Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy

23/03/2020 00:14 AM | Sống

Kinh nghiệm đáng giá nhất lấy được từ người Ý thời gian qua, đó là việc phong tỏa, cách ly khu vực bị ảnh hưởng và giới hạn di chuyển của công chúng phải được thực hiện rất sớm. Ranh giới cần phải rõ ràng tuyệt đối, và sau đó là thực thi một cách nghiêm ngặt.

Khi nước Ý thông báo có 400 trường hợp nhiễm Covid-19 và lượng người chết mới đang dừng ở mức 2 con số, ông Nicola Zingaretti - chính khách, lãnh đạo đảng Dân chủ Italy đã đăng tải lên trang cá nhân bức hình đang thưởng thức một ly rượu. Kèm theo đó, ông kêu gọi tất cả mọi người "không cần thay đổi thói quen thường ngày."

Đó là chuyện của ngày 27/2/2020. 10 ngày sau đó, Ý có 5883 ca nhiễm, 233 người chết. Zingaretti đã đăng thêm 1 video, nhưng với nội dung thông báo rằng bản thân ông cũng đã dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2)

Ý hiện tại là tâm dịch của cả thế giới và châu Âu nói riêng, là nơi có nhiều người chết bậc nhất thế giới, và là ổ dịch lớn thứ 2 toàn cầu chỉ sau Trung Quốc. Hiện tại, tổng cộng có 53.000 ca nhiễm virus cùng 4.800 trường hợp tử vong tại đất nước hình chiếc ủng, và con số ấy đã tăng ngày càng mạnh với hơn 1/2 số ca nhiễm và tử vong đã xảy ra chỉ trong vòng 1 tuần qua.

Riêng trong ngày 21/3, Ý tăng gần 800 người chết - kỷ lục tăng trưởng trong 1 ngày trên phạm vi toàn cầu.

Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế tại Rome vận chuyển người bệnh tại Lombardy


Chính phủ Ý đã điều quân đội đến phong tỏa vùng Lombardy - vùng phía bắc trù phú của nước Ý, cũng là trung tâm bùng phát dịch bệnh của châu Âu. Tối ngày 20/3, lệnh phong tỏa toàn quốc được siết chặt hơn: các công viên phải đóng cửa, mọi hoạt động ngoài trời - kể cả tản bộ hay tập thể dục - đều bị nghiêm cấm.

Đến tối ngày 21/3, thủ tướng Giuseppe Conte đưa ra thêm một thông báo, nhằm đối phó với tình huống được ông gọi là "khủng hoảng trầm trọng nhất với nước Ý kể từ sau Thế chiến II". Theo đó, Ý sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy và ngành sản xuất, ngoại trừ các ngành đặc biệt thiết yếu. Hiển nhiên, đây là sự hy sinh cực kỳ lớn của một nền kinh tế vốn đã khá nhạy cảm, tất cả nhằm kiểm soát virus và bảo vệ tính mạng cho người dân.

"Chính phủ vẫn ở đây," - ông Conte khẳng định, nhằm trấn an cộng đồng.

Bài học từ nước Ý

Bi kịch của nước Ý vẫn ở đó, và nó trở thành lời cảnh báo nghiêm trọng cho các quốc gia láng giềng tại châu Âu và cả Mỹ nữa - những nơi virus đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Kinh nghiệm đáng giá nhất lấy được từ Ý thời gian qua, đó là việc phong tỏa, cách ly khu vực bị ảnh hưởng và giới hạn di chuyển của công chúng phải được thực hiện rất sớm. Ranh giới cần phải rõ ràng tuyệt đối, và sau đó là thực thi một cách nghiêm ngặt.

Dẫu đã áp dụng những biện pháp cứng rắn bậc nhất, chính phủ Ý thật sự đã không làm quyết liệt ở giai đoạn đầu, trong khi đó mới là thời điểm hiệu quả nhất để ngăn dịch bệnh. Họ đã loay hoay, dò dẫm, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và lợi ích kinh tế của quốc gia.

Các hành động của Ý - từ việc phong tỏa thị trấn, rồi toàn khu vực, rồi cả quốc gia - tất cả đều trễ hơn quỹ đạo chết người của đại dịch. "Chúng ta giờ đang phải đuổi theo sau nó," - Sandra Zampa, thứ trưởng bộ Y tế Italy chia sẻ, đồng thời cho rằng đất nước đang làm tất cả những gì có thể lúc này.

Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy - Ảnh 2.

Khu vực Navigli vốn rất đông đúc tại Milan, nay quạnh hiu đến bất ngờ sau lệnh phong tỏa

"Chúng ta đóng cửa dần dần, giống như châu Âu đang làm. Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ đang làm điều tương tự. Mỗi ngày, chúng ta đóng cửa một chút, bỏ đi một chút thói quen thường ngày. Bởi lẽ, virus không cho phép chúng ta sống như bình thường."

Quan chức chính phủ Ý đã cố gắng bảo vệ quyết định chậm trễ của mình, nhấn mạnh rằng đây là cơn khủng hoảng quốc gia chưa từng có tiền lệ thời hiện đại. Họ cho rằng chính phủ đã phản ứng đủ nhanh và quyết liệt, gần như ngay lập tức theo lời khuyên của giới khoa học, sẵn sàng đưa ra các quyết định gây tổn hại đến kinh tế so với các quốc gia láng giềng tại châu Âu.

Tuy nhiên những ghi nhận trên thực tế lại cho thấy rất nhiều lỗ hổng và thời cơ đã bị bỏ lỡ. Vào những ngày đầu của đại dịch, thủ tướng Conte và nhiều quan chức cấp cao đã cố gắng kêu gọi trấn an, hạ thấp dịch bệnh, tạo ra cảm giác an toàn sai lầm về khả năng lây lan của virus. Số liệu nhiễm bệnh tại Ý tăng cao, họ đổ lỗi cho việc xét nghiệm quá nhiều ở phía Bắc kể cả với những người chưa có triệu chứng, đồng thời cho rằng sẽ gây hoảng loạn và làm xấu hình ảnh của đất nước với cộng đồng quốc tế.

Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy - Ảnh 3.

Cuộc họp tại trụ sở chính quyền ở Milan được tổ chức ngoài trời, nhằm hạn chế khả năng lây lan virus


Kể cả khi chính phủ Ý xem việc phong tỏa toàn quốc là cần thiết để chống lại virus, họ cũng thất bại trong việc truyền đạt thông điệp đủ mạnh để thuyết phục người Ý tuân theo quy định - điều vốn không dễ dàng trong một xã hội dân chủ theo nhận định của thành viên hội đồng WHO Walter Ricciardi.

"Nếu có thể làm được từ trước đó 10 ngày, mọi thứ đã khác." - trích lời Ricciardi.

Mọi chuyện thậm chí có thể đã không xảy ra

Trong một đại dịch, 10 ngày là khoảng thời gian quyết định chuyện sống còn.

Ngày 21/1, khi chính quyền Trung Quốc cảnh báo những người giấu bệnh "sẽ bị ghi vào hồ sơ suốt đời," bộ trưởng Văn hóa và du lịch Ý vẫn tổ chức buổi hòa nhạc cho phái đoàn Trung Quốc trong một sự kiện ngoại giao. Vấn đề nằm ở chỗ khi nhìn lại, bà Zampa - thứ trưởng Bộ y tế cho biết lẽ ra phải tạm thời đóng cửa mọi thứ ngay lập tức. Có điều trên thực tế, quãng thời gian cần đóng cửa đã không hề rõ ràng.

Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy - Ảnh 4.

Hình ảnh thủ tướng Giuseppe Conte thông báo lệnh phong tỏa phía bắc nước Ý


Các chính trị gia người Ý phải lo lắng cho nền kinh tế của đất nước, và họ cảm thấy khó lòng chấp nhận được khi phải hy sinh mọi thứ vì virus. Nhưng quan trọng nhất là theo bà Zampa, Ý đã không nhìn nhận những gì xảy ra tại Trung Quốc là sự cảnh báo, mà giống như "một bộ phim viễn tưởng sẽ chẳng bao giờ xảy ra." Và rồi khi virus bủng nổ tại Ý, châu Âu "lại nhìn chúng tôi giống cái cách chúng tôi nhìn nhận về chuyện ở Trung Quốc."

Dẫu vậy thì từ tháng 1, vài quan chức đã tìm cách thúc giục ông Conte ban hành lệnh cách ly những học sinh vừa từ Trung Quốc trở về sau kỳ nghỉ, nhằm bảo vệ các trường học. Đó đều là con em của những gia đình nhập cư người Hoa. Tuy nhiên phải đến cuối tháng 1, Ý mới ra lệnh hủy bỏ mọi chuyến bay đến và rời Trung Quốc.

"Chúng tôi là quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp dụng các biện pháp phòng ngừa như vậy," - ông chia sẻ, đồng thời cho rằng chính phủ đã nghiêm túc với mối đe dọa lây lan của đại dịch. Trong tháng 2, Ý cũng hoạt động rất nhanh trước nỗi sợ do virus gây ra. 2 hành khách nhiễm bệnh người Trung Quốc, và một công dân Ý trở về từ đại lục đã được chăm sóc tại viện truyền nhiễm nổi tiếng nhất thành Rome. Ngoài ra, một du thuyền đã bị buộc phải cách ly ngoài cảng Rome, và nó đến từ một tín hiệu báo động sai sự thật.

Bệnh nhân "siêu lây nhiễm" xuất hiện

18/2, một người đàn ông 38 tuổi vào cấp cứu trong một bệnh viện tại thị trấn Codogno (Lodi, Lombardy). Người này nhập viện với các triệu chứng giống bệnh cúm, nhưng không có bất kỳ ai cảnh giác.

Bệnh nhân từ chối lưu viện và trở về nhà. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau ông đã quay trở lại vì tình trạng trở nên tệ hơn, và được cho nhập viện điều trị ở khu đa khoa.

Đến ngày 20/2, bệnh nhân được chuyển vào khoa chăm sóc đặc biệt, và được xác nhận dương tính với virus corona chủng mới tại đây.

Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy - Ảnh 5.

Giường được bổ sung cho các bệnh viện

Điều đáng nói là trước đó, bệnh nhân này (sau được gọi là "bệnh nhân số 1") đã có một tháng làm việc rất bận rộn. Ông dự ít nhất 3 bữa tiệc tối, có chơi đá bóng - tất cả diễn ra khi đã có triệu chứng, nhưng chưa nặng.

Ông Ricciardi cho biết, nước Ý đã quá xui xẻo khi có một trường hợp siêu lây nhiễm ngay trong khu vực đông dân và nhộn nhịp nhất đất nước. Người này đến bệnh viện những 2 lần, lây nhiễm cho hàng trăm người - bao gồm cả các bác sĩ và y tá.

"Bệnh nhân đã có lịch sử hoạt động rất năng nổ." - Ricciardi cho biết.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, "bệnh nhân số 1" không có lịch sử tiếp xúc nào với người Trung Quốc, cũng không du lịch đến đó trong thời gian gần. Các chuyên gia nghi ngờ ông đã lây nhiễm từ một người khác ở châu Âu. Hay nói cách khác, Ý đã không thể xác định "bệnh nhân số 0", cũng như không lần theo được nguồn gốc lây lan để kiểm soát được dịch bệnh.

