TikTok và VECOM về nông thôn giúp tiểu thương số hóa việc kinh doanh, cam kết 100 ngày đưa hàng lên sàn TMĐT, truyền thông và đổ traffic về gian hàng

14/04/2021 15:57 PM | Kinh doanh

Đứng trước một ‘vùng đất mới’, tâm lý chung của mọi người chính là sợ hãi – không biết ‘vùng đất mới’ đó gì và liệu mình có chinh phụ thành công nó hay không. Thế nên, việc đầu tiên phải làm là khiến các hộ kinh doanh cá thể và SMEs tin rằng, số hóa việc kinh doanh không khó; tiếp theo mới đến tập trung đào tạo từng cá thể riêng lẻ.

Các chuyên gia tham gia Tọa đàm do TikTok vừa tổ chức.
Các chuyên gia tham gia Tọa đàm do TikTok vừa tổ chức.

Trung Quốc lớn mạnh như ngày hôm nay có sự đóng góp quan trọng của ngành thương mại điện tử với đầu tàu là Alibaba. Thành công lớn nhất của Alibaba chính là đã phần nào đưa nông sản của Trung Quốc lên các nền tảng số, để tạo ra những vùng nông thôn trù phú.

Là nước láng giềng bên cạnh Trung Quốc và có cơ cấu kinh tế gần như tương đương - khi nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, Việt Nam cũng đang kì vọng tạo ra ngành TMĐT bao phủ khắp ngóc ngách đất nước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới chỉ thành công số hóa công việc kinh doanh ở khu vực đô thị, còn vẫn dậm chân tại chỗ ở vùng nông thôn.

Những nhà bán hàng lớn nhỏ tại đô thị đều xuất thân từ giới trẻ - những người quá quen thuộc với những tiến bộ của khoa học và công nghệ, hoặc nếu người chủ không rành thì cũng dễ dàng thuê được nhân lực làm được việc. Ở khu vực nông thôn ngược lại. Những người nông dân trung niên lớn tuổi khá xa lạ với các khái niệm như mạng xã hội, Facebook, Shopee hay Amazon; và nếu muốn thuê cũng không có người, muốn học cũng chẳng biết hỏi ai.

TikTok và VECOM về nông thôn giúp tiểu thương số hóa việc kinh doanh, cam kết 100 ngày đưa hàng lên sàn TMĐT, truyền thông và đổ traffic về gian hàng - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Kim Huệ - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo truyền thông

"Việc quan trọng nhất trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số là phải chuyển đổi nhận thức của các hộ kinh doanh cá thể và SMEs. Chúng ta phải làm sao để họ biết được rằng: dù dự án kinh doanh của mình nhỏ đến thế nào, vẫn có thể chuyển đổi số được. Ngược lại, chỉ khi người bán hàng thay đổi nhận thức, họ mới thay đổi được tư duy sản xuất – kinh doanh.

Bởi thực thế cho thấy, không ít người bán hàng nhỏ lẻ, mỗi khi được đề nghị tham gia số hóa công việc kinh doanh, đều cho rằng ‘rất khó, vì không biết làm và không có tiền để làm’. Trong Covid-19, chuyển đổi số đang là nhiệm vụ sống còn với không ít SMEs, nhờ mang được hàng lên các nền tảng số, đã giúp không ít hộ kinh doanh cá thể/gia đình sống sót qua mùa dịch. Theo tôi, sức bật của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ đến từ quá trình chuyển đổi số của toàn dân.

Về phần các sàn TMĐT hoặc mạng xã hội, khi làm việc với các đối tác bán hàng, cần có chính sách an toàn – lành mạnh, nhằm có thể trở thành sân chơi công bằng cho tất cả", bà Lê Thị Kim Huệ - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo truyền thông (Hiệp hội Truyền thông số) mở đầu buổi Tọa đàm cho TikTok tổ chức gần đây.

"Bây giờ, đi đâu chúng ta cũng nghe về chuyển đổi số và thương mại điện tử. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp và đối tượng, chuyển đổi số vẫn là khái niệm chung chung - khá mù mờ. Vậy mục tiêu mong muốn của Việt Nam là gì khi chuyển đổi số? Theo tôi, mục tiêu cụ thể của chuyển đổi số vẫn là làm sao bán được nhiều hàng hơn. Hay nói đơn giản hơn, là chúng ta cần phải số hóa việc kinh doanh, đưa hàng hóa lên các nền tảng TMĐT để bán được hàng.

