Trung Quốc chuyên đi sao chép nhưng vẫn có điểm đáng cho chúng ta học tập: Đó là cách họ thoát khỏi kiếp gia công để trở thành trung tâm startup, công nghệ

13/10/2016 08:14 AM | Xã hội

Khảo sát của tổ chức GEM gần đây cho thấy tỷ lệ người trong độ tuổi 18-64 đã và đang khởi nghiệp tại Trung Quốc là 15,53%, cao hơn rất nhiều so với mức 3,83% của Nhật Bản và thậm chí là 13,81% của Mỹ.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề và tăng trưởng giảm tốc, nhưng có vẻ điều này không ảnh hưởng mấy đến cộng động startup tại đây.

Hiện nay, những công ty tư nhân và thiên hướng tập trung vào người tiêu dùng đang dần thay thế vai trò thúc đẩy tăng trưởng của nhiều tập đoàn quốc doanh nhà nước đang làm ăn không hiệu quả tại Trung Quốc. Đương nhiên, cộng đồng khởi nghiệp và nhiều doanh nhân trẻ cũng nhận ra xu thế này và đang cố gắng nắm bắt lấy thời cơ gọi vốn.

Trung Quốc đang là quốc gia có nhiều doanh nghiệp mới ra đời lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ và vị thế của các startup tại quốc gia Châu Á này cũng đang ngày một lớn hơn.

Sau nhiều năm tích lũy như xưởng gia công của thế giới, công nghệ kỹ thuật tại Trung Quốc đã đạt đến mức đủ để thúc đẩy hàng loạt startup mọc lên như nấm. Hơn nữa, sức mua của thị trường lớn nhất thế giới này cũng tạo nên môi trường béo bở cho các nhà khởi nghiệp.

Từ công xưởng gia công trở thành trung tâm công nghệ

Thành phố Thẩm Quyến tại Quảng Đông-Trung Quốc vốn từng là trung tâm gia công lắp ráp thiết bị điện tử cho các tập đoàn quốc tế. Tuy nhiên, giờ đây thành phố này đang chuyển mình chóng mặt.

Startup NXROBO tại Thẩm Quyến là một ví dụ rõ ràng khi hãng này phát triển được một loại robot nhận diện kỹ thuật cao mang tên Big-i. Chú robot này có mắt thần bằng như pha lê và có thể hiểu được những chỉ lệnh bằng giọng nói hay động tác của con người. Giá của một chú Big-i vào khoảng 799 USD và sẽ sớm được tung ra thị trường.


Robot Big-i

Robot Big-i

Trong nhiều năm, Thẩm Quyến đã là trung tâm sản xuất hợp đồng của nhiều hàng lớn, nhưng nay thành phố này đang thu hút rất nhiều startup cũng như nhà khởi nghiệp đến đây kinh doanh.

Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng và những yếu tố đi kèm phục vụ cho gia công lắp ráp thiết bị điện tử, Thẩm Quyến trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều đối với các nhà khởi nghiệp Trung Quốc.

Ví dụ như startup phát triển mã nguồn mở Seeed Studio, sự sẵn có của cơ sở hạ tầng khiến công ty này duy trì sản xuất được những bo mạch theo dữ liệu yêu cầu của khách hàng mà vẫn thu được lợi nhuận. Một bo mạch đơn giản với 10 đơn vị được startup này bán với giá 9,9 USD và được hoàn thành chỉ trong 4-6 ngày.

Do không có nhiều công ty đủ sức duy trì lợi nhuận với dịch vụ kiểu như vậy nên Seeed Studio đang bị ngập trong các đơn đặt hàng, thậm chí là từ các khách hàng quốc tế.


Startup Seeed Studio

Startup Seeed Studio

Tinh thần Startup

Dù kinh tế Trung Quốc giảm tốc, nhưng tăng trưởng của cộng đồng startup tại đây lại không hề có dấu hiệu suy giảm.

Ngày càng nhiều giới trẻ Trung Quốc ngày nay có tư tưởng xây dựng sự nghiệp riêng, theo đuổi đam mê và chống lại các định kiến về thu nhập ổn định. Khảo sát của tổ chức GEM gần đây cho thấy tỷ lệ người trong độ tuổi 18-64 đã và đang khởi nghiệp tại Trung Quốc là 15,53%, cao hơn rất nhiều so với mức 3,83% của Nhật Bản và thậm chí là 13,81% của Mỹ.


tỷ lệ người trong độ tuổi 18-64 đã và đang khởi nghiệp tại 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (%)

tỷ lệ người trong độ tuổi 18-64 đã và đang khởi nghiệp tại 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (%)


Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào startup của Nhật bản và Trung Quốc (Nghìn tỷ Yên)

Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào startup của Nhật bản và Trung Quốc (Nghìn tỷ Yên)

Năm 2015, khoảng 4,43 triệu startup mới đã được thành lập tại Trung Quốc, tăng 20 % so với năm trước. Không những thế, nguồn vốn đầu tư cho startup tại Trung Quốc đang đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Từ đầu năm đến nay, khoảng 139,9 tỷ Nhân dân tệ (28 tỷ USD) đã được đầu tư vào startup tại Trung Quốc, cao hơn tổng số vốn của cả năm 2015. Con số này cũng khiến Trung Quốc trở thành nước có đầu tư nhiều nhất cho startup sau Mỹ.

Không riêng gì Thẩm Quyến, hàng loạt những thành phố khác như Bắc Kinh, Thượng Hải cũng đang chuyển hướng đến việc phát triển trở thành nơi thu hút nhiều startup.

Ví dụ như startup Zhiche Auto tại Bắc Kinh đang nuôi tham vọng trở thành đối thủ cạnh tranh với Tesla trong mảng ô tô điện thông minh. Mới được thành lập vào năm 2014 nhưng hãng đã cho ra mắt mẫu xe đầu tiên vào tháng 3/2016 và dự kiến bắt đầu chào bán vào năm 2017, tiếp đó đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2018.


Sản phẩm của startup Zhiche Auto

Sản phẩm của startup Zhiche Auto

Tìm kiếm thành công

Trung Quốc hiện cũng là cái nôi cho các “kỳ lân”, những startup chưa được niêm yết nhưng đã có giá trị hơn 1 tỷ USD.

Theo CB Insight, hiện có khoảng 4/10 kỳ lân lớn nhất trên thế giới thuộc về Trung Quốc.

Trang mua bán trực tuyến Fanli là một trong số đó. Vào năm 2015, khoảng 20 tỷ Nhân dân tệ đã được giao dịch quá Fanli và đưa startup này trở thành kỳ lân lớn nhất trong mảng mua bán trực tuyến. Hiện tiềm năng phát triển của Fanli còn rất lớn khi hơn 700 triệu người Trung Quốc hiện đã kết nói được với Internet và khoảng 60% trong số đó có sử dụng dịch vụ thương mại điện tử.

Với thị trường tiêu dùng rộng lớn và nguồn vốn dồi dào, Trung Quốc hiện đang chuyển mình từ một công xưởng của thế giới để trở thành nền kinh tế dẫn dắt bởi công nghệ và các startup.

Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh đang khiến cả thế giới phải ngạc nhiên trước sự phát triển thần kỳ của cộng đồng startup Trung Quốc bất chấp sự giảm tốc của cả nền kinh tế.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM