Chế ngự tâm lý "kẻ mạo danh" cản bước thành công

12/10/2016 18:51 PM | Kinh doanh

Rào cản lớn nhất khiến bạn không dám bước ra khỏi vùng an toàn chính là niềm tin sai lầm rằng bạn chỉ là một kẻ tầm thường, bạn không đủ năng lực để làm bất cứ thứ gì mong muốn.

Nỗi ám ảnh đó giam hãm phần lớn chúng ta, khiến bạn trở nên sợ hãi mọi thứ, không dấn thân. Và nó có tên là “hội chứng kẻ mạo danh”.

Đây là hội chứng tâm lý mà người mắc phải không nhận thức được giá trị bản thân và những thành công mà họ gặt hái được. Họ thường nghĩ những thứ mình đạt được là do may mắn chứ không phải vì có thực tài. Người mắc chứng tâm lý này thường rơi vào tự ti, cho mình kém cỏi, mất dần động lực phấn đấu, thu mình và không đạt được thành tựu nào trong cuộc sống.

Triệu chứng phổ biến là bạn sẽ rất ngưỡng mộ những người thành công và tin rằng họ chắc chắn có một năng lực đặc biệt để không sợ hãi bất cứ điều gì, rằng họ sinh ra và được số phận dẫn lối đến thành công, còn bạn thì không may mắn có được những điều đó.

Thật bất ngờ khi thực tế là bất cứ ai, dù thành công, giàu có đến thế nào cũng đều có những nỗi sợ sâu thẳm. Điểm khác biệt là có những người có thể vượt qua nỗi sợ hãi đó, nên thành công, trong khi ở phía ngược lại là những người để nỗi sợ giam hãm mình.

Hội chứng kẻ mạo danh giam hãm bạn trong những nỗi sợ Andy Molinsky - Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý học tại Đại học Harvard và là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng cho biết, mọi người thường thấy ông xuất hiện một cách tự tin tại hội thảo, trên giảng đường nhưng họ không biết rằng thực ra bên trong ông vẫn tồn tại một nỗi lo sợ. Và Giáo sư cho biết, những người nổi tiếng, tự tin xuất hiện trước công chúng không có nghĩa họ hoàn toàn thoải mái với điều đó.

Nữ diễn viên Natalie Portman, trong một buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Harvard vào năm 2015 đã mô tả cô vẫn luôn thiếu tự tin. Nữ diễn viên Thiên nga đen tiết lộ rằng cô cảm thấy rất bất an khi quyết định vào học tại Harvard và nhiều người cho rằng cô được nhận vì là một diễn viên nổi tiếng thay vì có thực tài.

“Tôi cảm thấy tôi đã mắc phải sai lầm nào đó. Rằng, tôi không đủ thông minh để được nhận vào ngôi trường này, và mỗi lúc mở miệng tôi phải cố gắng chứng minh tôi không phải diễn viên”, Natalie tâm sự. Khoảng thời gian tại Harvard, nữ diễn viên phải trải qua những khoảnh khắc đen tối, áp lực, nhiều rủi ro. Thế nhưng, bằng cách chế ngự và bước sang vùng thoải mái, Natalie Portman đã tốt nghiệp ngành Tâm thần học Đại học Harvard.

Natalie Portman trong buổi nói chuyện với sinh viên Harvard Howard Schultz – ông chủ, CEO chuỗi cà phê Starbucks tiết lộ: “Tôi và những CEO mà tôi biết, có thể sẽ không bao giờ nói vói bạn, nhưng sự thật là ngay khi đã ngồi vào chiếc ghế giám đốc điều hành, chúng tôi đều không tin rằng mình đã đủ khả năng đảm đương trọng trách đó”.

Điều bạn có thể học ở họ là kinh nghiệm vượt qua nỗi sợ hãi và hạn chế của tâm lý - những rào cản khiến bạn chưa thành công. Nội dung sau được chia sẻ bởi giáo sư Andy Molinsky trên trang Harvard Business Review:

Lợi thế của kẻ thiếu kinh nghiệm

Đầu tiên, đó là cách mà diễn viên NataliePortman đã làm: Nhận ra lợi ích của một kẻ học việc, thiếu kinh nghiệm. Đôi khi sự lo lắng khiến bạn không nhận ra rằng việc là một người mới trong lĩnh vực nào đó là một lợi thế tuyệt vời. Khi bạn không chìm trong những kinh nghiệm, sự khôn ngoan, lành nghề, bạn có thể hỏi bất cứ điều gì bạn không biết, đồng thời, bạn sẽ có cách tiếp cận vấn đề mới lạ mà không có bất cứ ai từng làm trước đó.

Không có gì ngạc nhiên khi một số ý tưởng tuyệt vời tôi nhận được là của những sinh viên – những người ít kinh nghiệm và cũng là những người có những suy nghĩ trẻ trung, tươi mới. Điều này cũng đúng trong lĩnh vực kinh doanh. Công ty dược phẩm Eli Lilly tạo ra nền tảng crowdsourcing (sử dụng ưu thế đám đông), được gọi là InnoCentive gồm những nhà cải cách bên ngoài công ty được trả tiền để giúp giải quyết những vấn đề tranh cãi mà công ty phải đối mặt. Và nó hoạt động rất hiệu quả.

Trong thực tế, theo một nghiên cứu của Karim Lakhani thuộc trường Harvard Business, nhiều vấn đề đã được giải quyết nhờ những câu hỏi được đặt ra bởi những người ngoài cuộc. Vì thế, khi được là một “tay mơ” trong bất kỳ hoàn cảnh nào đó, hãy tự tin rằng những câu hỏi của kẻ ngoài cuộc như bạn rất quan trọng và có thể giúp giải quyết những vấn đề nan giải mà những chuyên gia phải bó tay.

Tập trung vào việc bạn sẽ học được gì

Cách để chống lại hội chứng kẻ mạo danh là tập trung hơn vào những gì bạn học được trong những hoàn cảnh khó khăn. Theo nhà tâm lý học Carol Dweck, hội chứng kẻ mạo danh khiến bạn hoàn toàn bị kiểm soát bởi nỗi sợ hãi, lo lắng. Với một tư duy như vậy, những người mắc hội chứng này thường nhận thấy một cách rõ ràng những cảm xúc của chính mình – một kẻ yếu kém, mắc nhiều sai lầm và thực sự có quá nhiều hạn chế.

Tư tưởng này là nhiên liệu để nung nấu trong suy nghĩ của bạn rằng công việc này không thích hợp với bạn. Và bạn có thể khắc phục nó bằng cách nuôi dưỡng một tư duy học tập để có những trải nghiệm thực sự khác biệt. Lúc này, những sai lầm của bạn được nhìn nhận như một phần tất yếu trong quá trình học tập của một người sẽ tiến bộ dần dần thay vì là bằng chứng tiềm ẩn trong một người sẵn sàng thất bại.

Trước đây, khi đi đến một sự kiện, tôi đã nghĩ rằng mình là người duy nhất trong đó sợ phải bắt chuyện với người lạ. Nhưng qua thời gian, tôi nhận ra rằng tất cả những người trong căn phòng đó đều có cùng nỗi sợ hãi như tôi. Theo một cuộc khảo sát của công ty tư vấn Vantage Hill Partners, một trong số những nỗi sợ hãi lớn nhất của các giám đốc điều hành là họ không đủ năng lực đảm đương vị trí này.

Vì vậy, nếu bạn cảm thấy sợ hãi vì những khả năng còn yếu, thì bạn không phải người duy nhất và bạn chỉ đang đánh giá sai về năng lực của mình. Tất cả những người thành công đều có nỗi sợ như bạn, và họ cũng đang cố gắng vượt qua nó mà thôi.

Vượt qua hội chứng này không dễ dàng, nhưng bạn hoàn toàn có thể khắc phục được nó. Quan trọng là bạn không cần cảm thấy bạn bất lực, kém cỏi hay cô đơn khi nhận ra mình đang mang căn “bệnh” này. Trong lần tới, bất cứ khi nào bạn đang ở trong tình huống nằm ngoài vùng an toàn của mình, đừng tập trung vào cảm giác sợ hãi, nỗi lo thất bại. Hãy xem đó là một cơ hội để bạn học hỏi từ những sai lầm để đi đến một tương lai khác, mới mẻ hơn, thành công hơn. Đó là phần thưởng mà bất cứ ai không dám bước qua ranh giới nỗi sợ sẽ không bao giờ gặt hái được.

Theo TĂNG KHÁNH

Cùng chuyên mục
XEM