Trung Quốc đang giết chết mô hình của Didi, còn CEO Uber thì đang cười thầm

15/11/2016 17:10 PM | Công nghệ

Uber có thể khôn ngoan, có thể gặp may khi quyết định rút lui khỏi Trung Quốc và nhường thị trường này cho đối thủ cạnh tranh Didi.

Thương vụ sáp nhập giữa Uber Trung Quốc và Didi Chuxing vừa mới được công bố cách đây vài tháng, đánh dấu một bước ngoặt mới của thị trường cho đi nhờ xe qua ứng dụng di động tại nước này. Và có thể nói, đây là một chiến thắng vang dội của Didi trước đại kình địch Uber.

Tuy nhiên, Didi sẽ không thể ăn mừng quá lâu. Mới đây, Chính quyền tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã đưa ra một chính sách mới đối với cách thức hoạt động của các mô hình giống như Didi. Theo đó, tại các thành phố này, chỉ có những người dân bản địa tại đây mới được phép trở thành tài xế cho các dịch vụ Didi.

Đồng nghĩa với việc những người dân từ nơi khác đến sẽ không được phép hoạt động dưới hình thức cho đi nhờ xe thông qua ứng dụng. Chính sách mới này thực sự là cơn ác mộng đối với Didi Chuxing, bởi chỉ có 3% trong tổng số 410.000 tài xế của dịch vụ này đáp ứng đủ điều kiện nêu trên.

Uber từ bỏ thị trường Trung Quốc là một quyết định khôn ngoan, hoặc gặp may

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã từng cấp phép hoạt động cho các mô hình đi nhờ xe thông qua ứng dụng giống như Didi. Tuy nhiên tại các thành phố khác nhau, Chính quyền có thể đưa ra những biện pháp riêng để áp dụng cho các startup này nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp truyền thống.

Chuyên gia phân tích Marie Sun của Morningstar Investment Service cho biết: “Đây là một cú sốc lớn đối với Didi, bởi phần lớn doanh thu của họ đến từ mảng kinh doanh này. Ở một khía cạnh khác, có thể thấy Uber khá may mắn khi nhanh chân rút khỏi thị trường này và nhường chỗ cho đối thủ của mình”.

Có thể CEO Travis Kalanick đã dự đoán trước được những khó khăn phải đối mặt tại thị trường Trung Quốc, từ đối thủ Didi cho đến Chính quyền nước này. Do đó mà Uber đã quyết định nhường lại toàn bộ thị trường cho đối thủ cạnh tranh.

Nhưng cũng có thể Uber chỉ đơn giản là gặp may mắn. Dù sao đi nữa, trong lúc Didi đang lo sợ trước Chính sách mới thì Travis Kalanick có thể đang cười thầm. Tuy nhiên, Uber cũng đã đầu tư rất nhiều tiền vào thị trường này mà không thu lại bất kỳ kết quả nào.

Trung Quốc không phải thiên đường của các startup như Didi và Uber

Lý do khiến cho các startup như Didi và Uber khó lòng phát triển tại Trung Quốc, là vì các mô hình này làm ảnh hưởng tới các công ty taxi truyền thống. Trong khi đó, Chính quyền các thành phố Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn từ các công ty taxi truyền thống.

Quy định mới của nhiều thành phố về việc các tài xế phải là người địa phương và phương tiện của họ cũng phải được đăng ký trong thành phố, cũng chính là một trong những chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của các hãng taxi và chống lại startup như Didi.

Tuy nhiên hiện tại thì các quy định này vẫn chưa được áp dụng một cách chính thức, nó sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian nữa trước khi được phê duyệt và áp dụng. Trong lúc đó, Didi sẽ có thêm thời gian để tìm cách đối phó.

Một trong những cách mà Didi vẫn đang sử dụng, đó là bất chấp các quy định và tiếp tục hoạt động. Rất nhiều tài xế của Didi đã bị phạt vì thiếu các giấy tờ cần thiết, bảo hiểm, tuy nhiên họ cho biết công ty sẽ thanh toán các khoản tiền phạt này.

Didi đã bị ngừng hoạt động tới 30 lần tại nhiều thành phố khác nhau tại Trung Quốc, và cũng phải trả hàng trăm triệu Nhân dân tệ tiền phạt. Tuy nhiên bất chấp những điều đó, startup này vẫn hoạt động mạnh mẽ.

Theo Song Yingche, một người lái xe cho Didi mà không có hộ khẩu trong thành phố: “Ngày càng có ít tài xế của Didi hoạt động hơn. Tuy nhiên tôi không quan tâm tới các quy định mới, tôi nghĩ rằng nó thật bất hợp lý khi hạn chế những người lái xe bằng hộ khẩu của họ”.

Khác với Uber, khi mà startup này có thể chấp nhận từ bỏ thị trường Trung Quốc để tập trung phát triển các thị trường khác nhiều tiềm năng hơn. Didi đang không có đường lùi, Trung Quốc là thị trường duy nhất của họ, mà do đó startup này sẽ phải chiến đấu đến cùng.

Vậy mới thấy chiến thắng của Didi trước Uber tại Trung Quốc không phải là một chuyện đáng mừng. Bạn thắng một trận chiến, không có nghĩa bạn sẽ chiến thắng cả cuộc chiến này.

Cùng chuyên mục
XEM