TS. Cấn Văn Lực: Trong 200.000 tỷ đồng được “bơm” vào nền kinh tế, khoảng 40.000 tỷ sẽ dành cho bất động sản

10/12/2022 11:03 AM | Kinh doanh

Chuyên gia Cấn Văn Lực ước tính trong số 200.000 tỷ đồng vốn được đưa vào nền kinh tế nhờ nới room tín dụng, khoảng 40.000 tỷ sẽ dành cho thị trường bất động sản. Ông tin rằng dòng tiền này sẽ không chảy vào đầu cơ.

TS. Cấn Văn Lực: Trong 200.000 tỷ đồng được “bơm” vào nền kinh tế, khoảng 40.000 tỷ sẽ dành cho bất động sản - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: VTV.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống ngân hàng. Theo tính toán, khoảng 240.000 tỷ đồng vốn sẽ được đưa thêm vào nền kinh tế. Nhiều người kỳ vọng các ngân hàng sẽ dành vốn cho người mua nhà để ở thật, từ đó thị trường nhà đất ít nhiều cũng được tiếp sức.

Trong chương trình Landshow số 32 của VTV Money với chủ đề “Ngân hàng nới room, bất động sản khởi sắc?”, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chỉ ra 3 lý do khiến NHNN quyết định cấp thêm 1,5-2% tín dụng năm nay.

"Thứ nhất là tình hình bên ngoài tương đối ổn. Vấn đề lạm phát, lãi suất và tỷ giá trên toàn cầu đã giảm nhiệt rất nhiều. Tôi theo dõi thấy lạm phát của một số nước, nhất là Mỹ đã qua đỉnh từ hồi tháng 8. Châu Âu cũng qua đỉnh từ tháng 10. Vì vậy, tốc độ tăng lãi suất của các nước trên thế giới bắt đầu giảm, dẫn đến áp lực tỷ giá với VNĐ giảm nhiệt rất mạnh trong tháng 11 vừa qua", ông Lực phân tích.

Lý do thứ hai ông đưa ra là thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng đã được cải thiện, dòng tiền của người dân quay lại gửi ngân hàng nhiều hơn. Thứ ba, nhu cầu vốn vào cuối năm của doanh nghiệp rất lớn.

"Giả sử lượng vốn tín dụng bình quân hiện nay khoảng 20% dành cho thị trường bất động sản, trong đó 67% cho vay mua nhà, còn lại 33% cho vay để đầu tư như số liệu đã báo cáo. Nếu theo số liệu đó, khoảng 40.000 tỷ đồng trong số 200.000 tỷ đồng có thể sẽ dành cho thị trường bất động sản. Đó là lượng tiền rất lớn", ông Lực ước tính.

Chuyên gia kinh tế này nhắc lại thời điểm năm 2013, gói giải cứu bất động sản khi đó là 30.000 tỷ, thấp hơn con số 40.000 tỷ, nhưng thị trường cũng bắt đầu bứt phá. “Đôi khi điều này tạo ra niềm tin. Người dân, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư trở lại, sẵn sàng xuống tiền”, ông nói.

Ông Lực cho rằng dòng vốn sẽ đi vào cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản tương đối nhanh, cũng không quá lo lắng về việc dòng tiền đi vào những chỗ đầu cơ.

"Đối với những hồ sơ đang chờ giải ngân, cả hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp đã rà soát rất kỹ trong thời gian qua. Đương nhiên những hồ sơ này phải tốt về pháp lý và đáp ứng nhu cầu thật. Bây giờ, nếu cho vay đầu cơ thì cả những người đầu cơ lẫn cho vay đều gặp rủi ro bởi tương lai bất định, lãi suất cao, chưa kể thị trường chưa biết sẽ đi theo hướng như thế nào, và còn tùy phân khúc", ông Lực giải thích.

"Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý rằng tính chất giải ngân ở đây là ai đến trước được giải ngân trước. Nên 40.000 tỷ đồng ở đây có điều kiện là hồ sơ có sẵn, đầy đủ về pháp lý và đáp ứng nhu cầu thực", ông nói thêm.

Bà Đinh Thúy Hương – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Tân Hương Phát cho biết trong thời gian qua, nhu cầu mua nhà của khách vẫn nhiều, nhưng họ vô cùng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

"Doanh nghiệp của tôi có khoảng 50 hồ sơ xếp hàng chờ giải ngân. Trước đây có tới 35-40 hồ sơ có thể được giải ngân, nhưng hiện tại tỷ lệ chỉ được 10 hồ sơ thôi. Lần này room tín dụng về chắc không dành cho những khách mới, bởi những hồ sơ cũ đang xếp hàng rồi. Tình hình chưa được như khách hàng kỳ vọng, nhưng cũng đã dễ thở hơn", bà Hương cho hay.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM