Khổ như nhân viên ngân hàng: Trình bệnh án, giấy ly hôn để sếp cho nghỉ việc

29/08/2016 14:37 PM | Kinh doanh

Không ít cán bộ nhà băng đã phải giả ốm, mắc trọng bệnh, thậm chí có người còn trình cả tờ giấy ly hôn, chữ ký còn tươi rói để sếp cảm thông, buông bút ký cho thôi việc.

Xuất thân từ gia đình làm nông nên ngay từ cấp 3, Nguyễn Thế Anh (Thái Bình) đã tự định hướng cho mình sẽ theo ngành ngân hàng. Bởi cứ nói đến nhà băng là người ta nghĩ ngay đến công việc nhàn hạ, ổn định, lại sang và nhiều tiền.

Sau nhiều năm nỗ lực học tập, tốt nghiệp bằng giỏi ở Học viện Ngân hàng, Thế Anh đã trúng tuyển vào một ngân hàng thương mại ở Hà Nội. Trải qua những ngày tháng khó khăn chạy chỉ tiêu, cuối cùng, 3 tháng thử việc của Thế Anh kết thúc ngoài mong đợi.

Biết tin con trai là cán bộ nhà băng, vừa cúp máy, bố mẹ cậu chạy đi khoe khắp làng: “Người ta cứ nói, muốn vào ngân hàng phải nhất thân nhì quen, trăm triệu xin việc, thế nhưng, cứ cần cù chăm chỉ sẽ được bù đắp”.

Bước chân vào nhà băng như chơi một canh bạc đen đỏ

Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Gắn bó với nghề này gần 4 năm, chàng trai xuất thân từ quê lúa mới thấm thía, làm cái nghề “vạn người mê” chẳng khác gì như một canh bạc đen đỏ.

Vốn là người hiền lành, chăm chỉ và nhiệt tình, Thế Anh được đồng nghiệp và sếp rất quý mến. Thế nhưng thế cuộc xoay vần, thời kỳ ngân hàng khó khăn, lãnh đạo bị bắt hàng loạt, tình hình nhân sự hệ thống cũng rối bời. Chỉ trong một buổi sáng, bỗng nhiên toàn bộ bộ máy lãnh đạo cũ của Thế Anh bị thay thế bởi ekip hoàn toàn mới.

Trong khi các đồng nghiệp thi nhau nghỉ việc để “tránh bão” thì Thế Anh quyết định ở lại. “Với thân phận là nhân viên quèn, nên bão có lớn chừng nào cũng chẳng ảnh hưởng tới vị trí dưới thấp như mình”, cậu nghĩ.

Thế Anh đã lầm. Chỉ một vài tháng sau khi bộ máy lãnh đạo mới lên, tình hình đã thay đổi. Áp lực chỉ tiêu, họp hành, kế toán… lúc nào cũng căng như dây đàn.

Qua một vài động thái, Thế Anh biết mình bị rơi vào “tầm ngắm”, nhưng đã muộn. Trước kia xin nghỉ việc thì dễ, càng về sau càng khó. Rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: ở lại công ty cũ, cơ hội thăng tiến gần như bằng không, thậm chí mơ ước về một công việc ổn định cũng không còn. Nhưng nếu nộp đơn xin nghỉ việc mà bị từ chối thì coi như sự nghiệp tiêu tan. Đơn xin nghỉ đã viết, nhưng cậu chần chừ mãi cùng vì lý do trên.

Đã không ít cán bộ xin nghỉ nhưng không được giải quyết. Mới đây, ban lãnh đạo không đồng ý phê duyệt và yêu cầu ở lại ít nhất 5 trường hợp. Có hàng ngàn lý do để sếp từ chối đơn nghỉ việc. Trong đó, phần lớn các trường hợp đều lâm vào tình trạng đang quản lý rất nhiều dư nợ mà toàn là dư nợ rất xấu.

Thế Anh cũng không nằm ngoài trường hợp đó khi trước đó đã tiếp nhận giúp người đồng nghiệp cũ không ít những hồ sơ này.

Đâm lao thì phải theo lao, Thế Anh vẫn ngày đêm tính kế để làm sao xử lý được khoản nợ xấu. Với bản chất thật thà, cậu cũng chẳng thể nhờ đồng nghiệp tiếp nhận khoản “mắc nợ” của người đồng nghiệp cũ, rồi họ cũng lại lâm vào tình thế chẳng khác nào ngồi trên đống lửa như cậu bây giờ.

Ký giấy ly hôn, mắc bệnh nặng để cắt duyên với ngân hàng

Tương tự với Thế Anh, Mỹ Linh, nữ nhân viên một nhà băng ở Hà Nội cũng ngán ngẩm môi trường áp lực hiện tại. Linh được người bạn thân giới thiệu sang một ngân hàng quốc doanh với mức thu nhập ổn và môi trường dễ thở hơn. Thế nhưng, khi trình đơn xin nghỉ việc, Linh chỉ nhận được cái lắc đầu.

Vì món 700 triệu nợ nhóm 2, hồ sơ cấp trên giao Linh từ khi mới vào nghề mà sếp không cho nghỉ việc. Dù đã đưa ra rất nhiều lý do như nghỉ ốm, bệnh nặng, hết lửa với nghề, thậm chí gia đình có sự cố, Linh vẫn không cắt nổi cái duyên với ngân hàng này.

Nhân viên nhà băng này cho biết, có người khuyên nên tìm hiểu luật lao động và xem lại thỏa thuận lao động để ép sếp cho nghỉ. Tuy nhiên, một khi lãnh đạo không muốn thì họ có muôn vàn cách để gây khó khăn.

Đồng Anh, đồng nghiệp nam của Mỹ Linh, cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Đồng Anh là trường hợp đặc biệt. Anh từng "ôm" một hồ sơ tín dụng rất "xấu" nhưng lại quan trọng cần phải giải quyết. Vì thế, nếu muốn nghỉ việc, Đồng Anh phải trả hơn 30 triệu đồng chi phí 3 năm đào tạo, đồng thời phải xử lý toàn bộ hồ sơ tái cấp tín dụng và chứng từ giải ngân. Mặc dù các khoản trên đều do chỉ đạo của cấp trên.

Đã trót trình đơn xin nghỉ việc lại bị từ chối, tình thế của Đồng Anh với Linh chẳng khác nào đâm vào ngõ cụt. Ra đi không nổi, mà ở lại cũng không xong.

Nghỉ việc ở ngân hàng không phải muốn là được. Sau khi trình đơn, được duyệt thì nhân viên phải xin một số phòng ban xác nhận, đợi kiểm toán nội bộ và chờ xem quá trình làm việc của nhân viên có vấn đề gì không. Trong tiền lệ, không ít người sau khi đệ đơn nghỉ việc đã bị sếp ràng buộc và làm xấu CV xin việc mới bằng cách họp kỷ luật do nợ quá hạn nhiều.

Có đồng nghiệp là “người thân” của sếp cũng phải xin điều chuyển sang vị trí khác, sau một thời gian mới được nghỉ. Nhưng để cắt được mối duyên với ngân hàng, chị này cũng phải đôn đáo “thăm hỏi”, chi phí "nghe đâu vài chục triệu đồng".

Rồi không ít nhân viên lâm vào tình cảnh này phải giả ốm, mắc trọng bệnh, thậm chí có người còn trình cả tờ giấy ly hôn, chữ ký còn tươi rói để sếp cảm thông, buông bút ký cho thôi việc.

"Cái kiếp làm nhân viên nhà băng, không dại cũng buộc phải... dại. Khi mới vào nghề, hồ sơ sếp giao buộc phải làm, không làm cũng chết mà nhận vào thì ngắc ngoải như bây giờ, muốn xin ra không được vì ràng buộc biết bao nhiêu là thứ", Đồng Anh than thở.

Cũng vì thế, 2 năm gắn bó với nhà băng, Mỹ Linh đúc kết: muốn khá được ở cái nghề này phải có lãnh đạo tốt. Thế nhưng, sếp chọn mình chứ mình đâu chọn được sếp! "Trong chán, ngoài thèm, xin vào không được mà xin ra không xong là đặc thù chỉ có ở cái nghề này", Linh lắc đầu ngán ngẩm.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM