Trước trận Việt Nam - Nhật Bản: Khi những chiến binh samurai vứt bỏ thanh katana, sử dụng thứ vũ khí nguy hiểm hơn để vô địch
Nhật Bản tại Asian Cup 2019 khác hoàn toàn so với những gì CĐV dự đoán. Nhưng đáng sợ hơn, đó mới là bộ mặt nguy hiểm nhất của những chiến binh samurai.
ĐT Nhật Bản từ trước đến nay luôn được biết đến nhờ lối chơi ban bật bóng ngắn đẹp mắt. Họ sở hữu những cầu thủ đầy kỹ thuật, xây dựng cho mình một bản sắc tấn công riêng. Có thể chính vì vậy, họ được so sánh với những chiến binh samurai múa katana, đọ tài với đối thủ một cách hoa mỹ như trong những bộ phim điện ảnh. Nhưng sự thật thanh kiếm sắc bén đó không phải thứ nguy hiểm nhất của họ.
Món vú khí đặc dị của những samurai Nhật, "con át chủ bài" có tên "nhu thuật", môn võ tập trung nhiều vào những đòn thế khóa chân, khóa tay, khóa cổ siêu hữu dụng trong những trận đấu tay đôi một mất một còn.
Đáng sợ hơn, samurai sẽ chỉ sử dụng nó khi muốn kết liễu đối thủ, đặt dấu chấm hết cho trận đấu. Thật trùng hợp khi tại Asian Cup năm nay, Nhật Bản không còn chơi hoa mỹ như múa katana mà trực diện hơn, không đan bóng nhiều mà phát triển bóng nhanh hơn. Dường như, họ đã quyết định sử dụng đòn "nhu thuật" nổi tiếng đó để tiêu diệt mọi đối thủ ở giải đấu năm nay, qua đó bước lên ngôi vị số một.
Ông Moriyasu, người đem tinh túy thực sự của samurai trở lại ĐTQG Nhật Bản.
Đã 8 năm kể từ lần gần nhất Nhật Bản vô địch Asian Cup . Có lẽ, thất bại cay đắng trước UAE ở giải đấu năm 2015 đã khiến người Nhật nhìn nhận lại lối chơi mà từ trước đến nay họ vẫn luôn tự hào.
Tấn công đẹp mắt nhưng không có danh hiệu thì mọi nỗ lực cũng không được ghi nhận, cũng giống như việc múa katana đẹp đến mấy nhưng không thể giành thắng lợi. Đó là thời điểm ông Hajime Moriyasu quyết định một cuộc cải tổ nhằm đem về vinh quang cho đất nước ở giải đấu năm nay.
Trong chiến dịch vòng bảng, Nhật Bản được đánh giá cao hơn mọi đối thủ, từ Turkmenistan, Oman đến Uzbekistan. Tuy nhiên, họ chơi không vượt trội hoàn toàn so với những đội còn lại. 3 trận đấu trong chiến dịch vòng bảng, Nhật Bản chỉ giành những thắng lợi sát nút và thậm chí còn bị đánh giá dựa quá nhiều vào yếu tố may mắn.
Nhưng sự đáng sợ đến ở việc họ biết cách tận dụng sai lầm, tung ra những món đòn hiểm hóc để hạ gục đối thủ. Đó là lối chơi thực dụng, thứ không được lòng CĐV, những chuyên gia phân tích nhưng đem lại hiệu quả đến kinh ngạc. Đó là đỉnh cao của "nhu thuật".
Trận đấu giữa với Saudi Arabia chẳng hạn. Nhật Bản nhường đối phương quyền giữ bóng, kiểm soát khu vực trên sân. Trong cả trận Nhật Bản chỉ có 2 tình huống dứt điểm trúng khung thành nhưng một trong số đó là tình huống ghi bàn duy nhất của trận đấu.
Trong những phút còn lại, sự cố gắng của Saudi Arabia chỉ làm tôn vinh thêm sự già dơ trong lối chơi đối thủ áp dụng. Nên nhớ Saudi Arabia là một trong những đội tuyển từng dự World Cup 2018, sở hữu lối chơi tấn công đẹp mắt và có thành tích khá tốt ở chiến dịch vòng bảng vừa qua. Vậy mà trước Nhật Bản, họ trở thành những đứa trẻ ngây thơ, cố gắng cầm nhiều bóng nhưng cả trận chỉ tung ra 1 cú dứt điểm trúng đích.
Nhật Bản cầm bóng 23%, cả trận dứt điểm trúng đích 2 lần vẫn thắng Saudi Arabia.
So với đội hình từng suýt nữa làm nên chuyện tại World Cup 2018 trước ĐT Bỉ, Nhật Bản đã không còn những ngôi sao tấn công xuất sắc như Shinji Kagawa, Keisuke Honda và Shinji Okazaki. Nhưng cũng nhờ vậy mà HLV Moriyasu được thoải mái sử dụng những cầu thủ trẻ tiềm năng và áp dụng triết lý bóng đá của mình.
Trong chiến dịch vòng bảng, ông Moriyasu lần lượt gọi tên 24 cầu thủ khác nhau nhưng vẫn có 9 điểm tuyệt đối, chưa tung ra đội hình mạnh nhất có thể nhưng gặt hái thành tích tốt nhất có thể. Ngày hôm nay, ghế dự bị của họ vẫn còn tiền vệ kỳ cựu Takashi Inui, ngôi sao tấn công Yuya Osako. Đó là đẳng cấp, sự bí hiểm của Nhật Bản mà Việt Nam cần phải đối mặt trong trận đấu sắp tới.
Nhật Bản ở giải đấu năm nay không hề yếu hơn. Họ chỉ đang thay đổi để trở thành những nhà vô địch thực thụ.