Trở nên đặc biệt cũng không đặc biệt lắm đâu

23/10/2016 10:49 AM | Sống

Đứng ở khía cạnh tâm lý học, có một nghịch lý là trong 50 năm vừa qua, dù tiêu chuẩn sống của con người ngày càng được nâng cao ở các nước phương Tây, chỉ số hạnh phúc thì vẫn vậy, còn những bệnh về tâm lý, rối loạn lo âu, ái kỷ hay trầm cảm lại tăng đều.

Khi bạn học marketing, điều đầu tiên họ dạy đó chính là bạn hoàn toàn có thể làm ra tiền từ nỗi sợ của con người. Nếu bạn khiến một người cảm thấy thiếu thốn hoặc thấp kém, họ sẽ tự ái và mua những thứ khiến họ cảm thấy tốt hơn. Hệ thống thị trường tư bản luôn hoạt động không ngừng, do đó, nó góp phần hình thành một xã hội nơi con người luôn cảm thấy thiếu thốn và thấp kém.

Nực cười là nhiều người từng đi du lịch ở các quốc gia “thế giới thứ 3” khẳng định rằng người dân ở nơi đó “hạnh phúc” hơn. Họ thường dựa vào những suy nghĩ sáo rỗng về chủ nghĩa vật chất hay nói rằng chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu biết cách sống đơn giản hơn.

Điều này sai hoàn toàn. Những người nghèo ở xã hội đang phát triển không hề hạnh phúc, họ đơn giản chỉ là ít lo lắng và stress hơn thôi. Người dân ở thế giới thứ 3 không quan tâm bạn có bao nhiều bạn bè hay bộ DVD mà bạn mới mua. Họ chú trọng gia đình hơn – vào sự tập hợp trong cộng đồng. Họ cũng dễ dàng chấp nhận thực tại và ít khi lo lắng hơn, đơn giản là vì họ buộc phải như vậy. Đó là cách họ sinh tồn.

Khi nhìn vào những người theo chủ nghĩa siêu-cá nhân ở phương Tây – đặc biệt là những người cắm rễ ở bàn làm việc để kiếm một đống tiền – khi họ làm việc này, họ nhận tiền và cho đó là thứ giúp họ “hạnh phúc hơn” hay một lối sống “lành mạnh hơn”. Theo một cách nào đó thì… nó đúng là như vậy. Nhưng cùng lúc đó, đây lại là thứ chúng ta vô cùng muốn loại bỏ sau khi trở nên cực kì giàu có.

Triết gia Alain de Botton đã viết về điều này trong quyển Status Anxiety (Lo âu địa vị). Ông nói rằng qua nhiều thế kỷ, con người tự nhận thức được vị trí của mình trong xã hội. Con vua thì lại làm vua. Con sải ở chùa lại quét lá đa. Nếu không có thay đổi, hay cơ hội, thì sẽ không có áp lực thúc ép bạn tiến về phía trước. Bạn không quyết định được mình sinh ra ở đâu, nên bạn chấp nhận nó và cứ thế mà sống.

Nhưng ở một xã hội luôn đãi mộ nhân tài, mọi thứ thay đổi. Ở đó, nếu bạn nghèo, hay thành công nhưng lại đánh mất tất cả, không phải là tai nạn hay định mệnh gì đâu. Mà tệ hơn. Nó là lỗi của bạn. Bạn là kẻ thất bại. Bạn là người đánh mất mọi thứ. Và điều này khiến mọi người sống cùng với nỗi sợ thấp kém; mọi tất bật, xô bồ của thế giới này đều xuất phát từ nỗi sợ về địa vị xã hội.

De Botton không nói rằng xã hội phong kiến hay xã hội nghèo là tốt hơn. Ông chỉ đơn giản làm rõ rằng khi một xã hội đi từ phong kiến và nghèo khó lên cạnh trạnh và giàu có, cái giá mà người dân phải trả là mức sống và tốc độ phát triển tăng lên cùng với stress và lo âu.

Suy cho cùng thì càng có nhiều cơ hội, người ta càng lo sợ sẽ lãng phí chúng. Vì thế, chúng ta stress: chúng ta cần có điểm cao, có công việc tốt hơn, hẹn hò với những người hấp dẫn hơn, có thú vui tao nhã hơn, có nhiều bạn hơn, nổi tiếng hơn. Chỉ thoả mãn với những gì mình có đã không còn đủ nữa. Thực ra, với nhiều người, thoả mãn cũng đồng nghĩa với bỏ cuộc.

Hiện nay, chúng ta có được nhiều thông tin hơn bất kì thời đại nào trong lịch sử loài người. Theo Google, cứ mỗi 2 năm, Internet tạo ra nhiều thông tin hơn toàn bộ lịch sử loài người cộng lại. Và tất cả những thông tin đó được chúng ta cập nhật tức thì. Vi diệu đúng không!

Nhưng khi bạn kết hợp hệ thống tư bản với dòng chảy vô tận của thông tin, tác dụng phụ của những thứ này là khiến chúng ta nghĩ rằng không gì trên đời này là đủ.

Những năm đầu thế kỉ 20, “Keeping up with the Joneses” là một câu nói khá nổi tiếng. Câu nói này mô tả tác dụng phụ của xã hội tiêu dùng hiện này. (nghĩa của câu nói này có thể hiểu là “Thấy người ta ăn khoai mình vác mai đi đào”) Hàng xóm vừa mua xe thì mình cũng phải mua xe. Anh rể bạn vừa mua vé trọn gói cả mùa bóng chày của đội tuyển địa phương, thế là bạn cũng cần vé trọn gói đi xem một đội nào đó. Đồng nghiệp của bạn vừa mua vé đi Trung Quốc, vậy là bạn cũng muốn đi đến nơi nào đó đẹp không kém.

