Từng là biểu tượng của phép màu kinh tế Trung Quốc, vì sao ngành nghề này bỗng gặp "ác mộng"?

17/07/2023 06:57 AM | Kinh tế vĩ mô

Một thập kỷ trước, nghề này là biểu tượng của phép màu kinh tế Trung Quốc.

Từng là biểu tượng của phép màu kinh tế Trung Quốc, vì sao ngành nghề này bỗng gặp "ác mộng"? - Ảnh 1.

Cuộc thoái ngôi vương nhanh nhất

Tháng 6 hàng năm, sau khi kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc được công bố, mạng xã hội tràn ngập các lời khuyên về cách chọn chuyên ngành phù hợp. Lu Chunxi, tuy nhiên, chỉ có một lời khuyên để chia sẻ.

“Hãy suy nghĩ kỹ về kiến trúc”, cựu sinh viên nói với tạp chí Sixth Tone (Trung Quốc).

Lu, 24 tuổi, ban đầu muốn trở thành kiến trúc sư vì đây có vẻ là một nghề nghiệp “cao cấp” và hào nhoáng. Nhưng sau nhiều năm miệt mài học tập, cô phát hiện ra rằng hình ảnh này đã lỗi thời.

Lu nhận thấy rằng mặc dù học kiến trúc vẫn đòi hỏi nhiều công sức, tài năng và đầu tư tài chính hơn so với các bằng cấp khác, nhưng việc làm tại các công ty kiến trúc Trung Quốc hiện nay rất ít và thường được trả ít hơn so với công việc ở quán bar hoặc nhà hàng. Cuối cùng, cô quyết định chuyển sang học kỹ sư phần mềm.

Khi Trung Quốc vật lộn để phục hồi sau đại dịch, các công ty kiến trúc không phải là nhóm doanh nghiệp duy nhất cảm thấy áp lực.

Nhưng sự suy giảm của ngành này đã thu hút sự chú ý của công chúng trong những tháng gần đây - không chỉ bởi vì nó đã giảm quá nhanh, mà còn bởi vì nó phản ánh sự thay đổi lớn hơn trong quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc.

Từng là biểu tượng của phép màu kinh tế Trung Quốc, vì sao ngành nghề này bỗng gặp "ác mộng"? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Kiến trúc có thể đã rơi khỏi ngai vàng nhanh hơn bất kỳ ngành nghề nào khác, tờ Southern Weekly (Trung Quốc) bình luận trong một báo cáo gần đây.

Một thập kỷ trước, ngành kiến trúc là biểu tượng của phép màu kinh tế Trung Quốc, khi các tòa nhà chọc trời và các khu chung cư cao cấp mọc lên khắp đất nước.

Các chương trình kiến trúc tại các trường ưu tú như Đại học Thanh Hoa là một trong những chương trình cạnh tranh nhất ở Trung Quốc, chỉ chấp nhận những sinh viên có điểm thi cao nhất.

Nhưng sự bùng nổ xây dựng kéo dài hàng thập kỷ đó giờ đang lụi tàn, và vận may của các kiến trúc sư tạo nên nó cũng vậy.

Các công ty bất động sản Trung Quốc - vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ lịch sử - đang cắt giảm các dự án mới. Điều đó đang buộc nhiều công ty kiến trúc phải đóng cửa hoặc cắt giảm ngân sách.

Liu Jiasan đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi này.

Khi tốt nghiệp Đại học Columbia vào năm 2016, anh có tầm nhìn về việc thiết kế một tòa nhà mang tính bước ngoặt như Bảo tàng Tô Châu - một dự án tiên phong kết hợp phong cách kiến trúc hiện đại và truyền thống của Trung Quốc.

“Khi tôi còn học đại học, ngành kiến trúc và xây dựng đang ở thời kỳ hoàng kim”, Liu nhớ lại.

Ban đầu mọi việc suôn sẻ với Liu. Với tấm bằng danh giá từ Mỹ của mình, anh đã nhận được lời mời hậu hĩnh từ một công ty thiết kế tư nhân ở Thượng Hải, với mức lương khoảng 250.000 nhân dân tệ (gần 830 triệu VNĐ) mỗi năm.

Hai năm sau, anh rời vị trí để thành lập công ty riêng với hai đối tác. Nhưng công ty đã không sống sót qua cuộc khủng hoảng bất động sản, và Liu buộc phải nhận công việc thiết kế tại một doanh nghiệp nhà nước.

