Trung Quốc: Hơn 6,7 triệu con nợ bị cấm đi tàu, máy bay
6,73 triệu người bị cấm đi lại chỉ trong 4 năm Trung Quốc áp lệnh trừng phạt với những người nợ tiền ngân hàng.
6,73 triệu người bị cấm đi lại chỉ trong 4 năm Trung Quốc áp lệnh trừng phạt với những người nợ tiền ngân hàng. Con số này phần nào phản ánh thực trạng sức khoẻ kinh tế “con rồng lớn nhất châu Á”.
Danh sách đen
Bắt đầu từ năm 2013, Tòa án Tối cao Trung Quốc lập một “danh sách đen” những người mắc nợ trong thời gian dài để áp lệnh trừng phạt và yêu cầu hoàn trả nợ. Đến nay, Tòa án Tối cao Trung Quốc cho biết, khoảng 6,73 triệu người trong danh sách này bị cấm mua vé máy bay và tàu cao tốc.
Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc, ông Meng Xiang cho biết: “Chúng tôi đã ký một bản ghi nhớ với hơn 44 cơ quan Chính phủ để áp các chế tài xử phạt trên nhiều mức độ đối với những người không đạt tiêu chuẩn”, trong đó có sự tham gia của các ngân hàng lớn cũng như cơ quan công an.
Những người có tên trong “danh sách đen” sẽ bị nêu tên lên bảng thông báo điện tử lớn trên phố, trên truyền hình. Đặc biệt, họ bị chặn số chứng minh thư nhân dân (ID) - điều kiện cần để mua vé máy bay và tàu cũng như thuê khách sạn. Danh sách này được đăng tải đầy đủ trên trang web chính thức của Tòa án Tối cao.
Hình phạt này khiến không ít người rơi vào tình cảnh oái ăm. Theo Financial Times, một người đàn ông suýt mất vợ tương lai do cha anh bị bêu tên trên truyền hình vì nợ nần. Gia đình cô dâu cho rằng, gia đình chú rể không đáng tin cậy nên định hủy hôn. Anh chàng này phải hối thúc cha trả nợ bằng được để giành lại thiện cảm của gia đình cô dâu và hai người mới có thể đi tới hôn nhân.
Trường hợp khác, một doanh nhân họ Gao bị đưa vào “danh sách đen” vì không trả 200.000 nhân dân tệ (tương đương 29.000 USD) đúng hạn. Kết quả, anh không thể lên máy bay tới địa điểm chuẩn bị ký một hợp đồng trị giá tận 3 triệu USD. Đồng thời, đối tác kinh doanh phát hiện tên anh trong “danh sách đen” cũng lập tức hủy hợp đồng.
Một người mắc nợ khác họ Zhang cho biết: “Tôi từng bị kiện, tòa án muốn tôi phải hoàn trả tiền nhưng tôi không thể. Chính phủ không cho phép tôi mua vé tàu cao tốc, không thể đi máy bay. Vì vậy, Tết vừa rồi, tôi không thể về quê thăm người cha năm nay đã 80 tuổi”.
Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc cho rằng, xử phạt những người nợ nần là một phần trong nỗ lực để xây dựng hệ thống “uy tín xã hội”. Trong đó, Chính phủ sẽ xếp hạng mọi công dân qua đánh giá dữ liệu về tài chính, luật pháp, hành vi sai trái của từng cá nhân. Chính phủ Trung Quốc cho rằng, lệnh cấm đi lại với người nợ nần là bước đi quan trọng để xây dựng sợi dây liên kết cấu trúc cần thiết, cho phép thực hiện chương trình giám sát hoàn chỉnh.
Dấu hiệu báo động về sức khoẻ kinh tế
Trong khi nhiều người ủng hộ hình thức phạt trên và khẳng định, đây là biện pháp nghiêm khắc để nắn chỉnh hành vi xã hội. Một bộ phận không nhỏ khác chỉ trích Chính phủ lập ra hệ thống uy tín xã hội này nhằm tăng cường kiểm soát xã hội và mang tính chính trị. Ông Anne Stevenson-Yang, Giám đốc Công ty Nghiên cứu J Capital có trụ sở tại Bắc Kinh chia sẻ với tờ Financial Times cho biết: “Dù ở mức độ nào, khả năng thanh toán của người dân/doanh nghiệp không phải là mục tiêu chính mà Chính phủ lo ngại. Hệ thống uy tín xã hội này là một công cụ để Chính phủ bình thường hóa việc thực hiện các mục tiêu khác”.
Ở một khía cạnh khác, nhiều nhà phân tích cho rằng, những con số biết nói trên phơi bày những khe nứt sâu trong nền kinh tế Trung Quốc . Trong một bài phân tích, tờ Bưu điện Hoa Nam nhận định, có lẽ, dưới lớp vỏ thịnh vượng hào nhoáng là những vết nứt sâu bắt đầu hằn rõ trong nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa trên đầu tư, phủ bóng lên những triển vọng phát triển kinh tế của Bắc Kinh và bồi thêm hoài nghi về triển vọng Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Đằng sau mỗi bảng thông báo điện tử to chềnh ềnh trên phố về thông tin con nợ là những câu chuyện buồn về các nhà máy bị phá sản, các doanh nghiệp sụp đổ, ông Hu Xingdou chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Công nghệ Bắc Kinh nhận định. Thực tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc năm 2016 giảm còn 6,7%, gần một nửa so với cùng kỳ 10 năm trước.