10 quy định, điều luật nổi bật năm 2016 cần thiết cho bạn vào năm 2017

30/12/2016 08:15 AM | Xã hội

Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm, hãy nhìn lại 10 quy định, điều luật nổi bật trong năm 2016. Và chắc chắn nó rất cần thiết đối với bạn vào năm 2017.

1. Công dân bắt đầu sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho CMND

Cụ thể, theo Luật căn cước công dân 2014 thì sẽ bắt đầu cấp thẻ Căn cước công dân thay vì cấp CMND như trước đây. Tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số thay cho chứng minh thư.

Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Lưu ý: CMND đã được cấp trước 01/01/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định hoặc khi công dân có yêu cầu được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

2. Nam giới có vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản

Từ ngày 01/01/2016, Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực đã chính thức thừa nhận chế độ thai sản dành cho nam giới có vợ sinh con.

Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản với nam giới là đóng BHXH, có vợ sinh con.

Nếu vợ sinh thường thì được nghỉ 05 ngày làm việc, nếu vợ sinh mổ hoặc sinh non (dưới 32 tuần tuổi) thì được nghỉ 07 ngày, nếu vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày. Còn nếu sinh đôi mà phải mổ thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

3. Tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội

Một trong những điểm thay đổi quan trọng nhất của Luật Bảo hiểm xã hội là tăng tiền đóng bảo hiểm.

Cụ thể, khi luật này có hiệu lực đến cuối năm 2017, mức đóng sẽ dựa trên lương cộng phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động ; từ 1/1/2018 trở đi mức đóng trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động.

Phụ cấp được xác định là các khoản cố định, ít biến động, gồm tiền để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

4. Tăng thời gian đi nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng, công dân nữ được đi NVQS

Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 sẽ tăng thời gian đi nghĩa vụ quân sự trong thời bình từ 18 tháng lên 24 tháng. Trường hợp cần thiết có thể gia hạn nhưng tối đa không qua 6 tháng; đồng thời cho phép công dân nữ được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Bên cạnh đó, Luật vẫn quy định độ tuổi nhập ngũ vẫn từ 18 đến 25 tuổi. Riêng với sinh viên đại học, cao đẳng hệ chính quy được tạm hoãn nhập ngũ độ tuổi sẽ kéo dài hết 27 tuổi.

Đối với con liệt sĩ, con thương binh hạng một; con của người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân và cán bộ, công, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên... sẽ được miễn gọi nghĩa vụ quân sự.

5. Được đăng ký hộ tịch qua mạng

Theo Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 , từ năm 2016, người dân có thể gửi hồ sơ đăng ký hộ tịch qua hệ thống trực tuyến; mức lệ phí đăng ký hộ tịch được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Riêng với công dân Việt Nam cư trú trong nước, khi đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, đăng ký người giám hộ, kết hôn sẽ được miễn lệ phí. Tương tự với trường hợp đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.

6. Cấm gửi tin nhắn, email rác

Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử (bao gồm địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, địa chỉ Internet và hình thức tương tự khác) của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối.

Đây là nội dung quy định tại Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

7. Đủ 18 tuổi trở lên có quyền bỏ phiếu biểu quyết

Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể.

Luật quy định cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Cụ thể là: “Công dân nước CHXHCN Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này”.

8. Tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng từ 65% lên 70% từ ngày 1/1/2016 và 75% từ ngày 1/1/2019; với rượu dưới 20 độ, thuế suất thuế TTĐB là 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018...

Riêng với mặt hàng ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi, giá làm căn cứ tính thuế là giá bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn) nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Nếu thấp hơn mức này, giá tính thuế sẽ do cơ quan thuế ấn định. "Giá vốn" được giải thích là giá tính thuế nhập khẩu kèm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

9. Bỏ hình phạt tử hình với tội Cướp tài sản

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 quy định về việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, trong đó có tội Cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội phá hủy công trình, cơ sở phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch…

Bộ luật cũng bổ sung trường hợp không bị kết án tử hình, gồm: Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn…

10. Trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị đi tù

Lần đầu tiên tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được đưa vào Bộ luật Hình sự.

Bộ luật này quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 06 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm có thể bị phạt tù đến 07 năm; pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền đến 03 tỷ đồng.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM