Trung Quốc và thế khó trong đầu tư "Một vành đai, Một con đường"

21/05/2017 09:15 AM | Xã hội

Nghiên cứu của hãng Natixis cũng cho thấy nếu muốn đầu tư dự án 5 nghìn tỷ USD thì Trung Quốc phải có mức tăng trưởng 50% trong mảng tín dụng quốc tế. Điều này khiến tỷ lệ nợ nước ngoài của Trung Quốc sẽ tăng mạnh từ 12% GDP lên hơn 50% GDP, trừ khi nước này có thể kêu gọi các chủ nợ khác cùng tham gia dự án.

Mới đây, buổi họp mặt của các lãnh đạo thế giới tại Bắc Kinh về kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc đã thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia. Với cuộc gặp mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Chủ tịch Tập Cận Bình cùng những cam kết về tài chính và thương vụ, dự án này của Trung Quốc được dự đoán sẽ đóng vai trò to lớn trong nền thương mại toàn cầu.

Dẫu vậy, hãng tin Bloomberg nhận định khả năng đảm bảo nguồn vốn của dự án này còn là một nghi vấn. Trung Quốc cho biết khoảng gần 900 tỷ USD các dự án đang được thi công với khoản chi phí ước tính lên đến 4-8 nghìn tỷ USD.

Trong cuộc họp vừa qua, Chủ tịch Tập tiếp tục kêu gọi nguồn tài chính 78 tỷ USD nữa cho dự án xây dựng các cơ sở hạ tầng “Một vành đai, Một con đường”.

Vấn đề ở đây là tất cả những khoản tiền mà Trung Quốc thông báo mới chỉ được xác nhận từ một bên và chưa có thông kế chính thức nào của tổ chức thứ 3 về khoản tài chính này. Thêm vào đó, việc chi một lượng tiền lớn như vậy sẽ khiến Trung Quốc gặp khó với các mục tiêu kinh tế khác.

Đầu tiên, câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là khoản tài chính cho các dự án trên sẽ được dùng bằng đồng tiền nào. Việc dùng đồng Nhân dân tệ sẽ khiến đồng tiền này trở nên toàn cầu hóa hơn nhưng điều này cũng khiến gia tăng lượng tiền mặt ở nước ngoài cũng như ảnh hưởng đến tỷ giá Nhân dân tệ trên toàn cầu.

Tuy vậy, cho đến nay có vẻ chính quyền Bắc Kinh không quan tâm mấy đến ảnh hưởng tỷ giá khi dự trữ ngoại hối và thặng dư thương mại của họ đủ lớn để chống đỡ cho thị trường tiền tệ một thời gian nữa.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là các nước nằm trong dự án trên của Trung Quốc cần phải có thặng dư thương mại với quốc gia này nhằm có tiền trả các khoản nợ đầu tư bằng Nhân dân tệ trước đó. Tuy nhiên, Bloomberg Intelligence cho biết Trung Quốc đang có thặng dư thương mại 250 tỷ USD với những nước trong dự án “Một vành đai Một con đường” năm 2016.

Hệ quả là những nước như Sri Lanka hay Pakistan sẽ khó lòng trả nợ bằng đồng Nhân dân tệ khi họ có thâm hụt thương mại tương ứng 2 tỷ USD và 9 tỷ USD với Trung Quốc.

Nếu xem xét đầu tư các dự án trên bằng đồng USD thì Trung Quốc đang ở thế khó bởi đây là đồng ngoại tệ với họ. Do đó, ngoài việc sử dụng kho dự trữ ngoại hối 3 nghìn tỷ USD hoặc cho vay bằng trái phiếu Mỹ thì Trung Quốc không có nhiều lựa chọn và gặp khá nhiều hạn chế.

Tồi tệ hơn, con số 3 nghìn tỷ nghe có vẻ nhiều nhưng con số khả dụng chỉ vào khoảng vài trăm tỷ cho đến 1 nghìn tỷ USD. Trung Quốc hiện cần ít nhất 900 tỷ USD để đối phó với các khoản nợ ngắn hạn và khoảng 400-800 tỷ USD cho nhập khẩu trong vòng 3 tháng tới.

Bởi vậy, việc bơm thêm tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng của “Một vành đai Một con đường” bằng đồng USD sẽ khiến nước này cạn kiệt ngoại hối cũng như không đủ tiền để chống đỡ cho đồng Nhân dân tệ và thị trường tài chính.

Hơn nữa, việc đầu tư bằng đồng USD sẽ làm nâng vị thế của Mỹ cũng như khiến các nước trong dự án phải có thặng dư thương mại để hút USD trả nợ cho Trung Quốc. Đây là điều chính quyền Bắc Kinh không muốn thấy và nhiều nước thành viên cũng khó thực hiện.

Nghiên cứu của hãng Natixis cũng cho thấy nếu muốn đầu tư dự án 5 nghìn tỷ USD thì Trung Quốc phải có mức tăng trưởng 50% trong mảng tín dụng quốc tế. Điều này khiến tỷ lệ nợ nước ngoài của Trung Quốc sẽ tăng mạnh từ 12% GDP lên hơn 50% GDP, trừ khi nước này có thể kêu gọi các chủ nợ khác cùng tham gia dự án.

Trung Quốc đã từng lên tiếng mời Nhật Bản cùng tham gia đầu tư nhưng những xung đột về địa chính trị đang khiến việc hợp tác trở nên khó khăn. Trong khi đó, các nước Châu Âu mới đây đã từ chối ký bản thỏa thuận về dự án thương mại của Trung Quốc do lo ngại những vấn đề về tham nhũng và quản lý hành chính kém hiệu quả.

Các ngân hàng Châu Âu cũng đang có thái độ dè chừng với ý tưởng của Trung Quốc bởi hiện vẫn chưa rõ liệu những dự án mà nước này đầu tư có thực sự đem lại lợi nhuận như mong đợi hay chúng chỉ mang ý nghĩ về chính trị.

BT

Cùng chuyên mục
XEM