Toan tính của Trung Quốc đằng sau đồng nhân dân tệ số: Thách thức sự thống trị của USD, bàn đạp cho khát vọng siêu cường
Đồng tệ số của Trung Quốc đang là một trong những tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu và được kỳ vọng sẽ tạo ra loạt thay đổi bước ngoặt dù đó có thể là bước ngoặt nguy hiểm.
"Giấc mộng Trung Hoa" là học thuyết thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong hành trình trở thành một siêu cường toàn cầu. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh nỗ lực hết sức nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trên thế giới ở tất cả các lĩnh vực và đang đạt được những thành tựu bước đầu cả trong nước và quốc tế.
Ông Lý Xuân Hải, Giám đốc chiến lược HAGL Group (HAG) và cựu Tổng giám đốc ACB, cho rằng, một quốc gia muốn trở thành cường quốc số 1 thế giới buộc phải đứng số 1 tại 4 lĩnh vực bao gồm Công nghệ, Tài chính, Quân sự và Văn hóa. Hạ bệ được Mỹ ở 1 trong 4 lĩnh vực này là có cơ hội thách thức vị thế số 1 của Mỹ.
Trung Quốc vẫn đang miệt mài tìm kiếm cơ hội và đồng tệ số có thể là công cụ mới nhất mà Bắc Kinh dùng để thách thức vị thế của Mỹ.
Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là một phần quan trọng của "Giấc mộng Trung Hoa". Việc đồng tiền này được sử dụng trên quy mô toàn cầu không chỉ giúp Trung Quốc ổn định tiền tệ - tài chính mà còn trở thành một công cụ để Bắc Kinh chiếm cửa trên trong các cuộc mặc cả quốc tế. Trên hết, nó sẽ giúp Trung Quốc ngang bằng với Mỹ cũng như thúc đẩy vị thế của Bắc Kinh.
Soán ngôi đồng USD hay ít nhất là có thể giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh là cách duy nhất giúp Bắc Kinh giữ lại cho mình một thế chủ động về tiền tệ. Đó cũng là con đường không thể né tránh nếu Trung Quốc muốn "Phục hưng Dân tộc Trung Hoa" như những gì ông Tập Cận Bình đã đề cập khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Trong vài chục năm qua, Trung Quốc thực sự trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới và lĩnh vực tài chính không phải ngoại lệ. Trung Quốc là nước có GDP tăng trưởng cao nhất thế giới; là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư mạnh mẽ, cả trực tiếp và gián tiếp. Điều này hiển nhiên giúp làm tăng vị thế đồng tệ trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, nỗ lực quốc tế hóa đồng tệ mà Bắc Kinh đang theo đuổi lại tỏ ra không mấy hiệu quả dù có những thuận lợi rõ rệt ở thời điểm ban đầu. Trong vài năm qua, tăng trưởng Trung Quốc liên tục giảm ngay cả khi quốc gia này chuyển mình mạnh mẽ sang công nghệ và các ngành kỹ thuật cao thay vì các ngành truyền thống. Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới nhưng dường như Bắc Kinh không muốn ở mãi dưới cái bóng này.
Dẫu vậy, biến cố lớn nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến kế hoạch quốc tế hóa đồng tệ của Trung Quốc lâm vào bế tắc. Dòng vốn FDI quay đầu hoặc tìm kiếm thị trường khác nhằm né thuế cùng hàng loạt những vấn đề tồn tại trước đó đã khiến kinh tế Trung Quốc lao đao. Đại dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc và lan ra toàn cầu khiến tiếp tục đánh một đòn mạnh vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đồng tệ đang rất yếu.
Hiện tại, dù nằm trong rổ tiền tệ quốc tế nhưng đồng tệ chỉ chiếm 1,46% tổng thanh toán toàn cầu trong tháng 12/2019, giảm gần một nửa so với con số 2,45% của 2 năm trước. Trong khi đó, đồng bạc xanh trở lại mạnh mẽ và dường như không có gì ngăn cản được.
Tuy nhiên, Trung Quốc không đầu hàng. Vai trò của đồng tệ trong thanh toán quốc tế có thể không còn mạnh như vài năm trước nhưng Bắc Kinh đang dồn trọng tâm vào một canh bạc khác, đồng nhân dân tệ số. Khi Bitcoin dẫn đầu làn sóng bùng nổ của tiền số, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu về đồng tiền của riêng mình từ năm 2014. Được đưa vào thử nghiệm tháng 5/2020, đồng tệ số đã khắc phục hầu hết nhược điểm mà các đồng tiền số khác trên thị trường đang gặp phải.
Thanh toán điện tử không phải là điều gì xa lạ với người Trung Quốc. Giới trẻ nước này hiện nay ra đường không cần đem theo ví mà chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể thực hiện tất cả các giao dịch, từ mua sắm tới cho tiền người ăn xin. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ số là một phạm trù hoàn toàn khác.
