Tìm “lối đi riêng” cho một dự thảo luật đặc biệt
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công...
Dự thảo Luật Hành chính công là một dự án luật rất đặc biệt, khi không phải do Chính phủ trình như hầu hết các dự án luật khác, mà xuất phát từ sáng kiến của cá nhân đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh.
Bà Khánh hiện là Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, là người đã tham gia Quốc hội liền 4 khoá.
Tìm “lối đi riêng”
Tại hội thảo về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật này, sáng 24/1, bà Khánh nói, một trong những vấn đề được nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân quan tâm nhất hiện nay là quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công, chính phủ/chính quyền điện tử, kiểm soát hành chính công.
“Đây là những vấn đề chưa có đạo luật nào điều chỉnh mang tính nguyên tắc chung, tập trung trong một đạo luật cụ thể”, theo bà.
Theo bà, đây cũng là lý do từng đạo luật do bộ, ngành chủ trì soạn thảo không thể khắc phục được tình trạng cục bộ, muốn dành thuận lợi cho mình.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề cập một điển hình, đó là việc xây dựng Luật Quy hoạch vừa qua có tình trạng bộ, ngành lên tiếng không đồng thuận với cơ quan chủ trì soạn thảo khiến Thủ tướng phải áp đặt “mệnh lệnh hành chính” tạm dừng việc tranh cãi giữa các bộ, ngành.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao tâm huyết của cá nhân đại biểu Khánh – người đứng đầu ban soạn thảo dự án luật - khi thời điểm tổ chức hội thảo đã cận kề Tết Nguyên đán.
Nêu rõ yêu cầu xây dựng nền hành chính công khai minh bạch, thực sự hiệu lực hiệu quả dân chủ nghiêm minh, ông Uông Chu Lưu cho rằng sự ra đời của Luật Hành chính công là rất cần thiết. Nhưng, cần phải xác lập phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rất rõ ràng để tìm ra “lối đi riêng”.
Ông lưu ý, hệ thống pháp luật hiện nay có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính nhất là hành chính công như Hiến pháp, Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, các nghị định về các tổ chức hoạt động… đã đề cập đến trình tự, thủ tục để quy định về quản trị, điều hành hành chính công, trách nhiệm của cán bộ công chức, cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Do vậy, dự án luật này cần phải có đối tượng, phạm vi điều chỉnh như thế nào để tránh trùng lặp với các luật hiện nay, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thời kỳ đang nỗ lực để xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà dự án luật này phải làm.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo nói, qua nhiều lần góp ý dự thảo luật còn 6 chương với 60 điều, tập trung điều chỉnh 4 lĩnh vực. Gồm, thủ tục hành chính công, dịch vụ hành chính công và chính phủ điện tử, hợp đồng hành chính công, kiểm soát hành chính công.
“Nên là luật khung”
Đều khẳng định sự cần thiết và bày tỏ kỳ vọng vào tác dụng của dự án luật này, song các ý kiến tại hội thảo còn không ít băn khoăn về phạm vi điều chỉnh.
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho rằng dự thảo luật cần đưa ra chế định quan trọng, cơ bản, đó là ban hành quyết định hành chính công. Chương này sẽ thay cho việc ban hành một luật riêng về ban hành quyết định hành chính.
Hai lý do được ông Sơn trình bày là việc ban hành quyết định hành chính công là một hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước.
Và, ban hành quyết định hành chính là một loại hoạt động gắn bó chặt chẽ với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, kể cả gắn bó chặt chẽ với trách nhiệm, thẩm quyền của các chủ thể trong hệ thống hành chính công, gắn bó chặt chẽ và là sản phẩm trực tiếp của thủ tục hành chính công.
Quan điểm của ông Sơn nhận được sự đồng tình của luật gia Đỗ Minh Sơn. Vị này bày tỏ mong muốn dự án luật lấp đầy những khoảng trống của hệ thống pháp luật về hành chính công hiện hành. Nhưng, cũng không nên cầu toàn quá để dự án luật sớm được trình Quốc hội xem xét, ông Sơn nói.
Băn khoăn về cách tiếp cận, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, ông Đinh Văn Minh cho rằng nếu dự án luật chỉ điều chỉnh một số vấn đề như là bổ sung cho hệ thống văn bản hành chính công thì sẽ là chưa đủ.
Bởi hệ thống pháp luật hiện hành thiếu rất nhiều nguyên tắc lớn để giải quyết những vấn đề căn cốt của nền hành chính. Chẳng hạn nguyên tắc về uỷ quyền, về trách nhiệm giải trình hay về sự im lặng bất hợp pháp của cơ quan hành chính...
“Hội thảo nêu rất nhiều yếu kém về hành chính công, vậy luật này ra thì giải quyết được đến đâu những yếu kém đó?”, đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng đặt câu hỏi.
“Luật này nên là luật khung, quy định thống nhất các nguyên tắc cơ bản về hành chính công và tập trung vào một số vấn đề cụ thể cần làm rõ hơn”, nguyên Viện trưởng Đinh Xuân Thảo góp ý.