Hiện tại, các chuyên gia nhận định virus corona có thể đã hoạt động tại Ý hàng tuần trước thời điểm bệnh nhân số 1 xuất hiện, lây lan qua những người không bộc lộ triệu chứng, và dễ bị nhầm với bệnh cúm. Dịch bệnh lây lan xung quanh vùng Lombardy - khu vực trù phú nhất và cũng có giao thương nhiều nhất với Trung Quốc.

"Bệnh nhân số 1 thực chất có thể là "số 200," - Fabrizio Pregliasco, một nhà dịch tễ học cho biết.

Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy - Ảnh 6.

Tẩy trùng tại đường xuống ga tàu ở Milan


Ngày 23/2, số người nhiễm bệnh là hơn 130. Ý quyết định phong tỏa 11 thị trấn, với cảnh sát cùng quân đội đứng canh tại các điểm trung chuyển. Lễ hội thường niên Venice Carnival bị hủy bỏ. Quanh Lombardy, trường học, bảo tàng và rạp chiếu phim đều phải đóng cửa. Các siêu thị tại Milan cũng cháy hàng, bởi người dân đến mua đồ tích trữ.

Nhưng ngay cả thời điểm này, ông Conte dù nhận định đất nước đã làm quyết liệt để chống dịch, vẫn tiếp tục có những bình luận để trấn an dân chúng. "Chúng ta là nơi đầu tiên có sự kiểm soát quyết liệt và chính xác nhất. Việc có nhiều người nhiễm đơn giản là vì chúng ta làm xét nghiệm nhiều hơn thôi."

Ngày 24/2, số người nhiễm vượt 200, 7 người thiệt mạng, trong khi thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc. Chính phủ Ý đổ lỗi cho bệnh viện Codogno vì sự lây lan này, cho rằng họ đã xử lý mọi chuyện "không theo đúng tiêu chuẩn." Ông Conte biện hộ rằng các vùng phía bắc đang thổi phồng mọi chuyện bằng việc làm xét nghiệm cho cả những người không có triệu chứng.

Ngày 25/2, các quan chức y tế vất vả tìm cách giải phóng giường bệnh đang dần quá tải. Số người nhiễm tăng lên 309 cùng 11 trường hợp tử vong. Nhưng "Ý là quốc gia an toàn, và thậm chí là an toàn hơn nhiều nơi khác," - ông Conte đã phát biểu như vậy.

Những thông điệp gây khó hiểu và "sự đã rồi"

Sự trấn an của các nhà lãnh đạo Ý được đánh giá đã khiến công chúng Italy cảm thấy hoang mang, khó hiểu.

Ngày 27/2, ông Nicola Zingaretti đăng tải tấm hình đang thưởng thức ly rượu với lời kêu gọi toàn dân giữ nguyên thói quen thường ngày. Cũng trong cùng ngày, Luigi Di Maio - một cựu chính khách cũng tổ chức họp báo tạo Rome.

"Nước Ý đang đi từ dịch bệnh đến dịch thông tin," - ông Di Maio cho biết, phê phán truyền thông đã làm quá mối đe dọa từ dịch bệnh, đồng thời nhấn mạnh "chỉ 0,089% dân số bị cách ly.

Ở Milan, nơi cách tâm dịch bệnh chỉ khoảng 1 dặm đường, thị trưởng Beppe Sala công bố chiến dịch "Milan không dừng lại", đồng thời cho mở cửa nhà thờ Duomo - vốn là nơi thu hút du khách lớn nhất thành phố. Và thế là mọi người lại ùa ra đường.

Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy - Ảnh 7.

Người dân vẫn tụ tập ăn uống - hình ảnh vào những ngày cuối cùng của tháng 2


Nhưng trên tầng 6 tòa văn phòng chính phủ ở Milan, ông Giacomo Grasselli - người điều phối toàn bộ các đơn vị chăm sóc đặc biệt toàn vùng Lombardy đã thấy một điều khác lạ. Ông nhận ra những con số đang tăng rất nhanh, và chỉ sớm thôi việc chữa trị cho toàn bộ những ai nhiễm bệnh sẽ là không thể, nếu xu hướng không bị kìm hãm.

Nhiệm vụ của Grasselli và đội ngũ của mình là sắp xếp người bệnh đến các đơn vị chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện gần nhất, với nguồn thiết bị phù hợp. Vậy nên trong cuộc họp với khoảng 20 quan chức y tế và chính trị gia, ông đã báo cáo với chủ tịch khu vực - Attilio Fontana, về xu hướng bệnh nhân ngày càng tăng. Biểu đồ cho thấy đây sẽ là một thảm họa y tế cần được xem trọng đối với khu vực này.

"Chúng ta cần làm gì đó nhiều hơn thế," - Grasselli khẩn khoản.

Ông Fontana - người vốn đã nhiều lần thúc giục chính phủ có hành động quyết liệt hơn - đồng ý. Ông cho rằng các thông điệp trấn an đã "khiến người dân nghĩ 'mọi chuyện chỉ là trò đùa', và họ vẫn sống như những gì đã làm từ trước đến nay."

"Họ (chính phủ) bị thuyết phục rằng tình hình chưa nghiêm trọng, và họ không muốn làm tổn thương quá nhiều đến nền kinh tế."

Thứ trưởng bộ y tế Zampa cho biết, phải đến khi xác định được Vò - khu đô thị được xem là tâm dịch tại vùng Veneto - không có liên quan dịch tễ đến đợt bùng phát ở Codogno, chính phủ Ý mới nhận ra sự nghiêm trọng của dịch bệnh. Trong hôm đó, bộ trưởng Y tế Speranza và thủ tướng Conte mới tiến hành tranh luận, và rồi đưa ra quyết định phong tỏa toàn bộ phía Bắc.

Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy - Ảnh 8.

Trạm kiểm soát tại Viale Porpora ở Milan giữa lệnh phong tỏa.


Ngày 8/3, đất nước có 7375 người dương tính và 366 người tử vong. Trong một cuộc họp bất ngờ vào lúc 2h sáng, ông Conte thông báo siết chặt di chuyển của cư dân các vùng phía Bắc - nơi chiếm 1/4 dân số và đóng vai trò "động cơ" của cả nền kinh tế.

"Chúng ta đang đối mặt với tình huống khẩn cấp." - trích lời ông Conte. "Một tình huống khẩn cấp quốc gia."

Bản dự thảo của sắc lệnh đã bị tuồn ra truyền thông từ trước đó 1 ngày. Hệ quả, rất đông người tại Milan đã lao đến các ga tàu, tìm cách rời khỏi khu vực trước khi lệnh phong tỏa được thi hành. Sự kiện này sau đó gây ra lo ngại rằng sẽ tạo ra làn sóng đưa dịch bệnh xuống các vùng xa hơn ở phía Nam - nơi hệ thống và nhân sự y tế yếu hơn.

Mọi chuyện đến đây mới rắc rối. Sáng ngày 8/3, công chúng Italy vẫn rất hoang mang, không rõ về mức độ nghiêm trọng của lệnh phong tỏa. Để làm rõ, Bộ nội vụ đã ban hành mẫu "chứng nhận tự động", yêu cầu người dân phải điều vào trước khi ra đường. Họ sẽ được phép di chuyển vì mục đích công việc, sức khỏe, hoặc một vài nhu cầu thiết yếu khác.

Tuy nhiên, một số khu vực lại yêu cầu người dân trong khu phong tỏa phải tự cách ly trong nhà, số khác lại không đòi hỏi chuyện đó. Việc mở rộng phong tỏa lên phạm vi toàn bộ Lombardy khiến một số khu vực bên trong như Codogno gỡ luôn rào chắn cách ly, bỏ cả trạm kiểm soát. Họ cho rằng sự hy sinh bấy lâu nay của họ là vô ích, vì dịch bệnh đã lan ra rồi.

