TP.HCM phạt Grab, Uber không niêm yết thông tin

30/08/2017 11:22 AM | Kinh doanh

Ô tô Grab, Uber không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị xử lý.

Sở GTVT TP.HCM giao Thanh tra Sở kiểm tra xử lý nghiêm đối với các phương tiện ô tô tham gia sử dụng phần mềm Grab, Uber nếu vi phạm “Không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe ô tô chở hành khách theo quy định”…

Thanh tra khó “xử” Grab, Uber

Theo số liệu của Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 97 trường hợp xe Grab, Uber vi phạm, với số tiền xử phạt hơn 348 triệu đồng. Một lãnh đạo Thanh tra Sở cho hay, lực lượng Thanh tra hiện đảm nhiệm nhiều công việc nên chưa thể triển khai thường xuyên liên tục việc kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Uber, Grab. Trong khi đó, dù đã có kế hoạch liên ngành ký kết giữa Thanh tra Sở và Phòng CSGT về kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe hợp đồng dưới 9 chỗ, tuy nhiên, phía CSGT chỉ tham gia phối hợp với lực lượng TTGT 3 buổi/tuần nên hiệu quả chưa cao.

Vi phạm xảy ra nhiều, nhưng vì thẩm quyền của Thanh tra Sở còn hạn chế nên công tác kiểm tra, xử lý phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Uber, Grab gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, khi phương tiện đang vận chuyển khách lưu thông thì không thể dừng xe để kiểm tra, xử lý nếu không có hành vi vi phạm ban đầu. “Để xác định hành vi vi phạm của xe Uber, Grab thì phải có bản tường trình, sự hợp tác của hành khách đi xe. Tuy nhiên, hầu hết do tâm lý sợ phiền hà nên khi lực lượng chức năng kiểm tra thì hành khách không hợp tác, đối phó bằng cách trình bày đây là xe của gia đình, bạn bè… Ngặt nỗi, lực lượng TTGT không được hóa trang để xử phạt các trường hợp Uber, Grab vi phạm…”, vị này nói.

Grab, Uber phải niêm yết thông tin đơn vị

Sở GTVT TP.HCM khẳng định, Grab, Uber đang hoạt động thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT. Do đó, khi hoạt động các phương tiện phải thực hiện niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải. Ngoài ra, các xe của Grab, Uber cũng phải niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”.

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở đã giao Thanh tra Sở kiểm tra xử lý vi phạm đối với các xe tham gia Uber, Grab như đã làm thời gian qua. Đồng thời, kiểm tra xử lý đối với các phương tiện chạy Grab, Uber về hành vi vi phạm không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe ô tô chở hành khách theo quy định. Kể cả việc các xe này không niêm yết khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” cũng sẽ bị phạt nghiêm. Hiện nay, thực tế có rất nhiều xe tham gia kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Grab, Uber không thực hiện các quy định nêu trên.

Trong số 97 trường hợp đã bị xử phạt từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng đã xử phạt 11 trường hợp "Không niêm yết tên, số điện thoại đơn vị", với số tiền 33 triệu đồng; Không niêm yết theo quy định trên xe ô tô chở hành khách về khẩu hiệu "tính mạng con người là trên hết" là 66 trường hợp, số tiền xử phạt là 198 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phạt 7 chủ phương tiện, với số tiền là 55 triệu đồng...

“Sở cũng đã kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận việc niêm yết dán dòng chữ “GRAB” hoặc “V.CAR” tại hai bên cánh cửa trước của xe ô tô Grab, Uber để dễ quản lý và hiện Bộ GTVT đang xem xét”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, Sở GTVT thành phố đã có văn bản báo cáo thành phố và UBND TP.HCM về góp ý dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ- CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. UBND thành phố cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT. Cụ thể, để có đủ cơ sở quản lý, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải giữa các loại hình kinh doanh vận tải như taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi về nghĩa vụ thuế, quy hoạch phương tiện, về điều kiện kinh doanh…, TP.HCM đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber,… vào loại hình “taxi mới”, trong đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa loại hình “taxi mới” với loại hình taxi truyền thống, đó là taxi truyền thống thực hiện kê khai, niêm yết giá cước và thực hiện theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe sau khi được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; đối với “taxi mới” thì cần có quy định cụ thể. Về phương án nhận diện thì taxi truyền thống phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó và số điện thoại giao dịch cho các xe thuộc đơn vị. “Taxi mới” phải xây dựng phương án nhận diện gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Về phù hiệu, taxi truyền thống sử dụng phù hiệu hiện tại; đối với “taxi mới” quy định loại phù hiệu mới cho loại hình này.

Cùng đó, TP.HCM đề nghị Bộ nghiên cứu bổ sung các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Grab, Uber, facecar...) tương tự như điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi.

Theo Bảo Linh

Từ khóa:  uber , grab
Cùng chuyên mục
XEM