Người phụ nữ quyền lực thứ 12 thế giới này chính là niềm hy vọng cứu vãn doanh số Apple tại Trung Quốc
Huyền thoại Steve Jobs từng tốn rất nhiều công sức để đưa Isabel Ge Mahe về Apple, và giờ cô trở thành niềm hy vọng cho Táo khuyết ở thị trường đông dân nhất thế giới.
Đầu năm 2008, CEO Steve Jobs ngỏ lời với Isabel Ge Mahe tới nhà ông để trò chuyện và cùng dùng bữa. Đó không phải cuộc hẹn bình thường mà thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của Táo khuyết muốn lôi kéo cho bằng được Mahe về đầu quân cho mình. Thời điểm đó, cô là Phó Chủ tịch phụ trách phần mềm không dây tại Palm. Nữ kỹ sư đang nổi đình nổi đám tỏ ra do dự trước lời mời gọi của huyền thoại Steve Jobs.
Isabel Ge Mahe là người phụ nữ quyền lực thứ 12 thế giới
“Tôi đã gây dựng nên nhóm công nghệ không dây ở Palm từ rất lâu, và lúc đó chúng tôi đang cố vực dậy thương hiệu Palm”, Mahe chia sẻ. Còn Jobs, đương nhiên ông không mong chờ câu trả lời khước từ.
Vì vậy, ông quyết định tấn công để săn cho bằng được người mình muốn. Mahe đã ấn tượng với cách “thực dụng” của đồng sáng lập Apple khi “diện kiến”.
Có điều khiến cô lưu tâm, rằng Jobs chẳng đả động gì tới món ăn trong buổi gặp mặt. “(Chúng tôi) chỉ uống nước cả hai tiếng đồng hồ. Đó là chút gì đó thay đổi (so với lời mời)”, Mahe cười khi nhớ về khoảnh khắc đó.
Thứ ông ấy nhắc tới chỉ toàn về công việc. Jobs muốn cô xây dựng một đội chuyên tập trung vào công nghệ không dây cho iPhone. Lúc đó, ông viện dẫn về câu chuyện mà bản thân đã trải qua. Jobs kể với Mahe về người hàng xóm của mình, một cậu thiếu niên muốn nâng cấp từ chiếc Volkswagen lên chiếc Ferrari. Dù vậy đến cuối cùng, tất cả hàng xóm nơi khu ông ở đầu sở hữu Volkswagen “bình dân”.
“Ông ấy đang cố nói với tôi rằng dù tôi làm gì, Palm vẫn luôn là Palm”, Mahe nói. Cuối cùng, cô đã chọn theo đuổi ước mơ “Ferrari”. Cuối năm đó, Mahe bắt đầu làm việc cho Apple.
Hiện tại, khi đang ở tuổi 43, Mahe đang đảm nhiệm vai trò quan trọng mới ở Apple: Tháng 7, CEO Tim Cook đã bổ nhiệm cô vào vị trí Phó chủ tịch và Giám đốc Điều hành đầu tiên của Apple tại Trung Quốc đại lục, Hongkong và Đài Loan.
CEO Tim Cook trao cho Mahe thử thách mới
Các khu vực bán hàng khác của Apple không có Giám đốc Điều hành. Công ty tự hào với cấu trúc tổ chức theo “chức năng”, gồm các nhóm phân theo đặc thù công việc họ làm chứ không phải vị trí. Nhưng đến lúc Apple phải nghĩ khác ở thị trường Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rất quan trọng đối với tương lai của Táo khuyết và lúc này, hoạt động kinh doanh ở đây đang đi sai hướng. Quý gần nhất, khu vực này chiếm 18% doanh thu của Apple, giảm đáng kể so với đỉnh điểm 29% đầu năm 2015.
Đây là quý thứ 6 liên tiếp doanh số của Apple giảm. Hãng hy vọng mẫu iPhone 8 và iPhone X vừa ra mắt sẽ đảo ngược tình hình. Tất cả đều trông chờ vào Mahe bởi cô thông thạo tiếng Hoa. Công việc mới cũng mang ý nghĩa đối với cá nhân cô như chuyến trở về sau quãng thời gian đi xa.
Mahe nằm trong danh sách 12 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Cha của cô luôn mong con gái mình hồi hương.
Khi Mahe 16 tuổi, ông đã có ý định chuyển từ Thẩm Dương, Trung Quốc đến Canada. “Ông ấy nhận thấy có một nền giáo dục Đại học ở phương Tây có thể giúp tôi trong sự nghiệp sau này”, cô nói. Họ vẫn giữ nguyên ý định dù bố Mahe mất việc tư vấn khai thác mỏ.
Cha cô từ Giáo sư Đại học ở Trung Quốc đã không nề hà khó nhọc làm những công việc chân tay như giao bánh pizza, trông coi trường học để Mahe có thể đến trường. Sau khi lấy tấm bằng kỹ sư điện tại Đại học Simon Fraser, cô đã làm việc cho Philips Semiconductors và Palm, cùng một số vị trí khác.
Khi Mahe đến Apple vào năm 2008, nhóm không dây của nhà Táo chỉ có 25 người và giờ đã đạt lên con số 1.200. Ngoài vai trò xây dựng team của mình, Mahe còn đóng góp tích cực vào dấu ấn nơi các sản phẩm như iPad, Mac và Apple Watch, đồng thời hỗ trợ phát triển các dịch vụ như Apple Pay. Trên cương vị mới, cô cần phát huy hết tất cả những kinh nghiệp đã trải qua từ trước tới nay.
Lối vào Apple Store ở Thượng Hải
Mo Jia, nhà phân tích đến từ công ty Canalys ở Thượng Hải thẳng thắn chia sẻ, các phiên bản iPhone gần đây không gây ấn tượng với người dùng Trung Quốc. Đồng thời, công nghệ sản xuất smartphone nội địa đang có những tiến bộ vượt bậc. Huawei, Oppo, Vivo hay Xiaomi đã tạo ra các sản phẩm đầy tính cạnh tranh với giá thấp, phần nào đó hút hết khách hàng của Apple.
Theo thống kê quý II/2017, Apple chỉ xếp vị trí thứ 5 trên thị trường smartphone Trung Quốc dựa trên lượng hàng bán ra.
Jia dự đoán phiên bản iPhone X sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng Trung Quốc. Nhưng theo chuyên gia này, mức giá cao sẽ là rào cản không nhỏ. Trong khi, iPhone 8 và 8 Plus dù có giá thấp hơn nhưng lại ở phân khúc đầy tính cạnh trạnh khi phải đối đầu với các sản phẩm mới của Huawei và Xiaomi .
Mahe tin tưởng nhiều tính năng mới trên iPhone sẽ phục vụ tốt hơn cho khách hàng Trung Quốc. Ví dụ hệ điều hành iOS 11 cho phép người dùng sử dụng số điện thoại để đăng nhập Apple ID thay vì dùng địa chỉ email vốn không thịnh hành ở đây. Phiên bản mới đồng thời hỗ trợ quét mã QR, hình thức mà ngay cả người ăn xin cũng biết dùng.
Apple quyết tâm giành vị thế lớn hơn tại Trung Quốc. Công ty hứa hẹn mở Trung tâm dữ liệu dành riêng cho thị trường này, đồng thời đầu tư xây dựng 4 trung tâm R&D và rót 1 tỷ USD vào dịch vụ chia sẻ xe Didi Chuxing, chưa kể 12.000 nhân viên trải khắp đất nước.
Mahe hiểu rõ cô cần tạo lập các mối quan hệ kinh doanh và tăng cường hợp tác với chính phủ địa phương. Hồi cuối tháng 7, Apple đã gỡ một số ứng dụng VPN khỏi App Store như dấu chỉ tuân thủ chính sách “Vạn lý tường lửa” của Trung Quốc.
Tương tự, hãng đã xóa ứng dụng New York Times vào tháng 12 năm ngoái sau khi có yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc. Những động thái này thu hút sự chú ý của dư luận. Mahe hiểu rằng, kinh doanh ở Trung Quốc phải tuân thủ theo luật riêng. Bù lại, Apple sẽ nhận lại những lợi ích hấp dẫn.
Sau tất cả, Mahe không chỉ coi vai trò mới của mình là một công việc mà còn trở thành cơ hội cho cuộc hồi hương. Cô luôn mong muốn trở lại quê hương theo nguyện vọng của cha mình. “Tôi nghĩ đó là lúc tôi có thể quay và đóng góp thứ gì đó cho quê hương”, Mahe chia sẻ.