Các thanh toán số hiện nay dựa vào tín dụng hoặc tài khoản ghi nợ ở các ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số của Trung Quốc đã trở thành phiên bản điện tử của tiền giấy. Nó được chứa trong ví kỹ thuật số trên điện thoại thông minh thay vì nằm trong một chiếc ví thật. Giá trị của nó được đảm bảo bởi chính phủ Trung Quốc. Tiền số sẽ được thanh toán nhanh chóng và dễ sử dụng hơn so với tiền giấy. Thêm vào đó, Trung Quốc có thể kiểm soát được các giao dịch, điều mà họ không thể làm với tiền vật lý.
Hiện nay, đồng tệ số đang được thử nghiệm trong quy mô nhỏ ở Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Xiong’an – một thành phố thông minh đang trong quá trình hoàn thiện. Nếu được đưa vào triển khai, nó sẽ là công cụ lý tưởng thay thế cho tiền mặt trong các giao dịch xuyên biên giới. Tốc độ thanh toán được kỳ vọng lên tới 300.000 giao dịch/giây cùng với việc được chính phủ Trung Quốc đảm bảo giá trị giúp nó khắc phục được những yếu điểm của các loại tiền số đang tồn tại.
Do một chính phủ phát hành, đồng nhân dân tệ số nhận được tất cả hậu thuẫn từ lãnh đạo và doanh nghiệp ở nền kinh tế thứ 2 thế giới. Nó đang là đối thủ nặng ký nhất trên thị trường. Lợi thế người dẫn đầu có thể khiến đồng tệ số của Trung Quốc bỏ xa Libra của Facebook hay TON của Telegram, vốn đang loay hoay xóa bỏ các rào cản pháp lý ở Mỹ. Các đồng tiền số khác như Bitcoin hoàn toàn không còn cửa cạnh tranh.
"Biểu tượng và chất truyền dẫn của sức mạnh tài chính Mỹ là đồng USD. Biết bao tham vọng muốn hạ gục hay thay thế đồng USD đã thất bại. Có thể nói đồng USD ở đâu là quyền lực nước Mỹ đến đó", ông Lý Xuân Hải nhận định về vai trò của đồng bạc xanh đối với vị thế siêu cường của Mỹ.
Trên thực tế, đồng bạc xanh có tác động 2 chiều đến nền kinh tế toàn cầu. Khi Tài chính – kinh tế toàn cầu rung lắc đều phải nhờ đến sự cứu trợ của đồng USD. Ngược lại, khi nước Mỹ gặp chuyện, kinh tế toàn cầu không tránh khỏi chao đảo. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khó lòng chấp nhận mình là kẻ ngoài cuộc hoặc bị phụ thuộc, nhất là khi họ không che giấu giấc mộng siêu cường.
"Không hề ngoa khi nói nền kinh tế toàn cầu đang sống bằng máu là đồng USD và tim là FED: dự trữ, thanh toán, thước đo giá trị. USD đang là đồng tiền toàn cầu", ông Hải nhận định và cho rằng nhiều quốc gia đang trỗi dậy muốn thách thức vị thế của đồng bạc xanh, nhất là những nước không cùng chiến tuyến với Mỹ.
Sức mạnh của đồng USD cho nước Mỹ quyền trừng phạt các nền kinh tế khác, ngay cả khi đó là Nga – một siêu cường quân sự. Cuộc chiến thương mại tiếp tục đưa Trung Quốc vào thế đối đầu với nước Mỹ. Căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hơn lúc nào hết, Trung Quốc hiểu rõ họ sẽ không có cơ hội chiến thắng khi còn thuộc vào đồng USD.
Trên thực tế, nếu Trung Quốc có một công cụ thanh toán có thể thay thế được đồng USD, nhiều quốc gia vốn không tin tưởng vào Mỹ sẽ sẵn sàng sử dụng. Công nghệ Blockchain cho phép thanh toán xuyên biên giới diễn ra nhanh chóng và gần như không thể bị kiểm soát bởi bất cứ ai ngoài Trung Quốc. Chính nhờ vậy, vị thế của Trung Quốc cũng sẽ từ đó được nâng cao và ngang tầm với Mỹ.
Hai giáo sư Aditi Kumar và Eric Rosenbach của trường Harvard Kennedy cho rằng đồng nhân dân tệ số sẽ sớm được các nước như Iran sử dụng nhằm né tránh các quy định trừng phạt của Mỹ. Nếu điều này xảy ra, rõ ràng quyền lực của Mỹ trên trường quốc tế sẽ suy giảm mạnh mẽ. Khi nước Mỹ càng đi xuống, Trung Quốc sẽ có cơ hội vươn lên, thậm chí soán ngôi quốc gia ở bên kia bán cầu.
Hiện tại, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với dự trữ USD khổng lồ. Điều này giúp cho Bắc Kinh có thể tự chủ một phần trước áp lực của Mỹ trên lĩnh vực tài chính – kinh tế. Tuy nhiên, quyết tâm tăng tốc phát triển tiền số của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc hoàn toàn chưa hài lòng với những gì họ có. Việc thách thức đồng USD là điều đã rõ nhưng Mỹ chắc chắn sẽ không ngồi yên khi vị thế của mình bị lung lay.
Điều này có thể mang đến những phức tạp trong mối quan hệ siêu cường, khiến thế giới thực sự cảm thấy lo lắng trước bước ngoặt nguy hiểm được tạo ra bởi tiền số Trung Quốc.