Thế nên, với các hộ kinh doanh cá thể và SMEs, chúng ta không cần họ phải chuyển đổi số mạnh mẽ hoặc toàn diện – sánh ngang thế giới, cũng không cần họ có gì đó đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh; chỉ cần số hóa một phần nào đó hoạt động kinh doanh của họ là ổn", ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch VECOM tiếp lời.

Theo quan sát của ông Nguyễn Ngọc Dũng, chuyển đổi số ở khu vực nông thôn đang ở dạng phong trào hơn là có tác động hiệu quả và sâu rộng. Ví dụ: chương trình OCOP – một xã một đặc sản rất hay khi tạo ra được sản phẩm tốt đựng trong bao bì đẹp, song vẫn không bán được hàng, rồi chương trình bị tắt từ đó. Hiện Chính phủ đang giao trọng trách bán hàng OCOP cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong và sau Covid-19, chúng ta lại tiếp tục nghe – thấy nhiều lời kêu gọi ‘giải cứu nông sản’ khắp nơi tại Việt Nam.

Hay khi VECOM mang các chương trình hỗ trợ số hóa việc kinh doanh về nông thôn, thông qua hợp tác với các sàn TMĐT hay TikTok – Facebook, thường hay nghe cô gì chú bác ở đó đề nghị: "Nếu các anh làm được thì làm đi, chúng tôi sẽ cung cấp hàng cho các anh bán". Hầu hết nhà sản xuất lẫn người bán hàng không sẵn sàng tham gia cùng VECOM.

Nên rất nhiều chương trình đào tạo chung của các đoàn thể, tổ chức về số hóa việc kinh doanh khá lãng phí. Sau các khóa đào tạo, số lượng tiểu thương kiên trì tiếp tục với marketing – bán hàng online và thành công tăng doanh số đếm trên đầu ngón tay.

TikTok và VECOM về nông thôn giúp tiểu thương số hóa việc kinh doanh, cam kết 100 ngày đưa hàng lên sàn TMĐT, truyền thông và đổ traffic về gian hàng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch VECOM

"Chúng tôi đã thay đổi chiến lược đào tạo, không đi theo con đường chung chung, kiểu ‘trả nợ quỷ thần’ như trước đây. Bây giờ, chúng tôi sẽ chọn 10/100 tiểu thương đăng ký tham gia chương trình số hóa và bắt họ phải tự làm. Bên cạnh đó, chúng tôi cam kết sau 100 ngày, sẽ giúp họ đưa sản phẩm lên tất cả những sàn TMĐT khả dĩ. Phần họ, sẽ phải đóng tiền đối ứng cho chúng tôi. Nếu tự dưng anh bỏ cuộc giữa chừng khiến chúng tôi lãng phí thời gian, chúng tôi sẽ lấy tiền đối ứng của anh, để dành đào tạo người khác.

Trong 30 ngày, chúng tôi sẽ làm truyền thông cấp tập cho 10 người đó, đổ traffic về gian hàng của họ. Ngoài ra, nếu họ đã thành công bán được nhiều hàng hóa khi chưa hết thời gian 30 ngày, thì sẽ tự động tách ra, dành slot của mình cho người khác. Mục tiêu của chúng tôi là biến ‘những người được chọn’ trở thành ‘anh hùng’ của khu vực đó.

Người Việt mình hay có tâm lý ‘con gà tức nhau tiếng gáy’, biết đâu được có hàng xóm của ‘anh hùng’ cảm thấy không phục, vì nó chẳng hơn gì mình mà giờ được xem trọng và trở nên giàu có; sau khi tức quá thì bảo con mình đi học", Phó Chủ tịch VECOM tiết lộ.

Sau khi ‘dụ dỗ’ thành công, thì việc làm sao để các tiểu thương hoạt động lâu dài và hiệu quả trên các nền tảng số cũng vô cùng quan trọng. Muốn thế, theo Tâm Phan – Giám đốc Quốc gia – Hiệp hội Mobile Marketing Vietnam, các nền tảng TMĐT hay Facebook/TikTok đều phải chú trọng đến việc đào tạo kiến thức để các đối tác bán hàng hiểu được giá trị của các nền tảng, đồng thời tận dụng triệt để nó.

Cụ thể bằng việc cập nhật kho ứng dụng, xu hướng mới, các case-study thành công, giúp các đối tác bán hàng có cảm hứng sáng tạo ra những phương cách tiếp cận khách hàng độc đáo, dễ lan tỏa cộng đồng hoặc đơn giản là làm theo những xu hướng đang có sức lan tỏa lớn. Ngoài ra, các nền tảng cũng nên thường xuyên cập nhất tình hình thị trường kinh doanh của Việt Nam – thế giới.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM