Không phải Mỹ, Trung Quốc mới là thiên đường tương lai của nền kinh tế chia sẻ

19/05/2017 15:09 PM | Kinh tế vĩ mô

Nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) hiện đang trở thành hiện tượng của phong trào khởi nghiệp thời gian qua và điều đáng ngạc nhiên là Mỹ, nơi nổi tiếng với những startup trong ngành này lại nhiều khả năng sẽ không trở thành thiên đường của loại hình kinh doanh này trong tương lai.

Trong vài tháng trở lại đây, công ty chia sẻ xe đạp Ofo tại Trung Quốc đã thu hút vốn để trở thành startup có giá trị hơn 1 tỷ USD trong khi 3 công ty kinh doanh trong mảng chia sẻ sạc điện thoại là Xiaodian, Hidian và Feichangdian cũng tuyên bố thành công gọi vốn ít nhất 150 triệu USD.

Không dừng lại ở đó, startup Molisan tại Trung Quốc cũng đã cho ra mắt dịch vụ chia sẻ ô đi mưa với khoảng 500.000 chiếc ô đã được chia sẻ tại Quảng Châu trong năm nay. Còn tại Chiết Giang, một startup khác cũng được giới truyền thông chú ý khi ra mắt loại hình chia sẻ bóng rổ cho những người đam mê môn thể thao này nhưng ngại mang bóng.

Đối với nhiều người, những kiểu kinh doanh như thế này nghe có vẻ buồn cười nhưng không thể phủ nhận rằng người Trung Quốc đang làm rất tốt trong nền kinh tế chia sẻ. Rõ ràng, những startup như trên sẽ không gặp nhiều khó khăn khi kêu gọi đầu tư với những thông tin tích cực như vậy.

Trên thực tế, dù loại hình kinh doanh chia sẻ ở Trung Quốc xuất hiện ngay sau khi Uber hay Airbnb ra mắt tại Mỹ nhưng con đường đi của những công ty ở Trung Quốc lại dễ dàng hơn nhiều.

Trung Quốc thậm chí thành lập một trung tâm chuyên nghiên cứu về nền kinh tế chia sẻ mang tên SERC và báo cáo của cơ quan này mới đây cho thấy có khoảng 600 triệu người Trung Quốc đã tham gia ngành kinh tế chia sẻ, tạo ra khoảng 500 tỷ USD trong năm 2016, tăng 103% so với năm 2015.

Các startup của ngành kinh tế chia sẻ cũng đã gọi vốn thành công được 25 tỷ USD năm 2016, tăng 130% so với năm trước. Với đà tăng trưởng này, SERC dự đoán ngành này sẽ tăng bình quân 40% mỗi năm trong vài năm tới và đóng góp hơn 10% trong tổng GDP toàn quốc vào năm 2020.

Những con số này rõ ràng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư cũng như dòng tiền của họ. Vậy tại sao trong khu Uber hay Airbnb chịu nhiều chỉ trích, phản đối tại nước ngoài cùng những điều khoản hạn chế thì các startup ngành kinh tế chia sẻ ở Trung Quốc lại bùng nổ như vậy?

Nguyên nhân đầu tiên là tư tưởng của tầng lớp trẻ Trung Quốc. Thay vì tốn thời gian nghiên cứu, sản xuất một chiếc xe hơi hay pin điện thoại, thế hệ trẻ Trung Quốc chú ý nhiều hơn đến lối sống trẻ cũng như tiết kiệm tiền bạc, thời gian cho đi du lịch hoặc tự xây dựng những startup kinh doanh dịch vụ chia sẻ như trên với thời gian linh hoạt hơn.

Trong khi đó, tầng lớp người cao tuổi Trung Quốc thiếu một mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả và phải phụ thuộc vào trợ cấp của con cháu. Bởi vậy, việc tiết kiệm chi tiêu cũng như sử dụng chia sẻ tài sản trở nên hấp dẫn hơn trong mắt họ.