Hiện tại, đa phần chúng ta không còn ý thức cảm nhận được những loại ganh tị này nữa. Nhưng không may là, dù chúng ta có nhận ra hay không, ảnh hưởng của “Keeping up with the Joneses” vẫn luôn tồn tại. Loài người chúng ta liên tục vô thức đánh giá bản thân với người khác. Tiếc là điều này lại chiếm một phần rất lớn trong cách chúng ta định nghĩa bản thân, dù chúng ta có muốn hay không.

Hãy tưởng tượng là có 2 triệu nhà Jones cùng với Internet cộng lại ập vào mặt bạn.

Ở đây không phải là chống lại chủ nghĩa tư bản. Cũng không phản đối Internet. Đơn giản chỉ là tôi đưa ra quan điểm của mình về thực tại. Trong thế giới này, con người lúc nào cũng phải nhắc nhở bản thân rằng người khác, nơi khác đang có những thứ tuyệt vời, hay ho hơn mình biết bao.

Trớ trêu là qua những thông tin nguồn mở, Internet đã tạo ra sự không tương xứng và bất an cho những người tiếp cận với nó.

Ví dụ như: lí tưởng “Kiếm tiền tại nhà, chu du thế giới” mà Tim Ferriss đã tạo ra một thập kỷ trước. Thực ra, nó là một lối sống cực kì khắc khổ và không ai có thể chịu được trong thời gian dài, và gần như không phù hợp với tính cách của bất kỳ người nào. Hầu hết mọi người từ bỏ cách sống đó sau vài năm, bao gồm cả Ferriss.

Nhưng nếu bạn tìm trên mạng, bạn sẽ tưởng rằng lí tưởng đó chắc phải thần thánh lắm. Hơn nửa tá người hiện trên Facebook của tôi, toàn bộ đều nói về việc tự tạo con đường riêng cho mình, theo đuổi đam mê, tạo dựng thương hiệu cho bản thân, vượt qua giới hạn, yolo một lần rồi viết blog về những chuyện hay ho mình đã trải nghiệm. Ngộ đời là có nhiều người vẫn luôn nói như vậy, thực chất lại sống nhờ nhà phụ huynh, và không làm ra nổi một đồng bạc. Họ có vẻ như đang cố gắng thuyết phục bản thân mình hơn là người khác.

Tôi đặc biệt. Tôi là duy nhất. Tôi đi ngược với người khác. Hãy nhìn tôi đi. Tôi khác biệt, đúng không?

Những người sống cuộc đời mạo hiểm, tự do mà tôi biết ít khi nói về lối sống của mình vì họ cảm thấy nếu nói về nó nhiều quá sẽ khiến mình tách biệt với mọi người xung quanh. Trở nên đặc biệt là một chuyện tốt, nhưng đó không phải là thứ chúng ta cần. Nó không phải hệ thống đo lường thích hợp cho cuộc sống sung túc.

Nếu mọi người đều nghỉ việc và cố kiếm tiền từ viết blog hoặc tạo ra một ứng dụng có tính năng đếm bao nhiêu lần bạn đánh rắm mỗi ngày, thì nền kinh tế thế giới sẽ bế tắc mất. Nhiều người bị trói buộc thành những kẻ đơn độc, lập dị. Những người khác lại vướng vào lề thói sống hằng ngày. Một số người ưa mạo hiểm. Một số lại yêu thích sự bình yên.

Có thể tìm được niềm vui từ những việc nhỏ nhặt, từ mọi thú vui trong đời là một chuyện đáng mừng, nhưng có vẻ việc này càng ngày càng khó thực hiện. Chúng ta bị công kích mỗi ngày: ở đây có người lính dũng cảm đã cứu một xe bus trường học chở toàn trẻ con, chỉ với một cái xà beng và dây câu cá; ở kia có một tỷ phú hơn 30 tuổi nghiên cứu ra cách chống lại “lão hoá” vì thế chúng ta có thể sống bất tử; ở đây lại có một đứa trẻ mới 12 tuổi mà đã chơi được bản Rite of Spring của Stravinsky bằng bảy thứ nhạc cụ với chân cùa mình.

Ngụ ý ở đây đều như nhau: Bạn đã làm được như thế chưa?

Oh, hôm nay bạn lại nản lòng sao? Ngồi dậy đi, những con người lầy lội này! Để tôi nói lại cho mà nghe.

Nếu bạn không tìm được niềm vui từ những thứ giản đơn ở trần thế này, thì dù có đi đâu chăng nữa, cũng vô dụng thôi.

Như người ta thường nói, bạn ở đâu thì tâm trí bạn sẽ có mặt ở đó. Trở nên đặc biệt cũng không đặc biệt lắm đâu. Bạn sẽ cảm thấy kiệt sức. Bạn sẽ cảm thấy đơn độc. Bạn sẽ luôn cảm thấy rằng mình có thể làm được hơn thế.

Đừng bán rẻ bản thân vì sự chú ý và hào quang ảo. Dù những điều đó không hề sai, nhưng chúng không phải là lí do đúng đắn để sống trên đời.

Thay vào đó, hãy chú tâm vào những điều giản dị xung quanh. Vào các sắc thái của cuộc sống. Sống chậm lại. Hít thở. Cười. Bạn không cần phải chứng minh với bất cứ ai cả. Bao gồm cả bản thân mình. Hãy tự mình ngẫm lại trong một phút, để tư tưởng này thấm vào tâm trí: Bạn không phải chứng minh với bất cứ ai, bao gồm cả bản thân mình.

Theo Khương Minh Tú

Cùng chuyên mục
XEM