có thể nhìn nhận âm nhạc theo hướng khác so với nội dung văn bản số hay hình ảnh tùy vào tầm quan trọng của những dữ liệu này.
Bài hát "Rebels of the Night" do AI sáng tạo
Bài hát "The Shadow of Love" do AI sáng tạo
Bài hát "Alien Ocean" do AI sáng tạo
Trước tình hình này, những startup AI âm nhạc đã hạn chế sử dụng các từ có liên quan đến nghệ sĩ hay nhạc sĩ để tránh bị kiện tụng sau này. Tuy nhiên cũng tương tự như sự phát triển của các AI nội dung số, hình ảnh, video khác, cuộc cách mạng công nghệ mới trong mảng âm nhạc được cho là sẽ không thể ngăn cản.
Câu hỏi đặt ra ở đây là các nhạc sĩ liệu có thất nghiệp hay họ sẽ phải học cách dùng AI để nâng tầm sáng tác âm nhạc của mình lên một tầm cao mới?
*Nguồn: Tổng hợp