Từng là biểu tượng của phép màu kinh tế Trung Quốc, vì sao ngành nghề này bỗng gặp "ác mộng"? - Ảnh 3.

Một mô hình trưng bày tại triển lãm kiến trúc ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô năm 2018

Anh hy vọng làm việc trong khu vực công ít nhất sẽ mang lại một mức độ đảm bảo công việc và ổn định từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Nhưng anh đã nhầm.

Số lượng dự án mới đã giảm đáng kể, việc thu các khoản thanh toán đang trở nên khó khăn hơn và thậm chí một số chủ lao động không thể trả lương cho nhân viên, Liu cho biết.

Nhiều kiến trúc sư đã quá tuổi để chuyển sang các ngành nghề khác trong khi sinh viên mới tốt nghiệp liên tục gia nhập thị trường việc làm.

“Vì vậy, để cạnh tranh cho số lượng doanh nghiệp ngày càng thu hẹp, mọi người phải làm việc chăm chỉ hơn. Nó trở thành một cuộc đua bất tận", Liu nói.

Phản ánh vấn đề của nền kinh tế

Sự suy giảm của ngành kiến trúc bắt đầu vào giữa thập kỷ trước, khi sự cạnh tranh gia tăng dẫn đến cuộc chiến giá cả nổ ra giữa các công ty thiết kế đang khao khát giành được những gói thầu.

Một thập kỷ trước, các công ty thường tính phí thiết kế từ 80-100 nhân dân tệ/mét vuông cho một dự án xây dựng công cộng mới; bây giờ, các công ty có xu hướng tính phí chỉ bằng 1/5 hoặc thậm chí 1/10 số đó, theo báo cáo.

Nhưng cuộc khủng hoảng bất động sản đã làm cho mọi thứ tồi tệ hơn nhiều. Năm 2022, hàng loạt nhà phát triển bất động sản Trung Quốc gặp khó khăn về thanh khoản, khiến người mua nhà và nhà đầu tư mất niềm tin. Doanh số bán đất đai và bất động sản giảm ở mức hai con số, trong khi giá nhà đất đi ngược lại.

Mức lương đầu vào tại một số công ty hiện thấp tới 4.000 nhân dân tệ (hơn 13 triệu VNĐ) mỗi tháng.

Đầu năm 2022, một vụ bê bối nổ ra khi một kiến trúc sư 26 tuổi được phát hiện tử vong tại nhà sau nhiều tuần làm việc tăng ca. Các đồng nghiệp cho biết người đàn ông này thường xuyên bị buộc phải làm việc hơn 12 giờ một ngày và đôi khi làm xuyên đêm để hoàn thành các dự án cấp bách.

Cũng như nhiều trường hợp tương tự ở Trung Quốc, công ty sử dụng lao động phủ nhận trách nhiệm về cái chết, cho rằng không thể chứng minh được nó có liên quan đến làm việc quá sức. Nhưng vụ việc vẫn làm dấy lên sự tức giận trong giới kiến trúc sư.

Tuy nhiên, một số người vẫn lạc quan về tương lai của ngành. Rossana Hu, đồng sáng lập Văn phòng Nghiên cứu và Thiết kế Neri&Hu có trụ sở tại Thượng Hải và là chủ nhiệm khoa kiến trúc tại Đại học Đồng Tế, nói rằng kiến trúc sẽ luôn thu hút tài năng trẻ, ngay cả khi các công ty địa phương tiếp tục gặp khó khăn về tài chính.

“Sinh viên tốt nghiệp ngành kiến trúc của Trung Quốc đã tận hưởng sự bùng nổ chưa từng có của ngành này trong nhiều năm, vì vậy khi lương giảm xuống mức ‘trung bình’… thì họ không vui lắm,” Hu nói.

“Tuy nhiên, ở thế giới phương Tây, kiến trúc hiếm khi thực sự nằm trong số những nghề nghiệp được trả lương cao nhất. Hầu hết sinh viên không làm điều đó vì tiền; họ làm điều đó vì tình yêu thiết kế, sáng tạo, đóng góp cho xã hội và tham gia vào việc tạo ra một phần lịch sử văn hóa trong môi trường chúng ta đang sống.”

Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM