“Tôi thấy tác phong của Thủ tướng có nhiều điều làm chúng ta thu hút“

01/11/2016 15:59 PM | Xã hội

“Phải củng cố lại niềm tin của dân bằng tấm gương Đảng viên cụ thể”, GS. NGND Trần Văn Bính, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

Những vụ việc tham nhũng mới được phát hiện gần đây, những vấn đề trong việc bổ nhiệm cán bộ … đã xói mòn niềm tin của người dân với Đảng. “Phải củng cố lại niềm tin của dân bằng tấm gương Đảng viên cụ thể”, GS. NGND Trần Văn Bính, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

+ Với nhiều năm giảng dạy, cũng như trong công tác nghiên cứu, ông có tham mưu gì về chính sách nhằm góp phần ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức như hiện nay không, thưa ông?

- Về tham mưu thì không dám nói nhiều, nhưng có điều này tôi có thể khẳng định, tôi cũng có bàn bạc với các đồng chí ở Ban Tuyên giáo Trung ương, đặt ra các vấn đề về xây dựng văn hóa. Từ năm 2005, 2006 trên Đài truyền hình Trung ương, đã có những chương trình chuyên về xây dựng văn hóa Đảng.

Thực ra cách đây hơn 10 năm, tôi đã cảm thấy sự suy yếu trong văn hóa Đảng, văn hóa Đảng suy yếu thì không thể nào tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng được. Vì thực chất, xây dựng chỉnh đốn Đảng là đưa văn hóa vào trong Đảng, trong mỗi cán bộ tổ chức của Đảng, trong mỗi đảng viên của Đảng để Đảng thực sự là đạo đức, văn minh. Khi mà Đảng thực sự là đạo đức, văn minh thì có nghĩa là sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã hoàn thành. Bây giờ làm sao gọi là đạo đức, văn minh được khi một bộ phận cán bộ tha hóa như vậy, lòng tin của dân với Đảng bị suy yếu như vậy.

Ngoài nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, tôi có đề xuất nên thêm nhiệm vụ thứ 3, đó là xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa. Ba nhiệm vụ đó như ba chân kiềng của đổi mới. Hội nghị TW 10 đã kết luận rằng, cùng với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, nhiệm vụ then chốt là xây dựng chỉnh đốn Đảng, phải tiến hành phát triển nền tảng văn hóa.

+ Để cho người dân tăng thêm niềm tin vào Đảng, để đạo đức của người Đảng viên phải thực sự đi tiên phong, làm gương cho xã hội, để những lý luận không còn là lý luận suông, thì phải làm thế nào để triển khai trên thực tế, thưa ông?

- Thực ra thì khi hình thành đường lối chính sách cụ thể và bên cạnh đó xuất hiện những con người cụ thể gánh vác nhiệm vụ đó, cho nên dừng ở ở đường lối chung thì đường lối đó cũng ở trên giấy tờ và người ta chóng quên. Ví dụ vấn đề anh phải đầu tư cho lĩnh vực văn hóa như thế nào trong ngân sách của nhà nước, anh phải chọn những cán bộ như thế nào để lãnh đạo về lĩnh vực đó và quản lý lĩnh vực đó. Không phải ai cũng có thể làm việc đó. Bác Hồ dạy chúng ta rằng, muốn lãnh đạo về ngành hỏa xa thì phải đi học ngành về tàu hỏa thì mới lãnh đạo được. Anh không có kiến thức gì về ngành hỏa xa, anh lãnh đạo ngành giao thông , ngành hỏa xa như thế nào. Cho nên công tác cán bộ là công tác hàng đầu. Bây giờ, có tình trạng con ông cháu cha, rồi người thân, thậm chí trong một huyện mà lãnh đạo quá nhiều người thân trong gia đình, dòng tộc.

Có điều cần phải học tập người xưa. Ngày xưa vua ra lệnh cho các quan đại thần phải tiến cử những quan lại. Nếu người quan được tiến cử đó mà làm được nhiều việc lớn, tốt thì quan đại thần đó được thưởng công. Còn nếu người quan đó làm hỏng việc thì người tiến cử phải chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật. Mình bây giờ nên học cái đó. Không ai học cả, tôi cứ tiến cử nhưng làm tốt hay không không liên quan đến tôi. Vô trách nhiệm quá.

Hay ngày xưa còn có chuyện một ông quan đứng đầu tỉnh thì không được là người xuất thân trong tỉnh, phải là người sống, xuất thân ở tỉnh khác vì để tránh dây mơ rễ má với họ hàng thân thuộc, người thân nhờ vả. Mình bây giờ tha hồ mà nhờ vả, tha hồ mà chạy chọt không ai cấm hết, không ai chịu trách nhiệm hết.

Cho nên phải chỉnh đốn công tác cán bộ, phải chọn cán bộ có tài và có đức. Trong tình hình hiện tại, vấn đề đạo đức phải đặt lên hàng đầu.

+ Chúng ta đã có rất nhiều phong trào học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo ông, sao không tìm những điển hình này trong Đảng để làm gương?

- Thực ra mà nói, với phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ở trong quần chúng nhân dân đã phát hiện được rất nhiều tấm gương tốt, điển hình tối nhưng với những cán bộ, đặc biệt những cán bộ ở cấp chiến lược thì người ta chưa thấy được rõ lắm.

Ví dụ có hồi đưa tin về một đồng chí nguyên Bí thư tỉnh ủy là điển hình của tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh nhưng sau đó, chính đồng chí ấy lại là người bị TW kỷ luật. Cần phải trên học trước, dưới học sau, phải học từ trên xuống dưới, chứ không phải các ông trên thì không học để cán bộ cấp dưới học thôi.

Bản thân những người có trình độ cao nhất phải học nếu họ muốn thực sự là học trò của Bác Hồ. Tất cả chúng ta là học trò nhỏ của Bác Hồ, dù ở cương vị nào cũng là học trò rất nhỏ của Bác Hồ, còn phải học hỏi nhiều lắm. Nhưng vấn đề quan trọng vẫn là vấn đề chính sách cán bộ.

Nhân dịp này tôi nghĩ phải rà soát lại hàng loạt những chính sách, chính sách dính dáng đến đặc quyền đặc lợi cho cán bộ cần bớt đi, bỏ đi. Hồ Chí Minh là người không muốn điều đó. Bác không muốn sự bất công diễn ra giữa cán bộ với nhân dân. Hãy nhớ một câu chuyện nhỏ thôi ai cũng biết mà ít người học. Lúc bác mới về Thủ đô năm 1954, Trung ương mời Bác về tòa nhà của Toàn quyền Đông Dương để ở tiện làm việc luôn. Đó là biệt thự đồ sộ. Bác đi thăm một lượt rồi từ chối không ở. Bác chọn ở phòng của một người thợ điện cũ trong tòa nhà đó. Sau do ở đó nóng quá nên Trung ương chỉ đạo làm nhà sàn cho Bác để thoáng, mát hơn.. Tại sao Bác Hồ lại nghĩ như vậy?

Đây không phải sở thích riêng mà đây là cả một lý tưởng sống của Bác, cả một lối sống của Hồ Chí Minh, cả một phong cách Hồ Chí Minh. Bác không muốn sống ở điều kiện xa dân bởi vì khi anh sống ở một điều kiện vật chất xa dân thì anh khó mà hiểu dân, khó mà đồng cảm với dân. Cho nên trong hàng hoạt chính sách với cán bộ hiện nay theo tôi, nên giảm bớt chính sách đặc quyền đặc lợi. Nếu làm được điều đó thì lòng tin của dân với Đảng dứt khoát sẽ ngày càng được củng cố và phát huy.

Đã có những tín hiệu cho thấy lòng tin với Đảng suy giảm. Giờ Đảng phải củng cố lại bằng tấm gương cụ thể, ví dụ trong hoàn cảnh khó khăn với dân, người lãnh đạo, người Đảng viên phải có mặt ngay lập tức, có những chủ trương quyết liệt, giúp dân khắc phục khó khăn đó. Chứ không phải động viên không đâu, có chủ trương ngay tại trận, giải quyết ngay được vấn đề thì sẽ lấy lại lòng tin của dân.

+ Hiện nay, bộ máy chính quyền nhiệm kỳ mới bước đầu đang tạo được niềm tin với những quyết sách khá quyết liệt, gần với dân, lời nói đi với việc làm. Theo ông, với những điều này, có thể hiểu, nghị quyết của Đảng đã được chính những lãnh đạo hàng đầu của đất nước làm gương thực hiện?

- Qua những lần theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy tác phong của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhiều điều làm chúng ta bị thu hút. Muốn thu hẹp càng ngày càng nhanh giữa lời nói và việc làm, đó là cái hay. Và quyết liệt trong việc đưa ra vấn đề cần giải quyết, không bàn tới bàn lui, thấy đúng là làm, tập trung mà làm, kiên quyết mà làm và yêu cầu của dân thường xuyên được Thủ tướng suy nghĩ tới, nhắc nhở tới khi đề cập đến vấn đề kinh tế , xã hội. Cái đó là những nét đẹp mới. Tôi chắc rằng Thủ tướng tiếp tục đà này và tất cả bộ máy chuyển động theo đà như vậy nghĩa là gắn chặt và thống nhất giữa lời nói với việc làm như Bác Hồ đã dạy thì dân sẽ có lòng tin. Dân mình tốt lắm. Được thử thách trong cách mạng nhiều, dân từng tổng hết “Đảng viên đi trước làng nước theo sau.

+ Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!

Theo Hồng Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
XEM