Từng bị cả giới ngân hàng cười nhạo, Apple giờ đây có khả năng ‘đánh sập’ từ Goldman Sachs tới JP Morgan Chase bằng chiến thuật ‘tằm ăn dâu’
Năm 2007, CEO Steve Ballmer của Microsoft đã cười nhạo màn ra mắt iPhone của Apple để rồi ngậm ngùi ra đi vào năm 2014. Năm 2019, ngành ngân hàng truyền thống cười nhạo Apple Pay nhưng chỉ 7 năm sau, nhiều ông lớn đã phải ‘tái mặt’.
16 năm trước, CEO Steve Ballmer của Microsoft đã cười nhạo khi được hỏi về màn ra mắt iPhone của Apple để rồi sau này phải ngậm ngùi thừa nhận sai lầm.
Năm 2016, Apple Pay ra mắt và trở thành trò cười cho giới ngân hàng truyền thống, nhưng chỉ 7 năm sau, ngay cả CEO Jamie Dimon của JP Morgan Chase cũng phải lo sợ trước nhà táo khuyết.
CEO Steve Ballmer của Microsoft cười nhạo màn ra mắt iPhone của Apple
Kẻ tí hon
Năm 2019, Apple và Goldman Sachs đã tung ra Apple Card, bước tiến đầu tiên trong tham vọng thống trị ngành tài chính-ngân hàng. Thật không may, trong khi Apple muốn mở rộng mọi dịch vụ tài chính thì Goldman lại chưa muốn nhà táo khuyết đi xa đến như vậy.
Tuy nhiên chỉ 4 năm sau, Apple đã có bước tiến tiếp theo khi ra mắt 2 dòng sản phẩm chỉ trong 3 tuần. Đầu tiên mà dịch vụ mua trước trả sau Apple Pay Later và tiếp đó là tài khoản tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 4,15%/năm, cao hơn gấp 10 lần lãi suất bình quân của các ngân hàng truyền thống tại Mỹ.
Tất nhiên, tài khoản này nằm dưới sự quản lý của Goldman, một ngân hàng truyền thống của Mỹ nhắm đến 1,2 tỷ người dùng iPhone.
Mặc dù vậy, tờ Financial Times (FT) cảnh báo ngành ngân hàng truyền thống cần phải cẩn trọng với công ty có mức vốn hóa 2,6 nghìn tỷ USD và nổi tiếng với những cuộc cách mạng toàn ngành.
Với 1,2 tỷ người dùng iPhone cùng hệ sinh thái của mình, Apple được đánh giá là có thể trở thành ngân hàng lớn nhất thế giới, biến những ông lớn trong ngành thành “kẻ tí hon”.
Riêng mảng dịch vụ, bao gồm doanh thu từ đăng ký tài khoản đến giao dịch qua chợ ứng dụng App Store của nhà táo khuyết trong năm vừa qua đã thu về 55 tỷ USD, cao hơn tổng doanh thu của JP Morgan Chase và Citibank cộng lại.
Thế nhưng ngay cả doanh thu dịch vụ này cũng chỉ chiếm 1/5 tổng doanh thu của Apple, cho thấy tiềm năng khủng khiếp của “nhà táo khuyết” nếu tham chiến ngành ngân hàng.
Thậm chí, chính Apple cũng thẳng thắn thừa nhận tham vọng của mình trong mảng này. Những thông báo tuyển dụng hiện nay của hàng tràn ngập những từ ngữ như “tạo nên cuộc cách mạng trong ngành ở phân khúc thanh toán, giao dịch và nhận dạng”.
Vào năm 2016, giám đốc Apple Pay là bà Jennifer Bailey đã tuyên bố thẳng rằng Apple đang trên cuộc “hành trình” dài nhằm thay thế ví tiền của người tiêu dùng.
“Apple có thể không được cấp phép bảo hiểm tiền gửi ngân hàng nhưng rõ ràng họ là một ngân hàng. Nếu bạn chuyển tiền, giữ tiền, quản lý tiền và thậm chí cho vay thì rõ ràng bạn là một ngân hàng”, CEO Jamie Dimon của JP Morgan Chase khẳng định.
Thậm chí CEO Dimon còn tái cảnh báo nhà đầu tư trong tháng này khi Apple mới cho ra mắt 2 dòng sản phẩm tài chính mới. Vị lãnh đạo này lo lắng những “công ty công nghệ lớn” có quá nhiều nguồn lực về dữ liệu, công nghệ để tạo nên lợi thế tách biệt rõ ràng với các ngân hàng truyền thống.
CEO Stephen Squeri của American Express cũng đồng quan điểm khi nhận định chẳng có ai là “ngờ nghệch” khi nhìn vào những bước tiến của Apple.
“Ngành ngân hàng truyền thống của chúng tôi đang bị bám đuôi”, CEO Squeri thừa nhận.
Tằm ăn dâu
Tờ FT nhận định Apple không tiếp cận ngành ngân hàng bằng chiến thuật mua lại-sáp nhập (M&A) thông thường mà đi những bước chắc chắn để tạo lợi thế qua thời gian, theo kiểu “tằm ăn dâu” một cách dần dần.
Bằng chứng điển hình cho chiến lược chậm nhưng chắc này của Apple là Apple Pay, dịch vụ thanh toán di động được ra mắt cùng iPhone 6 vào năm 2014.
Ban đầu, sự kém phổ biến của sản phẩm này khiến hàng loạt ông lớn trong ngành ngân hàng cười nhạo năm đầu tiên của Apple Pay. Số liệu cho thấy chỉ 1/10 người dùng iPhone toàn cầu là dùng dịch vụ này vào năm 2016, một tỷ lệ quá kém so với màn ra mắt hoành tráng.
Tuy nhiên theo thống kê của Deepwater Asset Management, tỷ lệ này nhanh chóng tăng lên 50% người dùng iPhone vào năm 2020 và đến năm 2022 là 75%. Thậm chí đến Hội đồng Châu Âu (EC) còn phải mở hẳn một cuộc điều tra về Apple Pay do lo ngại tầm ảnh hưởng quá lớn của dịch vụ này.
“Họ phát triển với tốc độ rất chậm. Tiến trình này có thể mất đến 5-10 năm nhưng khi đã thành công thì Apple sẽ có một cơ sở cực kỳ vững chắc và quy mô sánh ngang với các ông lớn như Citibank, JP Morgan Chase hay Wells Fargo”, giám đốc Gene Munster của Deepwater cảnh báo.
Trả lời FT, 3 cựu nhân viên của Apple cho biết tập đoàn này đang chơi một cuộc chiến dài hạn trong mảng tài chính và thanh toán để đặt những nền móng vững chắc nhất nhằm giành lấy thị phần lớn trên thị trường.
Ví dụ Apple đã dành nhiều năm để phát triển dự án nội bộ “Project Muirfield”, qua đó giúp iPhone không chỉ gửi được tiền mà còn nhận lại được chúng. Chức năng này đã từng được giới thiệu thoáng qua tại hội chợ công nghệ tháng 2/2022. Khi đó Apple đã quảng bá chỉ với một cú chạm, người tiêu dùng có thể thanh toán qua thẻ tín dụng mà không cần thêm bất kỳ thiết bị phụ trợ đầu cuối, máy đọc thẻ hay máy quét gì hết.
Những chuyên gia trong ngành nhận định thậm chí với độ phủ sóng của mình, người mua và người bán nếu đều dùng hệ sinh thái Apple thì có thể thanh toán mà chẳng cần một ngân hàng truyền thống trung gian hay các dịch vụ ở giữa như Visa hay Mastercard.
“Ngay lúc này, Apple hoàn toàn có thể bỏ qua ngân hàng nếu giải quyết được mảng giấy phép, họ có thể tách biệt hệ thống thanh toán của mình. Rõ ràng, việc nắm giữ thông tin khách hàng và kênh phân phối là lợi thế cực kỳ quan trọng trong ngành này. Hãy tưởng tượng ngày càng nhiều người dùng Apple Pay cũng như phụ thuộc vào hệ sinh thái Apple, thế rồi họ sẽ chuyển sang các sản phẩm dịch vụ tài chính của hãng và dần bỏ rơi những ngân hàng truyền thống của mình”, một cựu nhân viên Apple nói với FT.
Vứt bỏ
Ngay cả với Goldman Sachs, ngân hàng hợp tác với Apple trong mảng tài chính, cũng phải đối mặt với rủi ro bị vứt bỏ.
Giám đốc Munster của Deepwater nhận định Apple có một lịch sử chuyên hợp tác với doanh nghiệp khi họ cần, sau đó vứt bỏ đối tác khi đã tự đứng được trên đôi chân của mình. Vô số những vụ kiện cáo của các startup về việc Apple lấy ý tưởng của họ thông qua đàm phán hợp tác để rồi cướp người và vứt bỏ họ. Câu chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra với mảng tài chính-ngân hàng.
“Danh sách những đối tác bị Apple vứt bỏ là vô cùng dài”, giám đốc Munster cho biết.
Ở một khía cạnh khác, CEO Sam Shawki của MagicCube, công ty cũng đang phát triển công nghệ tài chính trực tuyến nhận định cuộc cách mạng thanh toán di động có thể biến mảng thiết bị đầu cuối trong giao dịch với tổng giá trị thị trường lên đến 48 tỷ USD thành “đồ cổ”.
“Tại sao chúng ta phải dùng máy fax trong khi đã có email. Cắn một miếng bánh thị phần không có gì là lạ nhưng đánh sập những ông lớn trong mảng thiết bị đầu cuối là cả một câu chuyện. Và Apple thì đang hướng tới mục tiêu dài hạn là hạ bệ Visa lẫn Paypal”, CEO Shawki cảnh báo.
Đáng buồn cười
Trả lời FT, một cựu giám đốc Apple cho biết chi phí để thu hút khách hàng mới cho Apple Card rẻ hơn mảng tín dụng của các ngân hàng truyền thống đến mức “đáng buồn cười” nhờ hệ sinh thái khổng lồ của tập đoàn.
Ví dụ Apple sẽ liên tục cảnh báo cho khách hàng về việc cần đăng ký Apple Pay trên thanh thông báo, nếu không một thứ gì đó “tệ hại” có thể xảy ra và phần lớn người dùng chấp nhận làm điều này.
Trong khi đó, phó chủ tịch Kim Schwendeman của Stax cho biết các chương trình như Apple Pay Later từ dịch vụ mua trước trả sau có thể dễ dàng hướng người tiêu dùng sang dịch vụ vay tín dụng để chi tiêu.
Năm 2022, Apple đã mua lại Credit Kudos, một startup về tín dụng tại Anh.
“Bạn có càng nhiều dữ liệu khách hàng thì việc giới thiệu dịch vụ tín dụng càng dễ dàng. Trong khi đó Apple thì đang ngồi trên đống dữ liệu người dùng khổng lồ”, chuyên gia phân tích Charlotte Principato của Morning Consult cảnh báo.
Mặc dù vậy, không phải chuyên gia nào cũng đồng quan điểm. Cựu giám đốc kỹ thuật Boe Hartman của mảng bán lẻ tại Goldman Sachs nhận định Apple nhiều khả năng sẽ không thay thế được các ngân hàng truyền thống.
“Nền tảng của các ngân hàng là vô số luật lệ chặt chẽ, và các ngân hàng phải liên tục chứng minh rằng mình tuân thủ các quy định này mỗi ngày. Trong khi đó những doanh nghiệp như Apple chỉ muốn tạo trải nghiệm mới cho người dùng nhằm khiến họ gắn kết chặt chẽ hơn với hệ sinh thái của mình. Đó là tất cả những gì họ muốn. Apple không muốn phải đối phó với những quy định khắt khe của ngành ngân hàng vì nó quá khó khăn cũng như phức tạp”, chuyên gia Hartman nhận định.
*Nguồn: FT