Trung Quốc sẽ vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" trong năm 2023 ?

19/02/2022 16:05 PM | Kinh doanh

Trung Quốc luôn bị ám ảnh bởi bóng ma "bẫy thu nhập trung bình", tuy nhiên theo các dự báo, nước này sẽ sớm trở thành một quốc gia có thu nhập cao...

"Bẫy thu nhập trung bình" được đưa ra bởi Homi Kharas và Indermit Gill, hai nhà kinh tế học, vào năm 2006, khi cả hai đều làm việc tại Ngân hàng Thế giới.

Dựa trên cơ sở nghiên cứu các số liệu ngân hàng, hai ông vạch ra một ranh giới ngăn cách các quốc gia có thu nhập cao với phần còn lại của thế giới.

Ranh giới này chính là mức thu nhập quốc dân trên mỗi người là 6.000 USD theo mức giá phổ biến vào năm 1987. Ireland và Tây Ban Nha khi đó xấp xỉ ngưỡng này. Hiện nay ngưỡng "bẫy thu nhập trung bình" đang là 12.695 USD.

Ngưỡng này tăng theo từng bước, với mức bình quân gia quyền của giá cả và tỷ giá hối đoái ở 5 nền kinh tế lớn: Mỹ, Anh, Trung Quốc, khu vực đồng Euro và Nhật Bản.

Có 80 quốc gia đã đạt ngưỡng đó vào năm 2020, ít hơn 3 so với năm trước. Đại dịch đã đẩy Mauritius, Panama và Romania xuống hạng trung bình.

Bất chấp khó khăn bởi đại dịch, dựa trên những dự báo mới nhất có sẵn từ Goldman Sachs, Trung Quốc có thể vượt qua ranh giới "bẫy thu nhập trung bình" trong năm 2023, nhờ đồng tiền mạnh của nước này.

Theo số liệu của The Economist, trong giai đoạn 30 năm (1996 - 2025), thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc được dự báo tăng từ ngưỡng 700 USD chạm ngưỡng 20.000 USD. Riêng giai đoạn 2020 - 2025, con số này sẽ bức phá ngoạn mục từ trên 10.000 USD lên đến gần 20.000 USD, đưa Trung Quốc vào câu lạc bộ các nước thu nhập cao.

Đáng nói, ở giai đoạn 2015 - 2019, trong khi các nước thu nhập cao có mức tăng trưởng năng suất tổng thể âm, thì Trung Quốc duy trì con số trên 3%.

Trung Quốc sẽ vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong năm 2023 ? - Ảnh 1.

Trung Quốc vẫn đang tích lũy vốn với tốc độ nhanh chóng. Nước này đã đầu tư 43% GDP của mình trong 5 năm trước đại dịch. Các nước có thu nhập cao chỉ chiếm tỷ lệ trung bình bằng một nửa.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo có rất nhiều quốc gia như Venezuela, Nga, Argentina từng vượt qua ngưỡng cơ học này và thất bại những năm tiếp sau đó. Để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" cần một quá trình chuyển đổi cơ bản.

Nhiều quốc gia ở giai đoạn phát triển trung gian này có thể gặp phải nhiều cạm bẫy. Họ phải chuyển đổi nguồn nhân lực và đầu tư nhiều vào giáo dục hơn nhằm duy trì tăng trưởng.

Hiện nay, Trung Quốc đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ của "sự đình trệ" cải cách cơ cấu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.

Tỷ trọng của lực lượng lao động trong lĩnh vực xây dựng tại quốc gia đông dân nhất thế giới lại thấp hơn mức trung bình ở các nước có thu nhập cao. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp cao hơn nhiều - khoảng 25% - so với mức trung bình là 3% của các nước có thu nhập cao.

Nguồn vốn nhân lực của Trung Quốc thực sự là một nguyên nhân đáng lo ngại. Theo điều tra dân số mới nhất, dân số trưởng thành có trung bình 9,9 năm đi học vào năm 2020. Điều đó sẽ khiến nước này gần cuối nhóm các quốc gia có thu nhập cao, có trung bình 11,5 năm, theo Robert Barro của Harvard và Jong-Wha Lee của Đại học Hàn Quốc (Korea University).

Dân số Trung Quốc năm ngoái chỉ tăng 0,03%. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, dân số già và giảm có thể góp phần làm giảm chi tiêu, tăng trưởng thấp.

Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hiện phải lo lắng về một viễn cảnh khác sau khi vượt qua ngưỡng cơ học của "bẫy thu nhập trung bình".

Ngọc Đức

Cùng chuyên mục
XEM