Bên cạnh đó, khiến nền kinh tế chia sẻ trở nên hấp dẫn tại Trung Quốc là thói quen tiêu dùng của người dân nơi đây đang dần thay đổi. Những vụ làm giả đang khiến người dân Trung Quốc mất niềm tin vào sản phẩm và họ ngày càng chí trọng vào chất lượng.

Hơn nữa, giá nhà đất tăng cao cùng gánh nặng chăm sóc người già khiến tầng lớp trung lưu Trung Quốc tính toán rất kỹ khi chi tiêu. Điều này khiến người tiêu dùng Trung Quốc tập trung vào phân cấp hàng cấp cao nhiều hơn những sản phẩm đại trà và tạo ra 2 hệ quả chính.

Đầu tiên, những chi phí như mua xe có thể được tiết kiệm cho dịch vụ đi xe chung và tiết kiệm tiền cho các chi tiêu xa xỉ khác. Tiếp đó, những dịch vụ chia sẻ hàng xa xỉ như đi xe chung hạng sang, chia sẻ túi váy cao cấp khiến người dân nước này có thể tiết kiệm tiền mua những thứ khác mà vẫn dùng được đồ xa xỉ.

Những tác động này ngày càng lan rộng khi tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày một nhiều.

Thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử lên ngôi

Một nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế chia sẻ ở Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ là do hệ thống thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử được chính phủ hỗ trợ phát triển mạnh. Giao dịch trực tuyến tại Trung Quốc lớn gấp 50 lần so với Mỹ về giá trị.

Hiện nay, hơn một nửa các quỹ đầu tư tại Trung Quốc giao dịch trực tuyến, cao hơn 5% so với năm 2012. Báo cáo của iResearch năm 2016 cũng cho thấy tổng giá trị của các hãng thanh toán điện tử đã tăng gấp 3 lần lên 5,5 nghìn tỷ USD, trong đó Alipay và Wechat Pay là những ứng dụng thống trị thị trường.

Cũng theo báo cáo của iResearch, khoảng 60% số giao dịch trực tuyến của Trung Quốc có sử dụng dịch vụ từ bên thứ 3 và tăng trưởng thanh toán trực tuyến sẽ tăng 7,4 lần từ nay cho đến năm 2019.

Trong khi đó, khảo sát của hãng Tencent Online Media cho thấy khoảng 92% số người sử dụng di động hiện nay ở Trung Quốc dùng thanh toán trực tuyến cho những khoản chi phí thiết yếu.

Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, số liệu của Forrester Research cho thấy thanh toán trực tuyến tại Mỹ chỉ tăng 39% lên 112 tỷ USD và mảng này sẽ chỉ tăng trưởng 2,6 lần từ nay đến năm 2019.


Thanh toán trực tuyến của Trung Quốc vượt xa Mỹ (nghìn tỷ USD)

Thanh toán trực tuyến của Trung Quốc vượt xa Mỹ (nghìn tỷ USD)

Những hình ảnh dùng điện thoại mua vé hay quét mã QR trên smartphone giờ đã quá bình thường ở Trung Quốc.

Thậm chí, kể cả những khoản thanh toán nhỏ đến 0,07 USD cho dịch vụ thuê xe đạp dùng chung cũng được thanh toán qua điện thoại. Đây là lý do cho những startup cho thuê ô đi mưa tồn tại ở Trung Quốc.

Sự bùng nổ của ngành kinh tế chia sẻ Trung Quốc giờ đang lan dần sang các nước Châu Á khác với sự mở rộng thị trường của hàng loạt các công ty công nghệ nước này. Tháng 3 vừa qua, hãng cho thuê xe đạp dùng chung Ofo của Trung Quốc đã tiếp cận thị trường Singapore.

Ngoải ra, rất nhiều startup tại Đông Nam Á là bắt chiếc theo mô hình thành công ở Trung Quốc. Ngay sau khi Ofo thâm nhập thị trường Singapore, một số startup tại đây như Obike cũng mở dịch vụ tương tự để cạnh tranh.

Rõ ràng, nếu trước kia Phương Tây là nơi được nhiều nước học theo về mô hình kinh tế chia sẻ thì giờ đây, Trung Quốc mới là hình mẫu cho nhiều nước tham khảo.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM