Trung Quốc, khi niềm tin doanh nghiệp tư nhân đi xuống

16/08/2016 09:36 AM | Kinh tế vĩ mô

Các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, từ vốn cho tới chính sách...

Doanh nhân Zhang Qiurong nhận thấy không có lý do gì để đầu tư thêm vào công ty sản xuất giấy của mình trong năm nay, xét đến nguồn vốn bị thắt chặt, cạnh tranh khốc liệt, và tiềm năng lợi nhuận hạn chế.

Trong cuộc trao đổi với tờ Wall Street Journal, Zhang - người mở công ty riêng vào năm 2009 ở Chiết Giang - nói rằng giờ là lúc co cụm lại, thay vì đặt cược vào tương lai. Thành phố Chiết Giang của doanh nhân này là một tỉnh phía Đông của Trung Quốc, nổi tiếng vì có nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Đầu tư suy giảm

Wall Street Journal cho biết đầu tư tư nhân đang suy giảm ở Trung Quốc. Các công ty không muốn đặt tiền vốn của mình vào thế rủi ro do lo ngại về viễn cảnh tăng trưởng u ám của kinh tế toàn cầu, sự giảm tốc đã kéo dài 4 năm liên tiếp của kinh tế Trung Quốc, nguy cơ giảm phát chập chờn, và những thông điệp chính sách xung đột của Bắc Kinh.

Tình trạng này đặt ra những thách thức đối với mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc về dịch chuyển nền kinh tế từ địa vị một công xưởng sản xuất cấp thấp lên một nền kinh tế nhiều ngành công nghệ cao và dịch vụ mà các công ty tư nhân của nước này mong muốn theo đuổi.

Đáng lưu ý là trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư tư nhân vào tài sản cố định như nhà máy và xe tải ở Trung Quốc chỉ tăng 2,8%, so với mức tăng trung bình gần 30% mỗi năm trong một thập kỷ qua.

Nhằm đảo ngược xu hướng trên, Bắc Kinh đã đẩy mạnh các nỗ lực xóa bỏ tình trạng quan liêu, giảm các rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân, và hối thúc các địa phương đưa ra quan điểm tươi sáng về nền kinh tế Trung Quốc để củng cố niềm tin. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng nỗ lực bơm mạnh vốn vào nền kinh tế để bù đắp cho sự suy giảm của đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh vốn giữ vai trò chủ đạo về cho vay ở nước này không phải lúc nào cũng hợp tác. Trong quý 2, các ngân hàng quốc doanh áp dụng lãi suất đối với các khoản vay dành cho các công ty tư nhân cao hơn 6 điểm phần trăm so với dành cho doanh nghiệp quốc doanh. Theo một số sếp ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, họ ngại cho các công ty tư nhân quy mô nhỏ vay vốn, vì rủi ro và thiếu tài sản thế chấp.

Không chỉ khó vay vốn ngân hàng, các công ty tư nhân Trung Quốc còn phàn nàn gặp khó trong việc huy động vốn từ các tổ chức cho vay ngoài ngân hàng, bạn bè và người thân, bởi mức nợ xấu tăng và người cho vay ngày càng thận trọng.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng gây sức ép buộc các doanh nghiệp quốc doanh phải đầu tư nhiều hơn. Các doanh nghiệp quốc doanh nước này đã hưởng ứng bằng cách tăng đầu tư 23% trong nửa đầu năm nay, tạo một trụ cột nâng đỡ với nền kinh tế. Tuy nhiên, chính chiến lược này càng gạt sang bên lề các doanh nghiệp tư nhân vốn chiếm 2/3 nền kinh tế và 4/5 lực lượng lao động của Trung Quốc.

Một cuộc thăm dò mới đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp nước này đã giảm xuống mức thấp hơn cả vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Vốn tìm đường mới

Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có khoảng 34 vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc, với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD, gần gấp đôi so với mức của cả năm 2015.

Tại thành phố Quzhou thuộc Chiết Giang, hầu hết doanh nghiệp tư nhân vay được vốn đều dùng tiền đó để trả nợ thay vì đầu tư. Trong 5 tháng đầu năm, đầu tư tư nhân ở Quzhou giảm 1,9%, so với mức tăng 15,4% cùng kỳ năm ngoái.

Dù Bắc Kinh đưa ra nhiều lời hứa, doanh nhân Zhang nói rằng nguồn vốn cho các doanh nghiệp tư nhân đang cạn kiệt. Sau khi đảo nợ cho ông mấy năm qua, ngân hàng đang đòi ông phải thanh toán số nợ khoảng 1,4 triệu USD.

Một số công ty khác ở Quzhou vẫn đang đầu tư, nhưng không phải đầu tư vào Trung Quốc.

Zhejiang 001, một công ty sản xuất xe đạp điện ở Quzhou, đang có kế hoạch rót thêm vốn vào Việt Nam, sau khi đầu tư hơn 1,5 triệu USD vào một công ty chứng khoán ở Hà Nội vào năm ngoái.

Giám đốc Zhejiang 001, ông Xiang Qingsong nói gần như tất cả các khoản đầu tư vào thị trường Đông Nam Á đều đem lại lợi nhuận vào thời điểm hiện nay. “Trước đây, ở Trung Quốc cũng từng như thế. Chúng tôi buộc phải đi ra nước ngoài để tìm kiếm những thị trường hứa hẹn hơn”, ông Xiang cho biết.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM