Trung Quốc: Thà ly hôn còn hơn không được mua đất
“Ly hôn thì đã làm sao? Dù sao thì chúng tôi cũng đã là vợ chồng trong gần một năm nay, nhưng nếu không mua căn nhà này, chúng tôi sẽ để lỡ cơ hội trở nên giàu có”, anh Cai - một người dân Thượng Hải chia sẻ.
Vợ chồng Cai sống ở Thượng Hải. Hai anh chị mới cưới chưa được một năm, nay họ quyết định ly hôn không phải vì lý do vợ chồng không thể hàn gắn, mà bởi chiến dịch chống bong bóng bất động sản của chính quyền địa phương.
Hiện vợ chồng Cai sở hữu 1 shop quần áo và 3 căn hộ, nay họ muốn mua thêm 1 căn hộ trị giá 3,6 triệu tệ (532.583 USD). Nhưng do giới chức đã bắt đầu hạn chế chủ sở hữu mua thêm bất động sản, họ đã quyết định ly hôn để hợp pháp hóa việc mua nhà.
“Ly hôn thì đã làm sao? Dù sao thì chúng tôi cũng đã là vợ chồng trong gần một năm nay, nhưng nếu không mua căn nhà này, chúng tôi sẽ để lỡ cơ hội trở nên giàu có”, anh Cai chia sẻ. Hai người từ chối cung cấp tên đầy đủ để tránh rắc rối pháp lý. Và họ không phải là hai người duy nhất ly hôn để hợp pháp hóa mua nhà/đất.
Trong 1 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Trung Quốc tăng mạnh, làm xuất hiện những người mua điên cuồng. Họ tìm mọi cách để hoàn tất thương vụ trước khi giới chức có những biện pháp hạn chế sâu hơn.
Trong khi số liệu trên thị trường bất động sản cuối tuần trước cho thấy sức nóng đang hạ bớt ở 2 thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải, giá bất động sản tháng 9 trên cả nước chạm đỉnh 7 năm. Nói chung, thị trường bất động sản có khả năng sẽ hạ nhiệt vào tháng 10 sau khi một loạt biện pháp hạn chế được thi hành tại các thành phố hạng 1 và hạng 2. Tại ít nhất 21 thành phố trên cả nước, giới chức địa phương đã tiến hành một số biện pháp như tăng tiền đặt cọc và hạn chế 1 chủ sở hữu đồng thời nhiều bất động sản.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu tại UBS Group AG và Bank of Communications, những biện pháp này chỉ có tác động trong ngắn hạn. “Kết quả sẽ nhìn thấy trong vòng 2-3 tháng đầu, nhưng trong dài hạn nguồn vốn rảnh rỗi vẫn sẽ chảy vào thị trường bất động sản giống như một khoản đầu tư an toàn”. Xia Dan – chuyên gia nghiên cứu tại Bank of Communications Thượng Hải nhận định. Tác động của những biện pháp này dần dần sẽ dịu đi do “thanh khoản quá lớn trong cuộc chè chén tín dụng”.
Theo Bloomberg, trong 3 quý đầu năm 2016, giá nhà trung bình tăng 30% tại các thành phố hạng nhất như Thượng Hải và tăng 13% tại các thành phố hạng 2.
Khởi nguồn của cuộc bùng nổ này là năm 2014, khi PBOC bắt đầu nới lỏng quy định cho vay và cắt giảm lãi suất. Ủy ban kiểm soát chứng khoán Trung Quốc cũng dỡ bỏ một số quy định về bán trái phiếu cổ phiếu đối với các công ty bất động sản. Cho đến tháng 6/2016, tổng nợ của 196 công ty bất động sản niêm yết cổ phiếu trên sàn đã lên tới 3.000 tỷ NDT, tăng từ 1.300 tỷ NDT ở thời điểm 3 năm trước.
Bột đắt hơn bánh
Giá bất động sản tăng mạnh làm xuất hiện những người mua điên cuồng.
Tại nhiều thành phố, giá nhà đất chưa xây còn cao hơn giá nhà đất đã xây trong cùng khu vực - hiện tượng mà người Trung Quốc thường miêu tả là “bột đắt hơn bánh”.
Giới chức đã và đang nỗ lực chấm dứt tình trạng này, tuy nhiên làm sao để không làm tổn hại đến nền kinh tế trong bối cảnh thị trường bất động sản giữa các thành phố có sự khác biệt lớn lại là điều cực kỳ khó khăn. Trong khi bất động sản trở thành cơn sốt tại các thành phố lớn, giá tăng cao, nguồn cung hạn hẹp, các thành phố nhỏ còn dư quá nhiều căn hộ mà không có người mua.
“Thường thường, thị trường biến động tương ứng với nhau. Hơi bất ngờ khi thấy thành phố hạng nhất thì cần thắt chặt trong khi thành phố hạng 2, 3 lại cần thả lỏng”.
Những người chơi xấu
Trong đầu tháng 10, Bộ Nhà ở và phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc cho biết có công ty xây dựng và môi giới đã quảng cáo sai sự thật và khuyến khích đầu cơ trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu các biện pháp hạn chế của chính phủ “thành công quá đà” có thể sẽ gây ra những hậu quả ngược.
Hôm 28/9, Deutsche Bank ước tính nếu giá nhà trên cả nước giảm 10%, các công ty bất động sản sẽ bị thất thoát 243 tỷ NDT. Tiêu dùng cũng có thể giảm do người dân đã vay nợ để mua bất động sản. Năm 2014, tỷ trọng thế chấp trong vay nợ mới chiếm 23%, tăng lên 35% trong nửa đầu năm nay và 71% trong tháng 7 và tháng 8.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng thị trường bất động sản Trung Quốc sắp tan chảy. Các ngân hàng không cho vay nợ dưới chuẩn. Và mặc dù nợ thế chấp tăng, nợ hộ gia đình chỉ chiếm 45% trong GDP – so với Hàn Quốc là 89% và Nhật Bản là 66%.
Với tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay – mức thấp nhất kể từ năm 1990, một cơn bùng nổ bong bóng bất động sản có vẻ sẽ không được đón chào.
“Thứ duy nhất mà tôi biết trong tình hình hiện nay là mua đất sẽ không bị lỗ”, Cai cho biết và viện dẫn giá nhà đã tăng 2 thập kỷ qua. “Từ vài nghìn tệ 1 m2 đến hơn 100.000 tệ. Đã bao giờ giá đất ngừng tăng chưa? Chưa bao giờ”.