Trồng rau treo thẳng thu tiền tỷ
Cả chục loại rau, quả trồng trong nhà kính theo kỹ thuật treo thẳng tại vườn rau của anh Nguyễn Định (phường 8, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đều cho năng suất, chất lượng cao. Khu vườn độc đáo này đã trở thành điểm tham quan, mua rau quả làm quà tặng ưa thích của đông đảo du khách.
Tẩy độc cho đất
Rời trường đại học với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, Nguyễn Định (sinh năm 1986) xin vào làm việc tại một số doanh nghiệp trong và ngoài nước ở TPHCM. Sau khi tích lũy thêm kiến thức và đúc rút được nhiều kinh nghiệm, Định trở về thành phố Đà Lạt bàn với gia đình áp dụng kỹ thuật trồng rau treo thẳng đứng của Israel.
Để áp dụng công nghệ này, gia đình Định phải tiến hành xây dựng nhà kính với quạt thông gió, lưới ngăn nắng, hệ thống tưới nước phun sương và nhỏ giọt… với vốn đầu tư lên đến 200 triệu đồng/1.000m2.
Kế đến là tiến hành tẩy độc cho đất bởi khu vườn đã bị ô nhiễm sau khi trải qua nhiều năm canh tác rau và hoa với đủ loại phân bón, nhất là phân vô cơ và phun nhiều loại hóa chất diệt côn trùng, sâu bọ... Anh cày xới đất cho thật tơi xốp, bón lót phân hữu cơ chế biến từ phân chuồng, vỏ cà phê và bổ sung thêm một số chất khác để cân bằng dinh dưỡng cho đất; đồng thời tạo môi trường và độ ẩm thích hợp cho các sinh vật có lợi sinh sôi trở lại.
Bởi cây trồng mà anh lựa chọn canh tác (các loại dưa, cà chua, ớt ngọt…) thường có bộ rễ phát triển rất rộng nên anh lên luống khá lớn (cao 20 cm, rộng khoảng 1,5 m, mỗi luống trồng 2 hàng) và có độ nghiêng để thoát nước tốt; đồng thời sử dụng màng phủ nông nghiệp nhằm hạn chế việc bốc hơi, rửa trôi dưỡng chất; giữ được cấu trúc đất tơi xốp, thoáng khí; hạn chế được một số sâu bệnh và cỏ dại.
Năm 2015, anh Định xuất vườn loại quả lạ chưa từng được sản xuất thương phẩm ở Việt Nam là dưa pepino. Đây là loại trái cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, quả nhỏ hình oval, mỗi quả chỉ nặng 200- 300 gram. Khi đến độ thu hoạch, da căng mọng màu vàng nhạt với những sọc tím khá đẹp; ruột giòn, ngọt thanh và thơm mát. Tùy theo từng giai đoạn, dưa sẽ mang hương vị của nhiều loại trái cây khác nhau như mít, xoài, kiwi, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, măng cụt...
Hàng chục loại cây trồng được… treo thẳng
Anh Định cho hay pepino là loại cây thân leo với chiều dài hơn 2m nên rất phù hợp với kỹ thuật treo thẳng. Khi pepino được mười mấy phân thì khéo léo quấn thân cây vào hệ thống dây treo hoặc thanh gỗ để cố định cho cây, giúp thân vươn thẳng, không bị nghiêng, gãy đổ.
Pepino rất phù hợp khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng của Đà Lạt. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây được hơn 3 tháng sẽ ra trái và đến 4-5 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch; có thể thu hoạch liên tục trong vòng 2-3 năm, quả chi chít từ gốc lên tới ngọn, giá từ 40-50 nghìn đồng/kg nên mang lại lợi nhuận cao cho nhà nông.
Bên cạnh 2.000m2 đất trồng dưa pepino, anh Định còn dành ra 3.000m2 ở phường 8 để luân canh các loại rau quả mới lạ khác. Ngoài ra, anh liên kết trồng rau treo thẳng tại trang trại rộng 5ha ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Anh đã áp dụng phương pháp kỹ thuật treo thẳng với những loại rau quả độc, lạ, thơm, ngon khác như ớt chuông, ớt sừng, dưa leo baby Hà Lan, dưa leo dài tới 40 cm như trái mướp cùng nhiều loại cà chua như beef, chery vàng, đỏ chùm, đỏ nhọn, sô cô la, baby siêu ngọt… có thể dùng để chế biến thành món ăn truyền thống hoặc ăn sống như trái cây.
Các loại nông sản này đều có chất lượng vượt trội, được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với đầu ra ổn định (bán tại chỗ cho khách tham quan hoặc chuyển đến các siêu thị), mỗi năm gia đình anh Định lãi cả tỷ đồng.
Đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn với những hàng cây treo thẳng tắp, có những thân cây treo thẳng cao tới 3,5-4 m, anh Định nhấn mạnh việc cắt tỉa cành non là rất quan trọng để tránh tình trạng cây tập trung toàn bộ chất dinh dưỡng để nuôi thân mà không đơm hoa, kết trái.
Thông thường, với mỗi gốc, người trồng chỉ nên để vài cành cho cây tập trung phát triển, ra quả nhiều và đều. Việc cắt tỉa cành lá dư thừa còn tạo không khí thông thoáng cho cây hấp thu đủ lượng ánh sáng, nhiệt độ trong nhà kính, góp phần tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chàng kỹ sư này còn cho biết cứ sau một năm canh tác phải cày xới lại thửa đất cho tơi xốp. Trong thời gian trên dưới 30 ngày trước khi gieo trồng lứa rau mới, phải bón lót phân hữu cơ nhằm tạo môi trường độ ẩm thích hợp cho khả năng sinh sôi trở lại của các loài sinh vật có lợi và đảm bảo nền đất dinh dưỡng bền vững.
Ngoài việc kết hợp đồng bộ các giải pháp sinh học về cải tạo đất, bón phân hữu cơ, còn phải lắp đặt bẫy dẫn dụ côn trùng và trồng các rau mùi đối kháng xua đuổi sâu bệnh gây hại. Trên các luống dưa, luống cà…, anh Định cho trồng xen ngò tây, một loại cây tiết ra chất tinh dầu cao, có khả năng xua đuổi các loại côn trùng gây bất lợi để hạn chế mầm bệnh và giữ cho quả không bị thối, sâu đục...