Trung Quốc: Từ đối tác thương mại hàng đầu tới làn sóng FDI mới đổ bộ vào Việt Nam

14/04/2025 18:07 PM | Kinh doanh

Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc luôn giữ vững vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối Asean. Các dự án FDI từ Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam cũng ngày một được nâng tầm về quy mô, chất lượng...

Theo thống kê hải quan, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt cột mốc kỷ lục mới với 205,2 tỷ USD, tăng thêm 33,3 tỷ USD so với năm liền kề. Kết quả trên đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam thiết lập quy mô trên 200 tỷ USD.

Cụ thể, trong năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam đạt 61,2 tỷ USD. Chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc là 144 tỷ USD.

Tới hết quý I/2025, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu từ Trung Quốc 38,1 tỷ USD hàng hóa - chủ yếu là máy móc, thiết bị công nghiệp và nguyên phụ liệu sản xuất và linh kiện điện tử. Đồng thời, nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc trị gía 13,2 tỷ USD với những mặt hàng chủ lực như nông thủy sản, dệt may, cao su, dầu thô...

Người viết tổng hợp, theo số liệu hải quan, Cục Thống kê

Người viết tổng hợp, theo số liệu hải quan, Cục Thống kê

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng hơn đáng kể danh sách nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam. Hiện chúng ta đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây.

Đơn cử, hai mặt hàng là sầu riêng, thanh long của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN.

Với thủy sản, Trung Quốc cũng đang là thị trường xuất khẩu top 1 của Việt Nam. Riêng năm 2024, thị trường 1,4 tỷ dân này đã chi hơn 1,7 tỷ USD để mua thủy sản của Việt Nam, tăng hơn 10%. Trong đó, hai mặt hàng chủ lực là cá tra và tôm. Và chỉ riêng xuất khẩu tôm sáng Trung Quốc đã thu về 843 triệu USD, tăng 39% so với 2023, số liệu từ VASEP.

Theo Bộ Công Thương, để giảm nhập siêu và khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, thời gian qua, Việt Nam đã kiến nghị Trung Quốc đẩy nhanh mở cửa thị trường nông sản, ký thỏa thuận khung về thương mại gạo, phối hợp thông quan tại cửa khẩu nhằm tránh ùn tắc. Trong đó, một đề xuất cụ thể đã được triển khai là thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Nam và phối hợp xây dựng Trung tâm Giao dịch trái cây Trung Quốc - ASEAN tại Quảng Tây và Quảng Ninh...

Điểm sáng làn sóng FDI mới từ nước láng giềng

Song song với tăng trưởng trong thương mại, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng có sự phát triển nhanh chóng thời gian qua. Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn thứ ba vào Việt Nam trong năm 2024, chỉ sau Singapore và Hàn Quốc với tổng vốn ký kế hơn 30,8 tỷ USD, rộng khắp 19/21 ngành kinh tế và trải dài tới 55/63 tỉnh thành.

Nghiên cứu của VCCI cho thấy, hơn một nửa doanh nghiệp Trung Quốc tập trung vào xuất khẩu (54%), khoảng 50% cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI khác ở Việt Nam và 45% cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có xu hướng hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam nhiều hơn so với các doanh nghiệp FDI khác.

Đáng chú ý, cùng với việc tăng mạnh về số lượng và quy mô, dòng vốn Trung Quốc cũng gia tăng về chất lượng. Nếu trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu hoạt động trong các ngành may mặc, da giày, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, đồ gia dụng thì những năm gần đây đã có xu hướng chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, năng lượng xanh, xe điện, thương mại điện tử…

Một số dự án tiêu biểu của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam được biết tới là: Dự án Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận; Dự án Chế tạo lốp xe radian tại Tây Ninh có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Dự án Nhà máy Sản xuất sợi brotex Việt Nam, tổng vốn đầu tư 570 triệu USD tại Tây Ninh...

Trong 3 tháng đầu năm nay, tiếp tục có hơn 1,47 tỷ USD vốn đầu tư từ Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam, tăng 68,5% so với cùng kỳ 2024. Dù các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ đứng thứ 3 về vốn, nhưng nếu xét về số dự án, thì nước này hiện dẫn đầu. Cùng với điểm nhấn là một số dự án lớn và tầm vóc tiếp tục được khởi động.

Đơn cử, cuối tháng 3, Bắc Ninh vừa đón thêm hai nhà máy linh kiện công nghệ cao từ doanh nghiệp Trung Quốc. Đó là dự án Nhà máy Victory Giant Technology Việt Nam của CTCP công nghệ Victory Giant (Quảng Đông, Trung Quốc).

Dự án trên có tổng vốn đầu tư khoảng 520 triệu USD, chuyên nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh các loại bảng mạch sử dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu lớn, Internet công nghiệp, ô tô năng lượng xanh, công nghệ truyền thông thế hệ mới, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế....

Phối cảnh Dự án Nhà máy Victory Giant Technology Việt Nam.

Phối cảnh Dự án Nhà máy Victory Giant Technology Việt Nam.

Kế đến dự án nhà máy của Công ty TNHH Green Precision Manufacturing Việt Nam. Đây cũng là một doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc chuyên nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện cấu trúc chính xác cho sản phẩm tiêu dùng điện tử như loa, điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thanh toán điện tử… Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD.

Cùng với làn sóng FDI mới chất lượng cao hơn, Trung Quốc cũng đang tham gia sâu hơn vào việc phát triển kết cấu hạ tầng một số khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam. Hiện Việt Nam có 10 dự án đầu tư hạ tầng KCN do các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện, với tổng diện tích hơn 2.000 ha và tổng vốn đăng ký hơn 551 triệu USD. Một số khu công nghiệp trọng điểm được Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư gồm: KCN Vân Trung (Bắc Giang), Thuận Thành (Bắc Ninh) hay KCX Linh Trung (TP.HCM)...

Hôm 10/4, trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bà Hà Vịnh Tiền - người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Việt Nam là điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc. Năm 2024, đầu tư trực tiếp của các công ty nước này vào Việt Nam vượt 2,5 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh.

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ với hàng loạt doanh nghiệp lớn của Trung Quốc vào tháng 2/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các doanh nghiệp nước này tiếp tục đầu tư, lấy Việt Nam làm cứ điểm sản xuất - kinh doanh; qua đó, góp phần cùng Việt Nam phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển nhanh và bền vững…

Theo Tuấn Việt

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài : Đi nhiều nơi chưa thấy nhà thuốc nào tiêm chủng, ngày nhà thuốc An Khang có dịch vụ này còn xa vời

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài khẳng định ngày nhà thuốc An Khang có dịch vụ tiêm chủng còn xa vời và chưa có dự cảm được về mô hình này.

Tổng Giám đốc Techcombank: Các ngân hàng khác cũng có sinh lời tự động, nhưng chỉ giống chúng tôi ở cái tên

CEO Jens Lottner cho rằng, cần rất nhiều công nghệ, trí tuệ nhân tạo, cần nhiều sự kết nối giữa các sản phẩm khác nhau để việc Auto Earning thực sự hoạt động và chỉ có Techcombank làm được điều này.

FPT Long Châu đặt mục tiêu mở mới 430 cửa hàng trong năm 2025

FPT Long Châu đặt mục tiêu mở mới 430 cửa hàng trong năm 2025, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của FPT Retail, trong bối cảnh chuỗi nhà thuốc này chiếm gần 70% doanh thu toàn công ty quý I/2025.