Không chấp nhận số phận nghèo khó và chuyện "kết hôn, sinh con, quanh quẩn trong làng": Người phụ nữ này đã trở thành tỷ phú ra sao?

21/07/2017 19:16 PM | Kinh doanh

Phải lao động vất vả từ nhỏ, bỏ học từ năm 16 tuổi nhưng không ai ngờ bà Zhou Qunfei lại có thể trở thành nữ tỷ phú tự thân lập nghiệp giàu có nhất thế giới, sở hữu giá trị tài sản ròng lên tới 8 tỷ USD (theo số liệu thống kê của Bloomberg Billionaires Index và Forbes).

Tháng 3 vừa qua, bà Zhou Qunfei được công nhận là nữ tỷ phú giàu có nhất và cũng là người trẻ tuổi nhất trong danh sách 56 nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới. Bà là người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty Lens Technology, chuyên về công nghệ sản xuất mặt kính sử dụng cho các thiết bị điện tử. Công ty của bà Zhou là đối tác của nhiều thương hiệu lớn như Samsung và Apple.

Tuy nhiên, ít ai biết được, để có được thành công lớn như ngày hôm nay, bà Zhou từng có một tuổi thơ cơ cực và vất vả khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Zhou Qunfei xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp nghèo nàn, sống tại ngôi làng hẻo lánh ở Trung Quốc. Vừa tròn 5 tuổi, bà Zhou đã mồ côi mẹ trong khi cha thì bị mù một bên mắt, mất một cánh tay do tai nạn lao động. Vì thế mọi việc trong nhà đều do bà Zhou gánh vác. Bà phải chăn nuôi cả đàn heo, vịt để kiếm miếng cơm manh áo nuôi sống cả gia đình.

Đến năm 16 tuổi, cùng vì hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn nên bà Zhou buộc phải nghỉ học. Lúc đó, bà Zhou may mắn được nhận vào làm công nhân trong xưởng sản xuất mặt kính. Mặc dù điều kiện công việc vô cùng khắc nghiệt nhưng bà cũng chỉ nhận được đồng lương ít ỏi 1$/ngày.

“Tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Nhưng đôi khi vì muốn kiếm được nhiều tiền hơn nên tôi đã xin làm tăng ca đến tận 2 giờ sáng ngày hôm sau”, bà Zhou chia sẻ.

Nhìn hoàn cảnh khó khăn của bà Zhou ai cũng sẽ nghĩ rằng bà sẽ mãi làm một công nhân lao động khổ sai, vất vả. Nhưng không, bà Zhou Qunfei không chịu thua trước số phận khốn khó của mình. Năm 22 tuổi, bà nảy ra ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh. Khi đó, bà đã tiết kiệm được số vốn nho nhỏ, ước chừng 3.000 USD. Bà Zhou bắt đầu thuyết phục vài người họ hàng cùng hợp tác mở cơ sở sản xuất mặt kính đồng hồ.

Vì đã dồn hết số tiền tiết kiệm được vào công việc kinh doanh nên bà Zhou buộc phải sinh sống ngay trong xưởng làm việc cùng với anh chị em họ. Mặc dù, cơ sở sản xuất mặt kính đồng hồ của bà vẫn nhận được khá nhiều đơn hàng nhưng sự nghiệp kinh doanh của bà Zhou chỉ thật sự “phất lên” khi bà quyết định chuyển hướng kinh doanh, chế tạo màn hình kính cho điện thoại di động thay vì mặt kính đồng hồ như trước.

Quyết định liều lĩnh ở tuổi 22 đã giúp bà Zhou Qunfei trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ và giàu có nhất thế giới như ngày hôm nay.

Quyết định có phần táo bạo và liều lĩnh này đã thành công mang lại cho bà Zhou nhiều bản hợp đồng làm ăn với các công ty lớn. Bắt đầu là công ty sản xuất điện thoại di động Motorola, sau đó lần lượt các thương hiệu có tiếng khác như HTC, Nokia, Samsung và ngay cả “táo khuyết” Apple cũng hợp tác với công ty Lens Technology của bà Zhou. Những bản hợp đồng “đắt giá” này đã đẩy giá trị của công ty lên tới hàng tỷ USD, trở thành thương hiệu đứng đầu về lĩnh vực sản xuất mặt kính cho điện thoại di động. Và cũng nhờ thế mà bà Zhou nghiễm nhiên trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất thế giới ở tuổi 47.

Bà Zhou thừa nhận việc điều hành và giám sát cả một doanh nghiệp không phải điều đơn giản, đặc biệt là với một người phụ nữ như bà. Bà Zhou đã nỗ lực và chăm chỉ làm việc đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong xưởng sản xuất vì mong muốn phát triển công ty ngày càng lớn mạnh hơn. Và rõ ràng mọi khó khăn của bà Zhou đã được đền đáp xứng đáng. Công ty Lens Technology đã mở rộng thêm 32 nhà máy trên khắp quốc gia với hơn 74.000 nhân công, khẳng định được vị trí và danh tiếng trên thị trường sản xuất mặt kính điện thoại di động và các thiết bị điện tử.

Khi được hỏi điều gì khiến bà quyết định khởi nghiệp kinh doanh, bà Zhou cũng thẳng thắn chia sẻ rằng bà không chấp nhận số phận, không nghe theo lựa chọn duy nhất của mọi phụ nữ thời bấy giờ: kết hôn, sinh con và dành cả đời quanh quẩn trong làng. Bà không muốn đi theo con đường mòn đó. "Tôi lựa chọn kinh doanh và tôi không hối tiếc", bà Zhou nói.

Theo Nguyễn Linh

Cùng chuyên mục
XEM