Từ vị thế chuyên đi sao chép, các thương hiệu Trung Quốc đang đẩy Apple và Samsung ra khỏi đất nước tỷ dân như thế nào?

20/10/2017 21:02 PM | Kinh doanh

Từng là những kẻ bám đuôi vô danh, giờ đây các thương hiệu Trung Quốc đang dần đẩy hai ông lớn Samsung và Apple vào tình thế khó khăn tại thị trường lớn nhất hành tinh này.

Sau một năm rưỡi trải nghiệm với chiếc iPhone 6S hồng, cô sinh viên mới tốt nghiệp ở Thượng Hải, Jiang Xinyi đã quyết định nói lời từ biệt với Apple, và đổi sang một thương hiệu khác. Trong mắt hàng triệu ngưởi trẻ tuổi ở Trung Quốc, Apple là biểu tượng cho các sản phẩm sang trọng nhưng có giá hợp lý nhất.

Chiếc điện thoại mà cô sinh viên 23 tuổi này chọn lựa là chiếc Huawei Nova 2, smartphone với cụm camera kép được Huawei Technologies của Trung Quốc giới thiệu vào giữa năm nay có mức giá 2.899 Nhân dân tệ (NDT), khoảng 441 USD – bằng 2/3 giá của chiếc iPhone 6S.

Từ vị thế chuyên đi sao chép, các thương hiệu Trung Quốc đang đẩy Apple và Samsung ra khỏi đất nước tỷ dân như thế nào? - Ảnh 1.

Khi chiến lược giá hợp lý đánh bại trải nghiệm đắt đỏ

Tôi không quan tâm đến thương hiệu nữa. Tôi chỉ muốn một chiếc điện thoại giúp tôi chụp được những bức selfie đẹp và có đủ bộ nhớ cho nhạc và phim của mình. Chiếc điện thoại Huawei mang đến chính xác những gì tôi muốn với mức giá rất hợp lý.” Cô còn bổ sung thêm rằng, nhiều người bạn của cô, những người từng dùng iPhone cũng đang theo xu thế này – chấp nhận một sản phẩm “đủ tốt” thay vì một "siêu phẩm siêu đắt đỏ".

Cho dù Jiang không phải là một fan điển hình cho các sản phẩm của Apple ở Trung Quốc, nhưng trường hợp của cô cũng đủ để minh họa tại sao người khổng lồ công nghệ giá trị nhất thế giới này đang dần thất thủ trước các đối thủ người Trung Quốc ở thị trường smartphone lớn nhất hành tinh.

Từ vị thế chuyên đi sao chép, các thương hiệu Trung Quốc đang đẩy Apple và Samsung ra khỏi đất nước tỷ dân như thế nào? - Ảnh 2.

Khi các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đi lên trong chuỗi cung cấp toàn cầu và loại bỏ hình ảnh về những người sao chép rẻ tiền, người tiêu dùng ở Trung Quốc đã có thể thưởng thức các công nghệ, vốn chỉ xuất hiện trên những chiếc iPhone X giá 1.000 USD của Apple, nhưng với mức giá rẻ hơn hẳn. Xu hướng này là một thách thức đáng lo ngại với Apple khi họ đang cố lấy lại đà tăng trưởng của mình tại thị trường mà họ xem là quan trọng nhất ở nước ngoài.

Theo Mo Jia, nhà phân tích tại Thượng Hải thuộc hãng tư vấn công nghiệp Catalys, cho biết. “Các thương hiệu Trung Quốc như Huawei, Oppo và Vivo có thể cạnh tranh mặt đối mặt với Samsung và Apple ở thị trường cấp cao bằng những chiếc điện thoại chỉ có mức giá khoảng 500 USD, cho dù trên thực tế, họ vẫn còn một khoảng cách khá xa phía sau Apple trong phân khúc thị trường siêu cao cấp với mức giá hơn 600 USD.”

Một nghiên cứu của hãng Counterpoint Technology cũng chỉ ra rằng, trong quý đầu tiên của năm nay, trong số top 10 smartphone thuộc phân khúc cao cấp có giá trên 4.000 NDT bán chạy ở thị trường Trung Quốc, có đến 4 mẫu thiết bị của các nhà sản xuất trong nước so với 5 mẫu thiết bị từ Apple và một mẫu của Samsung.

Từ vị thế chuyên đi sao chép, các thương hiệu Trung Quốc đang đẩy Apple và Samsung ra khỏi đất nước tỷ dân như thế nào? - Ảnh 3.

3

Các fan siêu trung thành của Apple sẽ thấy rất khó khăn khi chuyển sang những chiếc Android khác, khi iPhone là thiết bị duy nhất có thể hoạt động liền mạch với hệ sinh thái Apple. Nhưng với một số người không quá trung thành như vậy, những người coi trọng giá trị hơn trải nghiệm người dùng, đó lại là câu chuyện khác.” Ông Jia cho biết.

Đầu tháng Chín, ông Apple giới thiệu ba mẫu iPhone mới – iPhone 8 và iPhone 8 Plus, hai thiết bị nâng cấp so với các phiên bản năm ngoái và một chiếc siêu cao cấp iPhone X có giá đến 8.388 NDT ở Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, thành công trong tương lai của Apple tại Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu thay thế thiết bị từ những người dùng hiện tại. Năm ngoái, có đến 2,33 tỷ chiếc smartphone lưu thông tại quốc gia này.

Gia tăng mức độ trung thành người dùng bằng đi đầu trong sáng tạo

Theo một báo cáo do công ty nghiên cứu thị trường Penguin Intelligence thuộc hãng Tencent Technologies công bố vào giữa tháng Chín vừa qua, cho dù được xem là thương hiệu smartphone thỏa mãn người dùng nhất, Apple chỉ đứng thứ hai về độ trung thành của người dùng tại Trung Quốc, xếp sau Huawei Technologies.

Từ vị thế chuyên đi sao chép, các thương hiệu Trung Quốc đang đẩy Apple và Samsung ra khỏi đất nước tỷ dân như thế nào? - Ảnh 4.

2

Báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát 73.907 người dùng internet Trung Quốc, cho thấy mức độ trung thành đối với thương hiệu Apple tại nước này đang sụt giảm. Chỉ có 65,7% người dùng iPhone cho biết có thể họ sẽ vẫn chọn thương hiệu này cho chiếc điện thoại tiếp theo của mình, thấp hơn hẳn so với con số 72,8% của người dùng Huawei.

Báo cáo cũng cho biết thêm, khoảng 41,6% người dùng từ bỏ iPhone sẽ chọn cho mình chiếc điện thoại của Huawei, tiếp theo đó là Samsung, Xiaomi, Oppo và Vivo.

Neil Mawston, giám đốc điều hành mảng chiến lược thiết bị không dây tại hãng Strategy Analytics, cho biết. “Chúng tôi kỳ vọng chiếc iPhone X có thể làm chậm lại, chứ không thể ngăn chặn đà trượt giảm của Apple ở Trung Quốc.” Trong một bài đăng gần đây trên blog, ông cho rằng iPhone X sẽ làm hài lòng người hâm mộ Apple, nhưng nó phải vật lộn để gây kinh ngạc cho người sở hữu Android, khi các thiết bị cao cấp của họ đã được tích hợp nhiều tính năng tương tự từ lâu.

Từ vị thế chuyên đi sao chép, các thương hiệu Trung Quốc đang đẩy Apple và Samsung ra khỏi đất nước tỷ dân như thế nào? - Ảnh 5.

1

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn IDC, quý thứ hai vừa qua, Apple đứng thứ năm tại Trung Quốc, với thị phần tính theo lượng hàng xuất xưởng sụt giảm từ 13,6% của năm 2015 xuống chỉ còn 7,1%. Cùng lúc đó, bốn thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc có tổng mức thị phần tăng từ 46,1% của năm 2015 lên tới 66% trong quý hai vừa qua.

Jin Di, giám đốc nghiên cứu IDC Trung Quốc, cho rằng sự trỗi dậy của các thương hiệu Trung Quốc có sự đóng góp của các nỗ lực sáng tạo mạnh mẽ hơn. “So với Apple, công ty luôn có tiếng trong việc mang đến trải nghiệm người dùng tốt nhất, các thương hiệu Trung Quốc đã tích cực đánh bóng bản thân như là người đầu tiên mang đến các tính năng sáng tạo.” Bà cho biết.

Từ vị thế chuyên đi sao chép, các thương hiệu Trung Quốc đang đẩy Apple và Samsung ra khỏi đất nước tỷ dân như thế nào? - Ảnh 6.

Top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc tính theo thị phần.

Chiếc iPhone X của Apple là thiết bị đầu tiên của công ty được trang bị màn hình tràn cạnh không viền và các tính năng công nghệ như camera kép và sạc không dây. Nhưng không tính năng nào trong số chúng là mới đối với các thương hiệu Trung Quốc.

Ví dụ như Xiaomi – công ty thường được ví như Apple của Trung Quốc – đã ra mắt chiếc Mi Mix 2 cao cấp chỉ một ngày trước buổi giới thiệu sản phẩm của Apple. Chiếc điện thoại này là thế hệ thứ hai của một thiết bị do nhà thiết kế Philippe Starck phát triển với một bộ khung bằng ceramic và màn hình không viền chiếm gần hết mặt trước.

Từ vị thế chuyên đi sao chép, các thương hiệu Trung Quốc đang đẩy Apple và Samsung ra khỏi đất nước tỷ dân như thế nào? - Ảnh 7.

Chiếc Xiaomi Mi Mix 2 ra mắt một ngày trước khi Apple giới thiệu sản phẩm.

Trong khi đó, Huawei, với tham vọng vượt qua cả Apple và Samsung, đã tuyên bố họ là công ty đầu tiên giới thiệu công nghệ camera kép. “Giờ nó là một tính năng phải có đối với những nhà sản xuất lớn trên toàn cầu.” Giám đốc điều hành luân phiên của Huawei, Guo Ping cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây.

Cho dù Samsung và Apple vẫn là hai nhà cung cấp hàng đầu thế giới khi tính theo lượng xuất xưởng, nhưng theo Counterpoint Technology, các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, để chiếm lấy gần một nửa lượng xuất xưởng smartphone của thế giới.

Ông Mawston từ Strategy Analytics, cho biết. “Các thương hiệu Trung Quốc đã có màn trình diễn tuyệt vời tại sân nhà Trung Quốc, và họ đã sử dụng thành công đó như một bàn đạp để tấn công ra bên ngoài thế giới.”

Tham khảo SCMP


Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM