'Dân mình liều' ra sao trong các cơn sốt đất?

26/06/2019 10:07 AM | Xã hội

Sau những cơn sốt đất cục bộ, không ít người ôm khoản nợ tiền tỷ nhiều năm liền. Dù được cảnh báo, việc mua đi bán lại đất đai vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước.

Cơn sốt đất nền ăn theo quy hoạch hạ tầng, đạo giới hành chính vốn đi kèm với nhiều hệ luỵ. Người thành tỷ phú từ việc ăn theo cơn sốt đất nhưng cũng có không ít nhà đầu tư "ôm" đất không kịp thoát.

Trong một hội thảo liên quan đến bất động sản mới đây, nói về việc đầu cơ đất nền trong cơn sốt ở một số địa như Mũi Né, Bình Thuận…, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, bình luận: “Dân mình liều”.

Câu nói của ông Nam khiến cho làm liên tưởng đến hàng loạt câu chuyện hậu kỳ cơn sốt đất.

Tin vào chiêu trò của "cò" đất

Trong cơn sốt đất hồi 2017 ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), đối tượng mua đất chủ yếu là các nhà đầu tư riêng lẻ. Thay vì mua để ở, họ ôm đất chờ tăng giá rồi bán lại cho người khác để kiếm lời. Trong chu trình này, “cò” đất thường có vai trò đẩy giá lên cao rồi “ăn” hoa hồng.

Tháng 3, một tháng sau khi bất động sản Vân Đồn được giao dịch trở lại, lượng khách hàng ở địa bàn này không nhiều như phản ánh. Một quán ăn ở thị trấn Cái Rồng trở thành điểm hẹn của khoảng 15 môi giới đất, họ nói về chuyển nhượng, đặt cọc, sang tay…

 Dân mình liều ra sao trong các cơn sốt đất?  - Ảnh 1.

Một phòng công chứng ở Vân Đồn trong cơn sốt đất hồi tháng 3. Ảnh: Tuấn Tú.


Một “cò” đất thừa nhận lượng môi giới và khách hàng đều giảm sau khi UBND Quảng Ninh ban hành văn bản liên quan đến việc thanh tra quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Tuy nhiên, nhiều môi giới vẫn tìm cách để thuyết phục khách hàng xuống tiền mua đất, khẳng định lệnh thanh tra không ảnh hưởng đến tình hình giao dịch. Những người này dẫn khách tham quan dự án bằng ôtô, lấy ví dụ về các trường hợp mua đi bán lại lãi cả trăm triệu đồng chỉ sau một tuần. Họ liên tục "đánh" vào tâm lý khách bằng những câu chuyện kiểu "không ngay thì giá tăng cả trăm triệu". Tin vào lời “cò đất” cùng phong trào đầu cơ, không ít người ôm khoản nợ nhiều năm liền.

Năm 2013, vợ chồng chị Phương Linh (Đống Đa, Hà Nội) mua cùng lúc 3 lô đất tổng diện tích 450 m2 ở An Khánh Hoài Đức, Hà Nội giá hơn 8 tỷ. Chị nhớ lại thời điểm bấy giờ, khi có thông tin Hoài Đức sắp lên quận, nhiều người đổ về Hoài Đức "săn" đất, giá đất tăng cao, có khi lên đến 10% sau một tuần.

Cơn sốt đất kéo dài khoảng 2 năm, từ cuối 2012 đến giữa năm 2014 thì chững lại do các yếu tố về hạ tầng chưa phát triển. Trước khi cơn sốt kịp lắng lại, chị Linh bán được 1 trong tổng số 3 lô đất này, lãi gần 150 triệu. 2 lô còn lại, chị Linh cho biết mới chỉ bán được hồi cuối 2018.

“Nếu so sánh giá đất ở thời điểm mua và bán thì tôi có lãi. Nhưng khoản lãi chỉ bằng 1/4 tiền lãi ngân hàng tôi phải trả trong 6 năm qua. Nói chính xác là lỗ nặng”, chị Linh nói.

Thiếu thông tin những vẫn chi tiền tỷ mua đất

Sau cơn sốt đất nền ở Phú Quốc hồi cuối năm 2017, một “cò” đất kể với Người Đồng Hành về việc kiếm 9 tỷ đồng sau 3 tháng. Đây không phải là trường hợp hy hữu khi việc mua đi bán lại đất đai ở Phú Quốc rầm rộ suốt gần một năm. Thế nhưng, ngay khi có lệnh thanh tra của Chính phủ, rồi hoãn thông qua Luật Đặc khu, giao dịch bất động sản chững lại, hàng loạt môi giới, “cò" đất, nhà đầu tư đất không kịp thoát, tồn đất trị giá hàng chục tỷ đồng ở đảo ngọc.

Cơn sốt đất Phú Quốc từng được phản ánh "nóng" đến mức khách cứ vào là mua, thậm chí mua từ xa, mua qua điện thoại, tin nhắn nên có trường hợp mua cả đất nông nghiệp, đất rừng, đất “dính” quy hoạch.

 Dân mình liều ra sao trong các cơn sốt đất?  - Ảnh 2.

Giao dịch đất Phú Quốc qua điện thoại. Ảnh: Lâm Tùng.


Cũng chính tại hội thảo mới diễn ra, ông Nguyễn Trần Nam đưa ví dụ: "Tôi vừa vào Mũi Né (Bình Thuận), đúng là dân mình liều. Rất nhiều bài học rồi nhưng vào mua đất là mua cả đất bãi biển, trong khi đã có quy định cấm xây dựng trên phần đất 100 mét từ bãi biển trở vào, rồi mua cả đất vườn, mua cả đất nông nghiệp. Điều này rất nguy hiểm".

Trao đổi với Người Đồng Hành về việc đất các huyện ngoại thành tăng giá khi có thông tin huyện sắp lên quận, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng mức giá "đón đầu quy hoạch" như vậy không đảm bảo tính chắc chắn.

Vị này đưa ra ví dụ về thị trường bất động sản Đông Anh (Hà Nội) khi thị trường tại đây từng sốt nóng với thông tin xây dựng cầu, nâng cấp hạ tầng giao thông và đầu tư phát triển chuyển đổi thành đô thị trung tâm của thành phố. Song qua nhiều năm, các dự án vẫn chưa đi vào thực tế nên các nhà đầu tư rơi vào rủi ro.

Ông cũng cảnh báo các nhà đầu tư phải cân chắc, cẩn trọng khi mua đất, đặc biệt chú trọng tính pháp lý, nghiên cứu quy hoạch phát triển toàn vùng cũng như quy hoạch khu vực diễn ra mua bán.

Theo Thủy Tiên

Cùng chuyên mục
XEM