Từng 1 thời khoe khoang sẽ mua lại Apple, lật đổ Tesla, cách mạng xe đạp nhưng cuối cùng, 3 "bad boy" Trung Quốc này đều bị rơi vào danh sách đen vì vỡ nợ

14/11/2019 09:10 AM | Kinh doanh

Từng thành lập nên ba công ty công nghệ nổi danh, nhưng giờ đây những người sáng lập Ofo, LeEco và Smartisan đều nằm trong danh sách đen vì vỡ nợ của chính phủ Trung Quốc.

Luo Yonghao, người sáng lập công ty điện thoại thông minh Smartisan, mới đây đã gia nhập vào hàng ngũ các nhà lãnh đạo công nghệ. Nhưng nó không phải là bảng xếp hạng danh tiếng gì, mà lại là danh sách đen gần 15 triệu người bị chính quyền Trung Quốc cấm sử dụng các dịch vụ công. Cùng nằm trong danh sách này với Luo có Dai Wei, người sáng lập công ty chia sẻ xe đạp Ofo và Jia Yueting, người sáng lập đế chế giải trí LeEco. Bị đánh giá tín nhiệm thấp, những người từng đứng đầu các công ty triệu USD nay thậm chí không thể đặt các chuyến bay hoặc đi trên tàu cao tốc.

Thời điểm huy hoàng nhất của Luo có lẽ là lúc nhà lãnh đạo đầy kiêu hãnh của Smartisan này lớn tiếng mắng mỏ Apple vì đã "đánh mất linh hồn" và tại một thời điểm nào đó ông sẽ mua lại công ty sản xuất iPhone này. Nhưng mạnh miệng cỡ nào cũng không giúp thay đổi được thời vận và sự sụp đổ của Smartian.

Ít ra, ông vẫn còn không ít người hâm mộ lên tiếng ủng hộ mình. Trên tài khoản mạng xã hội Weibo của mình, mới đây Luo đã viết một bài có tựa đề: "Confession từ một CEO bế tắc", giải thích về cuộc đấu tranh gian khó của mình để giải cứu Smartisan. Người sáng lập công ty này sau đó đã nhận được nhiều tin nhắn hỗ trợ, động viên ủng hộ và khen ngợi về kỹ năng xử lý khủng hoảng của ông.

"Tôi nghĩ rằng công chúng đối xử tốt với ông ấy hơn bởi vì ông ấy trông rất... khó ghét. Với vẻ ngoài như một giáo viên ở độ tuổi trung niên và mập mạp, ông ấy có vẻ như thực sự cam kết với tầm nhìn của mình và đã thực sự nỗ lực trong việc xây dựng sản phẩm", một người trong ngành chia sẻ.

Từng 1 thời khoe khoang sẽ mua lại Apple, lật đổ Tesla, cách mạng xe đạp nhưng cuối cùng, 3 bad boy Trung Quốc này đều bị rơi vào danh sách đen vì vỡ nợ - Ảnh 1.

Luo Yonghao đã vội vã thử vận ​​may của mình trong các phần cứng khác ngoài điện thoại thông minh.

Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc lâu nay vẫn duy trì danh sách đen của mình một cách công khai, nhằm mục đích gây xấu hổ cho những người vỡ nợ để họ có động lực trả nợ. Các phương tiện truyền thông cũng thường lấy những người trong danh sách này ra chế giễu.

Một số chính quyền địa phương hiện đang gây áp lực cho những người vỡ nợ bằng các biện pháp có thể được mô tả là cực đoan. Điều này bao gồm đưa hình ảnh khuôn mặt của họ lên các bảng quảng cáo và lên sóng truyền hình, mạng xã hội thông qua quảng cáo.

Việc bổ sung người sáng lập của Smartisan vào danh sách những "bad boy" của làng công nghệ là một trong số đó. Và cùng với sự tham gia của hai người sáng lập Ofo và LeEco, sự thất bại của các doanh nhân công nghệ này đã gợi ra rất nhiều phản ứng khác nhau từ phía cộng đồng.

Jia Yueting thì đã bị liệt vào danh sách đen từ năm 2017 sau khi nợ quá nhiều trong quá trình mở rộng điên cuồng của công ty LeEco. Sau khi thành lập LeTV, một trong những dịch vụ phát video trực tuyến phổ biến nhất của Trung Quốc, ông bắt tay vào việc mở rộng hệ sinh thái giải trí của mình ở Mỹ và thành lập công ty khởi nghiệp xe điện Faraday Future. Tuy nhiên, mọi thứ đã không như mong muốn, buộc Jia phải tuyên bố phá sản ở Mỹ và trở về Trung Quốc.

Từng 1 thời khoe khoang sẽ mua lại Apple, lật đổ Tesla, cách mạng xe đạp nhưng cuối cùng, 3 bad boy Trung Quốc này đều bị rơi vào danh sách đen vì vỡ nợ - Ảnh 2.

Người sáng lập LeEco và Faraday Future nổi tiếng với kỹ năng xoay vòng vốn hơn là thành tích kinh doanh.

Còn Dai Wei của Ofo thì từng gây tiếng vang trên toàn thế giới, với kế hoạch đưa dịch vụ chia sẻ xe đạp điện của mình phủ khắp toàn cầu, đánh chiếm 200 thành phố trên toàn thế giới vào năm 2017. Có thời điểm, startup này trị giá hơn 2 tỷ USD. Nhưng khi sự cạnh tranh ngày càng tăng, các vụ kiện về các hóa đơn chưa thanh toán cũng tăng theo. Số lượng người dùng khó chịu và chờ để lấy lại tiền đặt cọc xe đạp của họ trở nên khổng lồ. Cuối năm 2018, tên của Dai Wei xuất hiện trong danh sách đen.

Cả ba "bad boy" đều có những câu chuyện thành công và thất bại của riêng mình. Tuy nhiên, trong khi Dai Wei đôi khi bị coi là thiếu kinh nghiệm, kiêu ngạo và sai lầm, thì Jia lại mang tiếng xấu bởi hệ quả của những khoản nợ khổng lồ mà ông để lại cho công chúng.

Luo thì khác. Một số người nghĩ rằng chính sự cầu toàn của ông đã đưa Smartisan vào tình trạng khó khăn hiện tại. Nhà sản xuất điện thoại thông minh này luôn biết thu hút sự quan tâm của công chúng, tới nỗi ông đã phải tính tiền mua vé cho buổi ra mắt sản phẩm của mình. Nhưng cuối cùng ông vẫn để lại một núi nợ, khi doanh số bán điện thoại thông minh của công ty không thành công trong bối cảnh doanh số trên toàn cầu đều bị chậm lại. Một liên doanh khác của Smartisan, Bullet Messaging, từng được ca ngợi là sự thay thế cho WeChat, cũng thất bại sau một thời gian ra mắt.

Từng 1 thời khoe khoang sẽ mua lại Apple, lật đổ Tesla, cách mạng xe đạp nhưng cuối cùng, 3 bad boy Trung Quốc này đều bị rơi vào danh sách đen vì vỡ nợ - Ảnh 3.

Ofo đã mở rộng tham vọng không ngừng, cho đến khi các nguồn tài trợ cạn kiệt.

Thất bại là chuyện thường đối với các công ty khởi nghiệp, không chỉ ở Trung Quốc. Tại Mỹ, các công ty khởi nghiệp cũng có thể "đi đời" khi tiêu xài quá tay, dựa vào niềm tin từ các nhà đầu tư. Nhưng bối cảnh khởi nghiệp của Trung Quốc có đôi chút khác biệt, bởi tại quốc gia này, bong bóng công nghệ được đánh giá là trẻ hơn, nhanh hơn và nóng hơn.

Tại Trung Quốc, các công ty khởi nghiệp phải nhanh chóng huy động tiền, mở rộng và chiếm lĩnh được một góc của thị trường. Nếu không, chúng có nguy cơ bị chết đuối bởi áp lực cạnh tranh từ số lượng lớn các công ty khởi nghiệp khác. Cuộc chiến sình tồn giống như cá lớn nuốt cá bé và nếu không tăng quy mô nhanh, tất cả chỉ là con mồi của một công ty khác.

Tuy nhiên, hệ quả của việc tăng trưởng quá đà là việc chi tiêu vượt quá khả năng. Sự tự tin thái quá thường là một đặc điểm được đánh giá cao bởi hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi. Các công ty thường tăng trưởng và mở rộng quy mô không ngừng, cho tới khi lỗ hổng bên trong không thể nào che đậy được và đó là lúc tất cả sụp đổ.

Danh sách đen chưa tạo đủ áp lực để khiến các doanh nhân công nghệ chùn chân. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy hệ thống danh sách này rất có hiệu quả trong việc buộc các con nợ phải hoàn trả khoản tiền nợ của mình. Một số doanh nhân thậm chí xem nó còn tồi tệ hơn cả nhà tù. Và các hình phạt như cấm túc, giới hạn quyền lợi sẽ không chấm dứt cho đến khi họ hoàn trả hết số nợ. Các hạn chế này cũng khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn, càng làm cho quá trình trả nợ và thoát khỏi danh sách đen càng khó hơn.

Trong khi cuộc tranh luận về hiệu quả của hệ thống danh sách đen tại Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, một doanh nhân công nghệ khác đang tiến gần đến việc gia nhập vào phần còn lại của nhóm "bad boy". Đó là Wang Sicong, con trai của một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc và là một nhân vật quan trọng trong ngành công nghiệp eSports. Mới đây, anh đã bị xác định là đang mang trên mình số nợ lên tới hơn 21,4 triệu USD.

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM