Trung Quốc đau đầu vì cái gì cũng rẻ: Trong khi cả thế giới chống lạm phát thì nền kinh tế thứ 2 toàn cầu phải làm điều ngược lại
Giá cả hàng hóa tăng quá chậm, thậm chí đi xuống đang khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đau đầu.
Hãng tin CNN cho biết trong khi cả thế giới phải gồng mình vì vật giá leo thang làm giảm chất lượng sống thì Trung Quốc lại đang đau đầu vì cái gì cũng rẻ.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% trong tháng 3/2023 so với cùng kỳ năm trước. Mức định giá tại cổng nhà máy (FGP-Giá bán của nhà sản xuất cho bên bán buôn đã loại trừ phí vận chuyển) của thị trường này đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp.
Đây là những con số khó tin nổi với Mỹ khi chỉ số CPI tại đây vẫn ở mức 5% trong tháng trước, dù con số này thấp hơn nhiều so với 9% của tháng 6/2022. Tỷ lệ này là 8,3% tại Liên minh Châu Âu (EU) và 10,1% tại Anh.
Đau đầu vì hạ giá
Theo CNN, giá cả hàng hóa tại Trung Quốc đang giảm tốc hoặc thậm chí là đi xuống bất chấp những biện pháp kích thích của chính phủ như việc Ngân hàng trung ương (PBOC) hạ lãi suất và bơm thêm tiền vào hệ thống. Thậm chí việc nới lỏng chính sách “Zero Covid” từ cuối năm 2022 cũng không khiến giá hàng hóa tăng lên đáng kể.
Với người tiêu dùng Phương Tây, đây có thể là điều đáng mơ ước nhưng các nhà hoạch định chính sách lại khá lo lắng về điều này. Việc người tiêu dùng Trung Quốc ngại ngần chi tiêu do lo sợ tình hình kinh tế khó khăn, tích cực trữ tiền thay vì tiêu phí khiến giá cả hàng hóa hạ là một tín hiệu nguy hiểm. Doanh nghiệp thì hạn chế đầu tư mới vì đói vốn và những dự báo tiêu cực của nền kinh tế vĩ mô có thể dẫn đến hạ mức lương và sa thải bớt lao động.
Toàn bộ những yếu tố này sẽ ảnh hưởng xấu đến đà hồi phục kinh tế của Trung Quốc hậu đại dịch.
“Chúng tôi dự đoán rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro giảm phát”, chuyên gia kinh tế trưởng Raymond Yeung của ANZ Research chi nhánh Trung Quốc nhận định sau khi kết quả tăng trưởng GDP quý I/2023 của Trung Quốc được công bố.
Theo chuyên gia Yeung, dù Trung Quốc tăng trưởng 4,5% GDP trong quý I nhưng phần lớn là do tâm lý mua sắm trả thù của người dân sau 3 năm thực hiện “Zero Covid”. Nếu loại bỏ yếu tố này thì con số chỉ còn 2,6%.
Bằng chứng rõ ràng nhất là lượng cung tiền M2 trong nền kinh tế Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 5,6 nghìn tỷ USD trong 15 tháng qua, cho thấy lượng tiền tích lũy trong dân cực kỳ nhiều thay vì đổ vào đầu tư hay chi tiêu.
Phía PBOC đã cố gắng kích thích tiêu dùng bằng cách gia tăng thanh khoản hệ thống ngân hàng, ví dụ như nới lỏng nghiệp vụ thị trường mở hay hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng tình hình chưa có nhiều tiến triển.
Thậm chí hãng tin CNN cho biết thay vì chi tiêu nhiều hơn, mọi người lại đang cố gắng tiết kiệm và dự trữ tiền bạc ở mức kỷ lục. Các số liệu phân tích cho thấy phần lớn những khoản cho vay mới của các ngân hàng là cho chính quyền địa phương và được dùng để thanh toán những khoản nợ chứ không phải khách hàng doanh nghiệp hay cá nhân.
Rủi ro
Về lý thuyết, giảm phát là tình trạng giá cả hàng hóa trên diện rộng có sự suy giảm liên tục, cả ở mảng dịch vụ lẫn sản phẩm trong một thời gian nhất định.
Tình trạng này nghe có vẻ có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại không tốt cho nền kinh tế. Thị trường không tiêu thụ hàng hóa sẽ khiến doanh nghiệp thất thu, qua đó giảm đầu tư, sa thải lao động hay cắt lương khiến người tiêu dùng càng không có thu nhập và tiết kiệm hơn, qua đó tiếp tục không chi tiêu và tạo thành vòng luẩn quẩn.
Trên thực tế, Nhật Bản được đánh giá là đã rơi vào giảm phát nhẹ trong 20 năm qua khiến nền kinh tế giảm tốc. Chỉ mới gần đây thì các số liệu chính thức mới cho thấy Nhật Bản đang bắt đầu thoát được khỏi vòng xoáy này.
“Trung Quốc có khả năng rơi vào giảm phát và tệ hơn nữa là có thể rơi vào suy thoái”, giáo sư Liu Yuhui của Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cảnh báo.
Theo giáo sư Liu, các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu trong khi giá nhà đất và mảng tài chính chưa thực sự hồi phục. Phần lớn hộ gia đình Trung Quốc đang ngập trong nợ và không có khả năng cũng như nhu cầu chi tiêu. Trong khi đó, chính quyền địa phương nhiều nơi cũng nợ nần chồng chất do bong bóng bất động sản xì hơi.
“Tình hình Trung Quốc hiện nay khá giống với khủng hoảng tại Mỹ năm 2008 và tại Nhật Bản cách đây 30 năm”, giáo sư Liu đánh giá.
Phát 72 tỷ USD
Theo cựu giám đốc Yu Yongding của CASS, việc nhận định Trung Quốc lâm vào giảm phát là còn quá sớm, nhưng đồng ý rằng chính phủ nên có biện pháp ngay từ bây giờ.
Trong khi đó, giáo sư kinh tế Li Daokui của trường đại học Tsinghua, đồng thời từng làm cố vấn cho PBOC cho rằng chính quyền Bắc Kinh có thể xem xét biện pháp phát 500 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 72,5 tỷ USD cho người dân thông qua dạng phiếu mua hàng để kích thích tiêu dùng.
“Nhiều ước tính cho thấy chỉ cần 500 tỷ Nhân dân tệ phiếu mua hàng cũng có thể kích thích làn sóng chi tiêu lên đến 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong người dân”, giáo sư Li nhấn mạnh.
Bù lại, chính phủ có thể thu hồi ít nhất 300 tỷ Nhân dân tệ thông qua tiền thuế từ việc gia tăng chi tiêu của người dân.
*Nguồn: CNN