Ngày 9/3, thời điểm số ca dương tính với virus lên tới 9172 cùng 463 người chết, thủ tướng Conte ra quyết định siết chặt lệnh phong tỏa, mở rộng phạm vi ra toàn quốc. Nhưng các chuyên gia nhận xét, mọi sự đã muộn mất rồi

Cái giá phải trả cho sự chậm trễ

Hiện tại, Ý đang phải trả những cái giá quá đắt vì các thông điệp không thống nhất từ khoa học và các nhà lãnh dạo. Số người chết tiếp tục tăng nhanh - 4 ngày qua đã có thêm 2300 người chết, đưa Ý vượt qua cả Trung Quốc về số ca tử vong. Hầu hết trong số đó được cho là nhiễm bệnh trong những tuần lễ thiếu quyết đoán ấy.

Toàn cảnh nước Ý giữa đại dịch virus corona và bài học cho cả thế giới: Đáng ra, mọi chuyện đã không kinh khủng đến vậy - Ảnh 9.

Trạm gác của quân đội trên con đường tới làng Vo’Euganeo


Roberto Burioni - một nhà virus học từ ĐH San Raffaele cho biết, sự thiếu quyết đoán đã khiến người dân cảm thấy đủ an toàn để tiếp tục sống như bình thường, và đợt bủng nổ khủng khiếp những ngày gần đây là hệ quả từ việc đó.

Chính phủ Ý đã lên tiếng thúc giục người dân tuân thủ quy định hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, thị trưởng của những thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất đồng loạt cho rằng những phương án ấy là chưa hiệu quả, và mong muốn có những biện pháp cứng rắn hơn.

20/3, ông Fontana phàn nàn về việc chính quyền chỉ đưa 114 binh lính đến khu vực, cho rằng ít nhất phải cần đến 1000 người. Ngày 21/3, ông ra quyết định đóng cửa văn phòng làm việc, cấm hoàn toàn chuyện đi bộ ngoài phố. Ông cho biết, chính phủ cần nhanh chóng đi vào trọng tâm và thực hiện các biện pháp "khắc nghiệt hơn".

"Ý của tôi là nếu chúng ta đóng cửa mọi thứ ngay từ đầu - khoảng 2 tuần, có lẽ giờ là lúc ta được ăn mừng chiến thắng." - ông chia sẻ.

Đồng minh của Fontana - ông Luca Zaia, chủ tịch vùng Veneto cũng đồng tình, cho rằng cần có biện pháp quyết liệt hơn như đóng cửa mọi cửa hàng, cấm tụ tập nơi công cộng, và thậm chí cấm cả việc đi bộ ngoài đường.

Ông Zaia cũng từng có những biện pháp góp phần kìm hãm dịch bệnh. Chẳng hạn vào thời điểm chính phủ bắt đầu siết chặt lệnh cách ly, ông Zaia đã yêu cầu cung cấp thêm bộ xét nghiệm - bất chấp quy tắc do chính phủ ban hành. Khi đó, chính phủ cho rằng việc xét nghiệm người không có triệu chứng là lãng phí nguồn lực.

"Nhưng ít nhất, nó đã làm chậm tốc độ lây lan của virus," - ông Zaia biện minh, cho rằng việc xét nghiệm đã giúp xác định được những người có khả năng lây bệnh mà chưa có triệu chứng. "Và việc làm chậm tốc độ lây lan sẽ giảm được áp lực cho bệnh viện." Nếu không, số lượng bệnh nhân tăng qua nhanh sẽ khiến hệ thống y tế toàn quốc gặp thảm họa - điều thực tế đã xảy ra.

"Mỹ, và các quốc gia khác, cần chuẩn bị sẵn sàng!" - ông chia sẻ thêm.

Tham khảo: NY Times

Theo J.D

Cùng chuyên mục
XEM